Bến Tre, Ninh Thuận và Huế ghi nhận ca mắc mới sau nhiều ngày

Cập nhật bản tin COVID-19 từ 6h-18h ngày 4/7

Việt Nam ghi nhận ca tử vong số 85, 86 vì COVID-19

TP.HCM thay đổi chiến lược điều tra dịch tễ, truy vết COVID-19

Ngày 3/7, Việt Nam ghi nhận số ca mắc COVID-19 cao kỷ lục

Châu Âu đối mặt với làn sóng dịch mới

- Tính đến 18h ngày 4/7, số lượng ca mắc mới ghi nhận trong nước ở đợt dịch thứ 4 này là 16.505 ca, trong đó có 5.045 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Trong ngày có 176 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh.

- Sáng 4/6, tại cuộc họp trực tuyến giữa Thủ tướng với TP.HCM và 7 tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam về công tác phòng, chống dịch COVID-19, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay: Tại Việt Nam, tình hình dịch bệnh vẫn đang được kiểm soát về tổng thể.

Bộ trưởng khẳng định, các địa phương đang nỗ lực, khẩn trương và đã kịp thời đưa ra các biện pháp giãn cách phù hợp để có thể sớm kiểm soát tình hình. Bộ trưởng khẳng định Bộ sẽ nỗ lực cung cấp máy xét nghiệm PCR cho các địa phương nhanh nhất có thể.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng khuyến cáo tăng cường sử dụng test kháng nguyên nhanh trong đợt dịch này, vì với biến chủng mới, lượng virus có mật độ rất lớn trong mẫu của các ca nhiễm.

- Những ngày gần đây cho thấy, dù số ca mắc COVID-19 được phát hiện tại TP.HCM vẫn còn khá cao, số trường hợp phát hiện từ điều tra dịch tễ trong cộng đồng đang giảm dần. TP.HCM hiện đang triển khai thực hiện xét nghiệm RT-PCR và xét nghiệm nhanh kháng nguyên tầm soát cộng đồng để tăng cường khả năng phát hiện sớm người nhiễm COVID-19 trong cộng đồng, đẩy nhanh tiến độ điều tra truy vết.

- Sau 52 ngày không ghi nhận ca mắc COVID-19 mới, tỉnh Thừa Thiên Huế vừa phát hiện 1 ca mắc COVID-19, là BN19572 xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc. Bệnh nhân là F1 của BN19601 (lái xe người Quảng Ngãi từng đến Huế, Đà Nẵng và Quảng Trị). Thông tin từ đội phản ứng nhanh của Trung tâm Y tế huyện Phú Lộc cho hay, ngành y tế đã điều tra dịch tễ được 8 người thuộc diện F1, 54 người diện F2.

- Bến Tre phát hiện ca dương tính với SARS-CoV-2 đầu tiên trong cộng đồng. BN19627 là bệnh nhi 7 tuổi - F1 của BN17046 (làm việc tại Mỹ Tho, Tiền Giang). Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) tỉnh Bến Tre tiếp tục truy vết dịch tễ đối với những người làm việc trong Khu công nghiệp Giao Long đã từng tiếp xúc với mẹ của bệnh nhi.

Bến Tre cũng đã ghi nhận 2 trường hợp F1 của 1 bệnh nhân COVID-19 ở TP.HCM và đang tiếp tục theo dõi, truy vết. UBND tỉnh Bến Tre yêu cầu, từ 0 giờ ngày 7/7 tới, tất cả những người vào địa phận tỉnh Bến Tre phải có giấy xác nhận âm tính với SARS-CoV-2 trong thời hạn 7 ngày.

- Hiện tại, Tây Nam Bộ còn các tỉnh Cà Mau, Hậu Giang và Sóc Trăng chưa ghi nhận ca COVID-19 cộng đồng trong đợt dịch này. Ngày 4/7, ông Trần Văn Lâu - Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đã ký ban hành Công văn hỏa tốc, yêu cầu các địa phương, các tổ chức đoàn thể cơ sở tăng cường tuyên truyền, vận động các gia đình có người thân đang sinh sống, lao động, học tập tại các tỉnh/thành thuộc vùng có dịch tạm thời không nên trở về địa phương trong thời gian này.

Trong trường hợp đặc biệt hay quá khó khăn buộc phải trở về địa phương thì phải đến ngay Trạm Y tế hoặc Trung tâm Y tế gần nhất để khai báo y tế.

- Sau khi ghi nhận loạt ca nhiễm liên quan đến cảng cá Hòn Rỡ (TP. Nha Trang), Khánh Hòa tiếp tục dừng hoạt động cảng cá để xử lý dịch bệnh theo quy định. Ngoài ra, UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu tất cả các quán ăn trên các tuyến QL1, QL27C, QL26 (đoạn thuộc địa phận tỉnh Khánh Hòa) chỉ bán mang về.

Ngày 4/7, Sở Giao thông vận tải Khánh Hòa đã yêu cầu người tham gia giao thông đi từ tỉnh Phú Yên đến Khánh Hòa phải ghi hành trình vận chuyển để lưu trữ và cung cấp tại các chốt kiểm dịch và phải có giấy xác nhận kết quả xét nghiệm COVID-19 bằng phương pháp RT-PCR âm tính trong 3 ngày.

- Ninh Thuận ghi nhận ca COVID-19 đầu tiên trong đợt dịch mới là BN19313 có tiền sử đi về TP.HCM. Theo CDC Ninh Thuận, ca nhiễm này có liên quan đến yếu tố dịch tễ ở chợ đầu mối Hóc Môn. Khi về Ninh Thuận, lịch trình của ca nhiễm rõ ràng, cách ly tại nhà, không tiếp xúc với nhiều người bên ngoài, do vậy công tác truy vết, kiểm soát nguồn lây rất kịp thời.

- Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, TP. Dĩ An (Bình Dương) sẽ thực hiện giãn cách xã hội bắt đầu từ 0h ngày 5/7. Như vậy, Bình Dương hiện có 4 đơn vị cấp huyện (TP. Dĩ An, TP. Thuận An, TP. Thủ Dầu Một và thị xã Tân Uyên) áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ để phòng chống dịch.

Quỳnh Trang H+
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn