Thực phẩm chức năng chứa probiotic có giúp giảm dư vị cơn say?

Cảm giác choáng váng, đau đầu là hậu quả thường gặp sau khi uống rượu bia

Bia và rượu, thứ nào hại hơn?

Mẹo đánh bay “bụng bia” mà không cần cắt giảm hoàn toàn rượu, bia

Lạm dụng rượu bia gây hại da thế nào?

Dấu hiệu cơ thể cảnh báo bạn đang uống rượu bia quá mức

Đã bao giờ bạn nhận thấy cơ thể mệt mỏi, rệu rã về cả thể chất lẫn tinh thần sau khi uống rượu bia quá chén? Đây được gọi là trạng thái hangover, tập hợp những triệu chứng khó chịu sau khi dùng đồ uống có cồn

Một trong những nguyên nhân trực tiếp là do cơ thể chuyển hóa cồn thành acetaldehyde, một chất có hại, kích thích hiện tượng viêm và stress oxy hóa. Acetaldehyde tích tụ trong cơ thể sau chầu nhậu gây ra cảm giác nôn nao, bụng dạ khó chịu, vã mồ hôi, đau đầu và hàng loạt triệu chứng khó chịu khác.

Dựa trên cơ chế này, nhiều công ty trên thế giới nghiên cứu các giải pháp giảm lượng acetaldehyde tích tụ trong cơ thể để ngăn ngừa dư âm sau cơn say. Công ty Zbiotics của Mỹ và Công ty công nghệ sinh học De Faire Medical AB của Thụy Điển đã tạo ra các sản phẩm dựa vào vi khuẩn sống (probiotic) để xử lý lượng acetaldehyde dư thừa.  

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia vi sinh vật tỏ ra nghi ngờ công dụng thực sự của probiotic với người uống rượu. Thứ nhất, khi uống rượu bia, ethanol sẽ theo máu đi thẳng đến gan, để enzyme dehydrogenase phân giải chúng thành acetaldehyde. Não bộ, dạ dày và tuyến tụy cũng xử lý một lượng cồn nhất định. Nhưng chỉ có một lượng tương đối nhỏ ethanol được chuyển hóa ở ruột già, nơi các probiotic làm việc.

Cồn trong rượu bia được chuyển hóa chủ yếu tại gan, do đó, bổ sung probiotic cho đường tiêu hóa chưa chắc có thể giảm tích tụ acetaldehyde hiệu quả

Cồn trong rượu bia được chuyển hóa chủ yếu tại gan, do đó, bổ sung probiotic cho đường tiêu hóa chưa chắc có thể giảm tích tụ acetaldehyde hiệu quả

GS Karsten Zengler, chuyên gia vi sinh vật học tại Đại học California San Diego (Mỹ) cho hay, uống thực phẩm chức năng probiotic trước chầu nhậu không gây hại gì cho sức khỏe, nhưng cũng không giúp giảm cảm giác chếnh choáng, nôn nao vào ngày hôm sau. Đường ruột của bạn đã có sẵn một “đội quân vi khuẩn” có khả năng phân giải các phụ phẩm của cồn. Đồng thời, không có nhiều ethanol và acetaldehyde tích tụ ở ruột già. Bổ sung thêm lợi khuẩn lúc này là “vô thưởng vô phạt”.

Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy vi khuẩn có thể phân hủy một lượng đáng kể acetaldehyde trong điều kiện mô phỏng đường ruột. Một thử nghiệm quy mô nhỏ cho thấy sản phẩm của Zbiotics giúp giảm nồng độ cồn trong máu, nhưng cách sử dụng lại là uống trước chầu nhậu 1 tuần, chứ không phải uống 1 liều trước khi nhậu như hướng dẫn trên bao bì. 

Theo GS Joris C. Verster, chuyên gia về dược tại Đại học Utrecht (Hà Lan), sự thật phũ phàng là uống rượu có chừng mực là cách duy nhất giúp ngăn ngừa di chứng sau khi say. GS Verster cho biết: "Có nhiều sản phẩm giải rượu được bán trên thị trường, nhưng chưa có bằng chứng khoa học thuyết phục nào cho thấy những phương pháp này có hiệu quả.”

TS Daryl Davies, Giám đốc Phòng thí nghiệm Nghiên cứu về rượu và não bộ, Đại học Nam California nhận định, dù khó chịu nhưng chính dư âm sau cơn say lại phục vụ một mục đích cao cả: "Đó là cách cơ thể đang cố gắng cảnh báo rằng bạn đã uống quá nhiều."

Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo, khi sử dụng rượu bia thì không có ngưỡng nào là an toàn với sức khỏe. Ngay cả khi chưa say xỉn, người tham gia giao thông trong trạng thái lâng lâng vẫn có thể gây tai nạn, ảnh hưởng đến tính mạng và sức khỏe của người khác.

 

Từ ngày 1/1/2025, mức phạt với người điều khiển ô tô, xe máy đi vi phạm nồng độ cồn sẽ tăng lên đáng kể. Cụ thể, đối với ô tô, phạt tiền từ 18-20 triệu đồng (quy định cũ phạt từ 16-18 triệu đồng) đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50mg đến 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,25mg đến 0,4mg/1 lít khí thở.

Với xe máy, phạt tiền từ 6-8 triệu đồng (quy định cũ phạt từ 4-5 triệu đồng) người điều khiển xe mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50mg đến 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,25mg đến 0,4mg/1 lít khí thở.

Phạt tiền từ 8-10 triệu đồng (quy định cũ phạt từ 6-8 triệu đồng) khi nồng độ cồn vượt quá 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/1 lít khí thở.

Người điều khiển xe mô tô, xe gắn má không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ sẽ bị phạt tiền từ 8-10 triệu đồng (quy định cũ phạt từ 6-8 triệu đồng).

Cũng từ năm 2025, người vi phạm nồng độ cồn còn bị trừ điểm trên giấy phép lái xe. Các cơ quan chức năng luôn khuyến cáo người tham gia giao thông tuyệt đối không lái xe sau khi uống rượu bia, tránh những rủi ro và hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

 
Quỳnh Trang (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Sản phẩm