Phát hiện ung thư hiếm gặp qua dấu hiệu tiểu máu

Ekip bác sĩ BVĐK Tâm Anh tiến hành phẫu thuật loại bỏ khối u - Ảnh: BVĐK Tâm Anh

3 thực phẩm cần tránh để giảm nguy cơ ung thư

Thực phẩm chức năng chứa probiotic có giúp giảm dư vị cơn say?

Podcast: Người bị ung thư tuyến giáp có cần kiêng thịt đỏ?

Nga đăng ký loại thuốc mới điều trị ung thư tuyến tiền liệt di căn xương

Loại ung thư hiếm gặp

Ba năm trước, ông K. phát hiện mắc ung thư niệu mạc bàng quang, phải cắt toàn bộ bàng quang và tạo đường chuyển lưu nước tiểu qua da. Thay vì đi tiểu qua niệu đạo, nước tiểu tạo ra ở thận được dẫn trực tiếp ra khỏi cơ thể qua một lỗ nhỏ ở thành bụng.

Tuy nhiên, một tuần trước, ông phát hiện niệu đạo đột ngột chảy máu và đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM thăm khám. Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Hoàng Đức, Trưởng khoa Tiết niệu, chỉ định nội soi niệu đạo bằng ống mềm để xác định nguyên nhân. Kết quả cho thấy trong niệu đạo có các khối u nhỏ, chồi sùi, nghi ngờ là ung thư tái phát từ niệu mạc.

Bác sĩ Đức giải thích, niệu mạc là lớp lót bao phủ bề mặt các cơ quan trong hệ thống tiết niệu. Khi ung thư xuất hiện tại lớp lót này, tế bào ác tính có thể di chuyển theo dòng nước tiểu và hình thành khối u tại các vị trí khác trong hệ tiết niệu, như niệu đạo, niệu quản hoặc bể thận.

Dù ung thư niệu đạo rất hiếm, chỉ chiếm chưa đến 1% trong các loại ung thư và khoảng 4-10% trong trường hợp tái phát sau cắt bàng quang. U ác tính ở niệu đạo ít gặp đến mức không xuất hiện trong danh sách 33 loại ung thư thường gặp trong thống kê của Tổ chức ghi nhận ung thư thế giới GLOBOCAN (theo số liệu năm 2022).

Sau khi xác định các khối u trong niệu đạo là ung thư niệu mạc, bác sĩ Đức chỉ định phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ niệu đạo. Ca phẫu thuật được thực hiện bởi ekip mổ là các bác sĩ tại Trung tâm Tiết niệu – Thận học – Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, dưới sự cố vấn chuyên môn của bác sĩ Đức.

Một ngày sau phẫu thuật, ông K. phục hồi nhanh, ít đau, có thể ăn uống, đi lại bình thường và được xuất viện. Do khối u được loại bỏ hoàn toàn, ông K. không cần điều trị bổ sung bằng hóa trị hoặc xạ trị, chỉ cần tái khám định kỳ để theo dõi nguy cơ tái phát tại các vị trí khác.

Cảnh báo nguy cơ và tầm quan trọng của việc phát hiện sớm

Theo bác sĩ Đức, ung thư niệu đạo có thể xảy ra ở cả nam và nữ, nhưng nguyên nhân cụ thể vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, những người có tiền sử ung thư niệu mạc bàng quang, nhiễm vi rút HPV hoặc hẹp niệu đạo kéo dài có nguy cơ cao hơn. Riêng ở nam giới, nếu ung thư niệu đạo không được phát hiện và điều trị kịp thời, có thể dẫn đến di căn sang thể hang dương vật, buộc phải cắt bỏ dương vật.

Bác sĩ Đức khuyến cáo người có dấu hiệu tiểu máu cần sớm đến bệnh viện khám, xác định chính xác nguyên nhân để có biện pháp điều trị phù hợp, kịp thời. Những người bệnh có tiền sử mắc ung thư bàng quang cần theo dõi định kỳ để sớm phát hiện và điều trị. 

 
Đào Dung (Theo Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin