Phó Chủ tịch UBND TP.HCM: Mong mỏi sự chia sẻ từ mỗi người dân

Dịch vụ bán hàng ăn mang về cũng phải tạm ngừng - Ảnh: thanhnien

Lúc 20h00 tối (8/7), TP.HCM tổ chức cuộc họp báo để cung cấp các thông tin cũng như giải thích rõ hơn về các nội dung trong Chỉ thị 16/CT-TTg cũng như việc triển khai thực hiện. Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết trưa 8/7, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong đã ký văn bản 2279 về áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo tinh thần của Chỉ thị 16.

Ông Đức cho biết tinh thần là ngưng tất cả hoạt động không cần thiết. Cơ quan Nhà nước dừng cuộc họp không cần thiết, chỉ nhận hồ sơ trực tuyến, trừ trường hợp đặc biệt thì thủ trưởng cơ quan công bố cho người dân.

Nguyên tắc của lần áp dụng Chỉ thị 16 này là gia đình cách ly với gia đình, tổ dân phố - tổ nhân dân cách ly với tổ dân phố - tổ nhân dân, khu phố - ấp cách ly với khu phố - ấp, xã - phường - thị trấn cách ly với xã - phường - thị trấn, quận - huyện và thành phố Thủ Đức cách ly với quận - huyện và thành phố Thủ Đức. Mục tiêu là tận dụng quãng thời gian giãn cách này để siết lại các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 nhằm đạt kết quả cao nhất.

Nội dung nhận được sự quan tâm nhiều nhất từ dư luận là việc cấm dịch vụ ăn uống bán mang đi. Điều này làm phát sinh nhiều vấn đề và nhiều người dân cho rằng họ gặp khó khăn trong việc xử lý tình huống và nhiều sự bất cập khác liên quan.

Về nội dung này, ông Đức cho biết theo chỉ thị mới, chủ thể là người bán hàng dịch vụ ăn uống sẽ phải tạm ngưng bán mang về, mỗi người dân sẽ phải hy sinh một chút để vượt qua khó khăn. Ông chia sẻ: "Không có quyết định nào toàn vẹn. Ra quyết định này lãnh đạo thành phố rất cân nhắc. Ví dụ như cá nhân tôi cũng rất cần. Tôi, bà xã và con đều làm suốt ngày nên thường về muộn. Nếu có dịch vụ như vậy rất tiện lợi cho mình.

Mong mỏi sự chia sẻ vì mỗi loại hình hoạt động phải dừng là vấn đề rất đắn đo, cân nhắc của lãnh đạo thành phố. Thành phố thời gian vừa qua đã nhận cái khó về mình. Cân nhắc từng bước, hoạt động nguy cơ cao thì mới siết chặt và đến lúc này, cần những biện pháp thực sự quyết liệt và rất mong có sự chia sẻ, đồng cảm, ủng hộ của người dân”.

Ông lý giải thêm rằng ở các nơi bán hàng ví dụ như tiệm bánh mì, khi nhiều người đặt hàng, shipper đến đứng đợi ở cửa hàng rất khó đảm bảo giãn cách theo Chỉ thị 16. Cụ thể, yêu cầu giãn cách là hai người mà thường những tiệm nhỏ như tiệm bánh mì cũng có 2 người bán. Thêm một người đến mua nữa là 3 người.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết tất cả người dân phải cùng cố gắng và linh hoạt. "Ví dụ, tôi cố gắng tự nấu, nếu không thì tôi cũng tự nấu mì ăn liền. Thực tế thời gian qua tôi ăn rất nhiều loại mì khác nhau. Mỗi người hy sinh thói quen của mình một chút thì tình hình sẽ được cải thiện. Đây không chỉ là mong muốn của cá nhân tôi mà của cả đồng bào", ông Đức nhấn mạnh.

Cùng với việc cấm các dịch vụ bán hàng ăn uống mang về, TP.HCM cũng sẽ hạn chế các hoạt động giao thông không cần thiết trên đường. Người dân không có việc quan trọng, cần thiết thì không ra đường. Các shipper vẫn được hoạt động nhưng chỉ vận chuyển hàng hóa thiết yếu chứ không chuyển đồ ăn, vận chuyển người. Phải duy trì, đảm bảo lưu thông hàng hóa, đảm bảo cung ứng dịch vụ thiết yếu như vận chuyển hàng hóa phục vụ sản xuất, lương thực thực phẩm... Thành phố vẫn tiếp tục cho phép siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng cung cấp dịch vụ thiết yếu hoạt động để đảm bảo duy trì, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cấp thiết của người dân.

Phó chủ tịch khẳng định thành phố đã tính toán để đảm bảo duy trì các nguồn cung ứng. Chợ truyền thống đảm bảo an toàn vẫn được duy trì để đảm bảo cung cấp nhu cầu thiết yếu của người dân đúng như yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính là chăm lo, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, an toàn của người dân là trên hết, trước hết; dứt khoát không để ai thiếu ăn, thiếu mặc và nhu cầu tối thiểu, thiết yếu.

Đức Bình+
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn