Phát triển kỹ thuật lọc màng bụng chữa suy thận

Bệnh nhân suy thận mạn được đặt ống Catheter ở bụng để lọc máu qua màng bụng (Ảnh minh họa)

Dinh dưỡng ở người chạy thận nhân tạo

Hy hữu: Mẹ chạy thận vẫn sinh đôi

Chăm sóc bệnh nhân chạy thận nhân tạo như thế nào?

Chuyện của ông "trưởng xóm chạy thận"

Máy chạy thận tự chế - Hy vọng mới cho bệnh nhân nghèo

Hơn 80.000 người bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối

Bà Nguyễn Thị Xuyên – Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, tại Việt Nam số lượng người bệnh suy thận mạn tính giai đoạn cuối ngày càng gia tăng. Ước tính hiện nay có trên 80.000 người bệnh suy thận mạn tính giai đoạn cuối, trong khi nhu cầu của người bệnh được áp dụng các phương pháp điều trị thay thế thận ngày càng lớn.

Theo các bác sỹ, suy thận mạn là hậu quả của các bệnh thận mạn tính gây giảm sút từ từ số lượng nephron chức năng - là đơn vị cấu tạo cũng như đơn vị chức năng của thận - làm giảm dần mức lọc cầu thận. Khi mức lọc cầu thận giảm xuống dưới 50% (60 ml/phút) so với mức bình thường (120 ml/phút) thì người bệnh được xem là mắc bệnh suy thận mạn.

Suy thận mạn là một hội chứng diễn biến theo từng giai đoạn. Trong giai đoạn sớm, lâm sàng chỉ có một số triệu chứng như ăn mất ngon, hay mệt mỏi, rối loạn giấc ngủ, bị ngứa dai dẳng… Vì vậy, rất dễ nhầm với các căn bệnh khác. Tuy nhiên, khi vào giai đoạn cuối sẽ có biểu hiện “rầm rộ” với hội chứng tăng ure máu. Quá trình diễn biến của suy thận mạn có thể kéo dài từ nhiều tháng đến nhiều năm.

Hiện nay, có ba phương pháp điều trị thay thế thận: Chạy thận nhân tạo, lọc màng bụng và ghép thận. Trong đó, chạy thận nhân tạo và ghép thận là các kỹ thuật y học chuyên sâu phải thực hiện ở các bệnh viện có trang thiết bị y tế hiện đại và quá trình điều trị rất tốn kém về kinh phí.

Chạy thận nhân tạo cần có trang thiết bị hiện đại và tốn nhiều kinh phí (Ảnh minh họa) 

Lọc màng bụng góp phần giảm tải bệnh nhân chạy thận ở các bệnh viện

Ông Trần Quý Tường - Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, cho biết, phát triển kỹ thuật lọc màng bụng nhằm đa dạng hóa các kỹ thuật lọc máu ở nước ta, giúp cho người dân được tiếp cận dịch vụ lọc máu thuận lợi, dễ dàng hơn ngay tại tuyến y tế cơ sở, qua đó góp phần giảm quá tải về chạy thận nhân tạo ở các bệnh viện tuyến trung ương, tuyến tỉnh.

Nói rõ hơn về kỹ thuật này, TS. Đinh Thị Kim Dung - Trưởng Khoa Thận - Tiết niệu, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết, lọc màng bụng là phương pháp lọc máu tại nhà. Sau khi thực hiện các kỹ thuật ban đầu tại bệnh viện, thay vì một tuần phải đến bệnh viện 3 lần để chạy thận nhân tạo, bệnh nhân có thể tự lọc máu tại nhà riêng. Hàng tháng bệnh nhân đến bệnh viện kiểm tra định kỳ một lần.

Theo TS. Dung, bệnh nhân suy thận độ 3b trở lên có thể điều trị bằng kỹ thuật lọc màng bụng. Khi bệnh nhân quyết định dùng phương pháp này, bệnh nhân sẽ được phẫu thuật để đặt ống Catheter (đặt ống thông tĩnh mạch trung tâm). Bác sỹ sẽ chăm sóc và hướng dẫn bệnh nhân cách tự lọc màng bụng. Khi đã thuần thục các kỹ năng cần thiết, bệnh nhân có thể về nhà tự điều trị.

Với kỹ thuật này, bệnh nhân không phải thực hiện chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt như khi lọc máu bằng các phương pháp khác, ít xảy ra biến động huyết áp và không cần sử dụng kim tiêm. Tuy nhiên, bệnh nhân cần tuân thủ tuyệt đối việc giữ gìn vệ sinh để tránh xảy ra nhiễm trùng. 

Thời gian tới, Cục Quản lý Khám chữa bệnh đề nghị các bệnh viện căn cứ vào yêu cầu lọc màng bụng của người bệnh tại địa phương để khẩn trương triển khai kỹ thuật mới này.

Hiện nay có 28 trung tâm lọc màng bụng tại Việt Nam, đặc biệt là 3 trung tâm lớn tại Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện 115. 
M.Hiếu H+ (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin