Nam giới cần làm gì để phòng ngừa tình trạng bàng quang tăng hoạt?

Bàng quang tăng hoạt không gây nguy hiểm đến tính mạng, nhưng ảnh hưởng nặng nề đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Điều trị bệnh bàng quang tăng hoạt

Hội chứng bàng quang tăng hoạt: Bạn có nguy cơ cao mắc bệnh?

Phì đại tuyến tiền liệt: Chủ động phòng ngừa khi còn trẻ

8 biện pháp tự nhiên cho nam giới bị phì đại tuyến tiền liệt

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Scientific Reports (xuất bản ở Anh) đã sử dụng dữ liệu từ Khảo sát Sức khỏe và Dinh dưỡng Quốc gia Mỹ, để phân tích xu hướng mắc chứng bàng quang tăng hoạt ở nam giới trưởng thành Mỹ trong những năm gần đây.

Kết quả cho thấy, tỷ lệ mắc bệnh này đã tăng từ 11,3% trong giai đoạn 2005-2008 lên 14,5% trong giai đoạn 2015-2020. Đặc biệt, tình trạng này phổ biến hơn ở nam giới trong độ tuổi từ 40-59 và những người thừa cân, béo phì.

Mặc dù đây là một phát hiện mới, nhưng theo ông Jason Kim, Bác sĩ Tiết niệu tại Stony Brook Medicine (Mỹ), chứng bàng quang tăng hoạt ở nam giới thường bị bỏ qua và chưa được chẩn đoán chính xác. Bởi nam giới thường có xu hướng ngại ngùng khi chia sẻ về các vấn đề liên quan đến đường tiểu, hoặc họ cho rằng đó là một phần tự nhiên của quá trình lão hóa.

Bàng quang tăng hoạt là một hội chứng bao gồm 4 nhóm triệu chứng, bao gồm: tiểu gấp, tiểu nhiều lần, tiểu đêm, và có (hoặc không có) són tiểu. Nguyên nhân gây ra hội chứng này thường liên quan đến sự rối loạn hoạt động của các dây thần kinh kết nối giữa bàng quang và não, hoặc do các cơ bàng quang co thắt quá mức.

Một số yếu tố nguy cơ khác bao gồm: Rối loạn thần kinh; Thay đổi nội tiết tố; Cơ sàn chậu yếu; Nhiễm trùng đường Tiết niệu; Tác dụng phụ của một số loại thuốc như thuốc chẹn beta, thuốc lợi tiểu, thuốc chống trầm cảm; Các bệnh lý về não và tủy sống;... Trong khi phụ nữ thường gặp phải các vấn đề về tiểu tiện do các yếu tố như sinh nở, nhiễm trùng đường Tiết niệu và thay đổi nội tiết tố ở giai đoạn mãn kinh, thì ở nam giới, nguyên nhân chính thường liên quan đến các vấn đề về tuyến tiền liệt.

Đối với những trường hợp bàng quang tăng hoạt do rối loạn chức năng bàng quang, các phương pháp điều trị phổ biến bao gồm:

  • Điều chỉnh lối sống: Giảm tiêu thụ caffeine và rượu, duy trì cân nặng hợp lý.
  • Thuốc điều trị: Các loại thuốc như antimuscarinic và beta-3 adrenergic agonist giúp giảm hoạt động của bàng quang.
  • Bài tập sàn chậu: Tăng cường cơ sàn chậu giúp hỗ trợ bàng quang hoạt động tốt hơn.
  • Tiêm Botox: Tiêm Botox vào bàng quang để giảm co thắt cơ bàng quang.
  • Phẫu thuật: Được chỉ định trong trường hợp các phương pháp điều trị khác không hiệu quả.

Bên cạnh đó, để phòng ngừa hội chứng bàng quang tăng hoạt, nam giới có thể thực hiện các bài tập Kegel để tăng cường cơ sàn chậu ngay từ khi còn trẻ. Đồng thời, xây dựng một lối sống lành mạnh để tăng cường sức khỏe tổng thể nói chung và đường tiết niệu nói riêng.

 
Việt An (Theo VerywellHealth)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Tiết niệu