Dấu hiệu khác biệt giữa sốt xuất huyết và bệnh do virus Zika

Muỗi Aedes truyền bệnh do virus Zika, sốt xuất huyết… Ảnh: WP.

Virus Zika gây teo não có thể đã xuất hiện tại Việt Nam

Virus Zika có lây qua đường tình dục không?

WHO: Virus Zika bùng phát là hiện tượng bất thường

Dấu hiệu nhận biết cơ thể đang mắc virus Zika

Tiến sỹ Nguyễn Văn Kính - Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) cho biết, Zika là chủng virus lưu hành ở nhiều nước khu vực châu Phi, tuy nhiên gần đây bùng phát thành dịch và lây lan các châu lục khác. Trong khi đó, bệnh sốt xuất huyết có từ lâu và phổ biến ở nước ta. Biểu hiện của 2 bệnh gần giống nhau: Sốt, phát ban trên da, viêm kết mạc, đau khớp, đau cơ, mệt mỏi và đau đầu…

“So với sốt xuất huyết thì bệnh do virus Zika nhẹ hơn, 80% không có biểu hiện bệnh. Biểu hiện lâm sàng của sốt xuất huyết thường nặng hơn, từ ngày thứ hai có thể chảy máu chân răng, chảy máu cam; nghiêm trọng hơn là chảy máu nội tạng, trụy mạch, sốc, nguy cơ tử vong rất cao”, tiến sỹ Kính cho biết.

Theo tiến sỹ Kính, bệnh do virus Zika nguy hiểm ở biến chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh, nhất là ở phụ nữ mang thai 3 đầu bị nhiễm virus Zika và hội chứng Guillain-Barré- viêm đa rễ thần kinh.

Về khả năng tử vong, theo tiến sỹ Kính không đáng lo ngại vì trên thế giới hầu như chưa ghi nhận trường hợp chết nào do virus này tuy nhiên sốt xuất huyết thì có. Tại Việt Nam năm 2015, ghi nhận hơn 88.000 ca mắc sốt xuất huyết, 57 người tử vong.

Vị giám đốc Bệnh viện đầu ngành về bệnh truyền nhiễm này cũng cho biết năng lực các phòng xét nghiệm của Việt Nam hoàn toàn có thể chẩn đoán được bệnh do virus Zika. Tuy nhiên, đa phần người bệnh không có biểu hiện triệu chứng, vì thế sẽ rất khó để có thể phát hiện sớm ca bệnh đầu tiên.

Vì thế, ngoài việc theo dõi người nhập cảnh từ các vùng dịch, có thể hồi cứu từ những trường hợp thai phụ siêu âm thấy có trẻ có bất thường đầu nhỏ thì có thể lấy máu làm xét nghiệm xác định.

Đến nay giới chức y tế vẫn chưa thể lý giải vì sao virus Zika có thể bùng phát nhanh chóng như vậy. Thời gian ủ bệnh 3-12 ngày. Khởi đầu, người bệnh có thể sốt nhẹ, ban dát sẩn trên da, đau đầu, đau mởi cơ khớp, viêm kết mạc…

Theo hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh do virus Zika Bộ Y tế vừa ban hành thì một trường hợp được chẩn đoán nghi ngờ khi có yếu tố dịch tễ (sinh sống tại hoặc du lịch tới vùng đã có lưu hành dịch do virus Zika trong vòng 2 tuần trước khi khởi bệnh); Có ít nhất 2 trong số các triệu chứng lâm sàng đã nêu ở trên, hoặc có hội chứng Guillain Barre hoặc trên siêu âm phát hiện thai nhi có não nhỏ hơn bình thường so với phát triển của thai nhi; Không xác định được các căn nguyên gây bệnh khác (sốt xuất huyết Dengue, Chikungunya...).

Theo Bộ Y tế, điều trị triệu chứng là chính, bao gồm: Nghỉ ngơi; Hạ sốt bằng paracetamol- không sử dụng aspirin và các thuốc giảm đau NSAID (ibuprofen, meloxicam, piroxicam…); Bù nước và điện giải: Uống đủ nước oresol hoặc nước sôi để nguội, nước trái cây; Vệ sinh mắt bằng dung dịch nước muối sinh lý NaCl 0.9%. Đồng thời người bệnh chú ý theo dõi các biểu hiện tổn thương thần kinh như yếu, liệt cơ,...

Đối với phụ nữ có thai cần hội chẩn với chuyên khoa sản để theo dõi bất thường về thai nhi. Cụ thể, theo dõi siêu âm thai mỗi 2 tuần một lần để phát hiện sớm tình trạng đầu nhỏ hoặc vôi hóa não ở thai nhi. Phụ nữ có thai trên 15 tuần bị nhiễm virus Zika có thể chỉ định chọc ối làm xét nghiệm RT-PCR hoặc lấy máu cuống rốn để làm xét nghiệm huyết thanh.

Trẻ bị dị tật não bé hoặc có tiền sử mẹ nhiễm virus Zika khi mang thai cần được theo dõi sự phát triển về tinh thần, vận động, đánh giá thị lực và điều trị các rối loạn như co giật, động kinh (nếu có).

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn