Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Thứ trưởng Bộ Công Thương phát biểu tại lễ phát động
Triển khai thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử
Người tiêu dùng cần ghi nhớ: “Thông tin minh bạch - tiêu dùng an toàn”!
Đại dịch thay đổi nhận thức của người tiêu dùng về sức khỏe miễn dịch
Với chủ đề “Thông tin minh bạch - Tiêu dùng an toàn”, Bộ Công Thương nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của thông tin đối với sự an toàn của người tiêu dùng trong quá trình lựa chọn, thanh toán, sử dụng hàng hóa, dịch vụ, đặc biệt trong bối cảnh ngày càng có nhiều hành vi lừa đảo, xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng.
Phía doanh nghiệp cũng cần đề cao trách nhiệm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; Cung cấp thông tin chính xác, kịp thời để người tiêu dùng có thể đưa ra các quyết định đúng và an toàn.
Theo kế hoạch, các hoạt động vì quyền lợi người tiêu dùng năm nay được khuyến khích tổ chức và thực hiện trong suốt năm 2024. Trong đó, các hoạt động tập trung vào các khoảng thời gian cao điểm về kinh doanh và tiêu dùng như: Tết Dương lịch, Tết Âm lịch, các mùa mua sắm… Các hoạt động hưởng ứng được tập trung tổ chức trong tháng 3/2024 (tháng cao điểm) và kéo dài hết năm 2024, tùy theo tình hình thực tiễn tại các cơ quan, tổ chức và địa phương.
Tại cấp Trung ương, một số hoạt động dự kiến sẽ được triển khai có thể kể tới như: Tuyên truyền phổ biến; Phát hành các tài liệu, ấn phẩm có liên quan; Tổ chức các hội thảo, tập huấn, khóa đào tạo theo chủ đề; Tri ân người tiêu dùng; Tổ chức các sự kiện công cộng hướng về người tiêu dùng hay các cuộc thi tìm hiểu về quy định pháp luật, kiến thức, kỹ năng kinh doanh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…
Tại địa phương, UBND các tỉnh, thành phố cần căn cứ trên tình hình thực tế để lập kế hoạch, bố trí kinh phí và tổ chức thực hiện các hoạt động hưởng ứng trên địa bàn, đảm bảo toàn bộ các khu chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cơ sở sản xuất, kinh doanh tại địa phương đều có các hình thức phù hợp để tuyên truyền, quảng bá.
Bộ Công Thương cũng khuyến khích sự tham gia của các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và người tiêu dùng với các hoạt động liên quan; Từng bước đưa Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam thành động lực và điểm nhấn quan trọng trong đời sống kinh tế xã hội, hỗ trợ hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp; Bảo đảm các quyền cơ bản của người tiêu dùng, đặc biệt là quyền được tiếp cận thông tin một cách minh bạch, an toàn.
Phát biểu khai mạc lễ phát động, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết vào ngày 20/6/2023, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. “Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 đã sửa đổi toàn diện Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010; Bổ sung nhiều quy định để bảo đảm thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành và kịp thời điều chỉnh các vấn đề mới phát sinh. Trong đó, nhiều quy định mang tính dấu ấn, lần đầu xuất hiện trong hệ thống pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”.
Theo Thứ trưởng, một trong những quy định tại Luật năm 2023 có nhiều ý nghĩa đối với người tiêu dùng và công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là việc tiếp tục quy định lấy ngày 15/3 hằng năm là Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam.
“Việc quy định về Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam tại Luật không chỉ tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mà còn tạo cơ sở pháp lý mạnh mẽ hơn để huy động sự quan tâm, hưởng ứng, tham gia của toàn xã hội đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”, Thứ trưởng nói.
“Việc tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tri ân, hướng tới người tiêu dùng vào Ngày Quyền của người tiêu dùng và việc Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sắp đi vào thực tiễn sẽ là những động lực mạnh mẽ, có giá trị thực tiễn to lớn để đẩy mạnh hơn nữa hiệu quả công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Việt Nam trong thời gian tới”, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh.
Việt Nam là một trong các quốc gia sớm thực hiện các hành động để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Năm 1999, Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được ban hành. Năm 2010, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được thông qua nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế. Đặc biệt, năm 2023, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tiếp tục được hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong tình hình mới.
Trước đó, từ năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 15/3 hằng năm là Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam - đây cũng chính là sự kiện nổi bật hàng năm do Bộ Công Thương và UBND các tỉnh, thành phố thực hiện liên tục từ năm 2016 tới nay.
Bình luận của bạn