Quản lý TPCN: Bất cập và khó khăn

Từ đầu năm tới nay, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã quyết liệt xử lý vi phạm với nhiều đơn vị sản xuất thực phẩm chức năng (TPCN) nhằm siết chặt quản lý với mặt hàng đặc biệt này. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc quản lý TPCN ở nước ta còn nhiều khó khăn và bất cập. Nguyên nhân chính của tình trạng này là do hành lang pháp lý để quản lý lĩnh vực này còn chưa hoàn thiện.


Vấn đề quản lý TPCN ở nước ta đang tồn tại nhiều khó khăn, bất cập

Theo ông Trần Quang Trung, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, TPCN là một lĩnh vực còn mới mẻ ở nước ta, do đó việc quản lý không tránh khỏi những bất cập.

Ngành TPCN mới có mặt ở nước ta vào khoảng 10 năm trở lại đây. Tính tới thời điểm hiện tại, Bộ Y tế đã ban hành 6 văn bản quy phạm pháp luật để quản lý lĩnh vực này nhưng cơ quan quản lý và các chuyên gia đều chung nhận định, quản lý TPCN vẫn còn nhiều bất cập.

Theo PGS.TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam: "Hiện nay, luật pháp chưa quy định quản lý chặt chẽ về sản xuất, kinh doanh và công bố của TPCN, trong khi đây lại là sản phẩm sức khỏe, yêu cầu điều kiện khắt khe”. Chính điều này tạo ra nhiều khó khăn trong việc quản lý, khiến nhiều doanh nghiệp lợi dụng “kẽ hở” để sản xuất TPCN kém chất lượng và quảng cáo “thổi phồng”.


Nhiều sản phẩm TPCN quảng cáo thổi phồng công dụng

Bên cạnh đó, một vấn đề quan trọng là việc xây dựng Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) với thực phẩm chức năng vẫn chưa được hoàn thiện. Hiện tại, tất cả TPCN khi công bố đều dựa vào kết quả kiểm nghiệm trong vòng 12 tháng. Tuy nhiên, có một thực tế là hiện nay, các chất có hoạt tính sinh học chưa định lượng được trong các cơ sở kiểm nghiệm chất lượng. Do đó chưa đo lường được hàm lượng của các chất có hoạt tính sinh học.

Ngoài ra, ở nước ta vẫn thiếu các cơ sở pháp lý của các nghiên cứu khoa học dược động học, độc học, thử nghiệm lâm sàng chứng minh tác dụng của hoạt chất sinh học có trong TPCN. Chính vì thế khó lượng hóa được tác dụng, độc tính, thời gian bán hủy của các chất có hoạt tính sinh học trong TPCN. Việc thử nghiệm lâm sàng cũng không bắt buộc với các sản phẩm TPCN và cơ quan chức năng cũng chưa ban hành được quy định về ngưỡng thực phẩm thông thường và thực phẩm bổ sung.

Chính những điều này khiến cho kết quả kiểm nghiệm trong vòng 12 tháng không có được độ chính xác cao. Thêm vào đó, việc để doanh nghiệp tự công bố công dụng của sản phẩm cũng tạo cơ hội cho các doanh nghiệp “thổi phồng” công dụng của TPCN.

Chưa kể đến thị trường TPCN online cũng đang phát triển với tốc độ chóng mặt, rất khó để kiểm soát. Hàng loạt bất cập và nguy cơ đang tiềm ẩn trong thị trường online này.


TPCN rất tốt cho sức khỏe, nhưng việc quản lý còn nhiều bất cập khiến nhiều người nghi ngại

Theo PGS.TS Trần Đáng: “Sự phát triển quá nhanh của TPCN đã gây ra nhiều thách thức cho cơ quan nhà nước trong vấn đề quản lý. Hiện nay, hành lang pháp lý về quản lý TPCN tại Việt Nam chưa rõ ràng dẫn đến nhiều bất cập và nguy cơ. Điều kiện sản xuất chưa được quy định một cách cụ thể, hết sức chung chung là sản xuất thực phẩm. Trong khi, theo quy định quốc tế, điều kiện cơ sở sản xuất TPCN phải hội đủ các yếu tố: cơ sở, trang thiết bị, con người, quy định, phòng thí nghiệm kiểm nghiệm, nguyên liệu an toàn. Điều kiện sản phẩm lưu hành cũng chưa có quy định chặt chẽ. Lẽ ra trước khi sản phẩm lưu hành phải đánh giá chất lượng, tính an toàn của sản phẩm.”.


ctv3
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Kinh doanh - Tiêu dùng