Quản lý hành nghề y tư nhân: Sẽ dùng biện pháp mạnh

Nhiều kiểu vi phạm

Hàng loạt sai phạm trong hành nghề y tế tư nhân xảy ra trong thời gian qua khiến dư luận không khỏi bức xúc, nghi ngờ chất lượng công tác quản lý. Để kịp thời chấn chỉnh tiêu cực, thành phố Hà Nội thành lập 4 đoàn thanh tra liên ngành, kiểm tra đột xuất các thẩm mỹ viện, cơ sở hành nghề KCB tư nhân trên địa bàn. Kết quả cho thấy, kể từ ngày 5-11 đến nay, lực lượng chức năng đã phát hiện sai phạm tại 9/28 cơ sở hành nghề y tư nhân. Hiện tại, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã xử phạt 3 cơ sở với mức phạt hơn 100 triệu đồng, trong tuần này sẽ tiếp tục xác định mức phạt đối với 6 cơ sở còn lại.


Kết quả kiểm tra cho thấy những điều khó tưởng tượng trong một xã hội vận hành dựa trên luật pháp. Chẳng hạn, dù không có giấy phép nhưng Phòng khám (PK) chuyên khoa Răng - Hàm - Mặt 103 (ở Phố Mới, thị trấn Quốc Oai, huyện Quốc Oai) vẫn hoạt động suôn sẻ cho đến khi đoàn thanh tra liên ngành của thành phố đụng tới. Không chỉ phát hiện các cơ sở KCB hoạt động "chui", đoàn thanh tra còn đưa ra ánh sáng nhiều sai phạm khác, như hoạt động vượt quá phạm vi chuyên môn, sử dụng bác sĩ không có chứng chỉ hành nghề. Khi kiểm tra PK Đa khoa Vũ Khắc Khoan (ở 216 phố Sơn Tây, thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng), thanh tra liên ngành đã so sánh nội dung dịch vụ KCB được ghi trên biển hiệu của PK này với phạm vi hành nghề có trong giấy phép hoạt động KCB, phát hiện mánh lới "quảng cáo một đằng làm một nẻo". Dù không có trong phạm vi chuyên môn đã được cấp phép nhưng PK này vẫn tổ chức dịch vụ KCB chuyên khoa siêu âm, thậm chí, nhân viên hành nghề KCB tại đây còn không có tên trong danh sách nhân sự kèm theo giấy phép hoạt động.

Không chỉ quảng cáo, giới thiệu dịch vụ KCB ngoài phạm vi chuyên môn được phép thực hiện, PK Đa khoa Nguyễn Văn Khởi (thôn Chúc Lý, xã Ngọc Hòa, huyện Chương Mỹ) còn ngang nhiên bán thuốc khi chưa có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc, không tổ chức thực hiện các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn và tệ hại hơn là sử dụng bác sĩ "chui".

Cần sự vào cuộc đồng bộ

Trưởng phòng Quản lý hành nghề y tư nhân (Sở Y tế Hà Nội) Trần Thị Nhị Hà cho rằng, qua một số vụ việc đã xảy ra trên địa bàn, điều dễ thấy là chính quyền cơ sở cần tăng cường trách nhiệm quản lý địa bàn, giao trách nhiệm quản lý cụ thể tới từng cá nhân và kiên quyết xử lý hành vi thiếu trách nhiệm dẫn đến hậu quả xấu.

Tuy nhiên, yêu cầu tăng cường trách nhiệm quản lý cần phải đi liền với việc bổ sung nguồn lực quản lý. Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, hiện nay, trên địa bàn thành phố có 2.218 cơ sở y tế ngoài công lập - một con số khổng lồ nếu so với nhân lực thanh tra y tế chỉ vỏn vẹn 14 người. Do vậy, kể cả khi thanh tra ngành và lãnh đạo chính quyền cơ sở có ý thức rõ ràng, trách nhiệm cao thì hiệu quả quản lý cũng khó đạt mức cần thiết. Theo một thanh tra y tế, với quy mô đội ngũ thanh tra hiện nay, có làm hết sức cũng chỉ có thể kiểm tra được 10% trong tổng số cơ sở KCB tư nhân.

Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền, ngành y tế và cơ quan quản lý liên quan cần thiết phải tăng cường công tác quản lý, nhưng việc lớn chỉ có thể hoàn thành khi có sự vào cuộc của toàn xã hội. Chủ thể quyết định sự tồn tại của các PK tư nhân chính là người dân. Vì vậy, nhân dân cần thực hiện đầy đủ quyền của mình, tham gia giám sát hoạt động KCB ngoài công lập cùng với cơ quan quản lý bằng việc làm cụ thể. Người bệnh cần yêu cầu cơ sở KCB xuất trình giấy phép hoạt động, nhanh chóng phản hồi thông tin đến cơ quan có trách nhiệm khi phát hiện hành vi sai phạm của các cơ sở y tế tư nhân.
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Góc nhìn quản lý