Rau Hà Nam: Vì sao không được cấp chứng chỉ PGS?

Thông tin từ ông Trần Trung Chính, Tổng giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ - Thương mại Quốc tế Victory Asian (Sở hữu hệ thống cửa hàng Mr.Sạch), thì việc xây dựng mô hình rau hữu cơ ở thôn Cổ Viễn, xã Hưng Công, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam phải bắt nguồn từ việc liên kết đào tạo, giám sát và bao tiêu sản phẩm giữa Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Hà Nam, lãnh đạo xã Hưng Công và Công ty CP Đầu tư Tâm Đạt.

Đã trồng theo phương pháp hữu cơ, vì sao chưa được cấp chứng chỉ?


Ông Ngọc Anh, Giám đốc Công ty CP Đầu tư Tâm Đạt

Đại diện một đơn vị có liên quan đến vùng trồng rau Hà Nam, ông Ngọc Anh - Giám đốc Công ty CP Đầu tư Tâm Đạt - cho biết: "Hà Nam chính là nơi phát triển vùng rau hữu cơ mà Công ty Tâm Đạt được Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Hà Nam mời tham gia ở 2 pha. Pha thứ nhất là đào tạo cho người nông dân biết cách trồng rau hữu cơ. Pha thứ hai là giám sát và bao tiêu sản phẩm ở đó. Ở pha thứ nhất, chúng tôi trả lời là nếu muốn làm rau hữu cơ thì phải xét nghiệm tiêu chuẩn đất và nước. Kết quả xét nghiệm đất và nước giếng khoan (lấy mẫu ở thôn Cổ Viễn, Hưng Công) cho thấy đất đủ tiêu chuẩn làm rau hữu cơ, còn nước không đảm bảo tiêu chuẩn vì lượng kim loại nặng vượt quá tiêu chuẩn cho phép. Khi đó, chúng tôi đã trao đổi với bà Hà Thị Minh Tâm - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Hà Nam về vấn đề này: nếu muốn xây dựng vùng rau hữu cơ, phải có nguồn nước sạch. Và giải pháp mà tỉnh Hà Nam đưa ra là dùng nguồn nước sạch từ nhà máy nước sạch ở Hưng Công, cách vùng trồng rau khoảng 1km. Ngay sau đó, tỉnh Hà Nam đã hỗ trợ Hội LHPN tỉnh, xã Hưng Công xây đường ống dẫn nước và xây bể chứa nước để bà con sử dụng nước máy tưới rau. Chính vì vậy, Tâm Đạt đã tham gia dự án phát triển vùng rau hữu cơ với bà con Hà Nam".

Bà Từ Thị Tuyết Nhung - Trưởng Ban Điều phối PGS - cho biết: "Về thực chất, không phải cứ huấn luyện cho người nông dân phương pháp trồng rau hữu cơ là sản phẩm họ cung cấp ra là rau hữu cơ. Cần một sự giám sát nghiêm túc, chặt chẽ quá trình sản xuất để đảm bảo sản phẩm cung cấp cho thị trường thực sự là sản phẩm hữu cơ".


Ông Ngọc Anh nhấn mạnh thêm: "Trong vòng 5 tháng, Tâm Đạt đã mời giảng viên về đào tạo các hộ nông dân Hưng Công về kỹ thuật trồng rau hữu cơ. Tâm Đạt cũng đã phân công những giảng viên giỏi chuyên môn, kỹ thuật về nằm vùng tại địa phương để vừa đào tạo nghề, vừa bám sát học viên để hướng dẫn quy trình canh tác và theo dõi quá trình sinh trưởng của cây rau. Trong khoảng thời gian đó, Tâm Đạt đã cấp chứng nhận cho những người tham gia khóa đào tạo phương pháp trồng rau hữu cơ và ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho người nông dân trong thời gian lâu dài".

Tuy nhiên, theo đại diện này của Tâm Đạt, do không đủ nhân lực, vật lực nên sau thời gian đào tạo, Công ty Tâm Đạt đã giới thiệu hệ thống Mr Sạch - một đối tác của Công ty - với bà con Hưng Công ở pha thứ 2: giám sát và bao tiêu sản phẩm. Công ty Tâm Đạt đã chấm dứt dự án ở Hưng Công (Hà Nam) ngay sau thời gian đào tạo, không tham gia giám sát và bao tiêu sản phẩm sau đó.

"Công ty Tâm Đạt cũng không cấp chứng chỉ, chứng nhận nào cho sản phẩm ở Hà Nam, cũng như không có nhận định sản phẩm ở Hà Nam là tốt hay xấu", ông Ngọc Anh cho biết.


Bà Từ Thị Tuyết Nhung, Trưởng Ban Điều phối PGS - Hệ thống đảm bảo cùng tham gia nông nghiệp PGS

Còn theo bà Từ Thị Tuyết Nhung, Trưởng Ban Điều phối PGS, không phải người nông dân cứ được đào tạo kỹ thuật trồng rau hữu cơ thì những sản phẩm được họ sản xuất ra được gắn mác hữu cơ, mà cần được các cơ quan chức năng xác nhận thông qua một hệ thống giám sát nghiêm túc và chặt chẽ.

Mong ước "ngoài tầm tay với"

Đến nay, có khoảng 100 hộ nông dân tại 2 xã Hưng Công và Trác Văn của huyện Bình Lục (tỉnh Hà Nam) đã được đào tạo kỹ thuật và đang phát triển vùng rau trồng theo phương pháp hữu cơ. Theo Hội LHPN tỉnh Hà Nam, mong ước của người nông dân là được cấp chứng chỉ PGS, để họ tiếp tục phát triển, mở rộng hơn nữa mô hình này, nhằm ổn định cuộc sống.

Tuy nhiên, mong muốn của người nông dân Hà Nam có thể xem như "ngoài tầm tay với", bởi thực tế Ban điều phối PGS vẫn chưa đưa ra quyết định cấp chứng nhận PGS cho vùng rau nơi đây. Vậy rau Hà Nam có được đường đường chính chính "gắn mác" rau hữu cơ không, khi bà con đã đầu tư và áp dụng trồng theo phương pháp hữu cơ với nguồn nước sạch?

Trả lời vấn đề này, bà Tuyết Nhung cho rằng, sở dĩ rau Hà Nam không cấp chứng nhận PGS là bởi điều kiện sản xuất ở Hưng Công không đảm bảo. Xét nghiệm tiêu chuẩn đất và nước giếng khoan ở Hưng Công cho thấy nước nhiễm kim loại nặng, không đủ điều kiện để sản xuất rau hữu cơ theo đúng quy trình mà PGS đưa ra. Còn việc "kéo nước máy ra ruộng, dùng nước máy để tưới và sơ chế rau", theo bà Nhung là cách giải quyết không bền vững (?!). Cũng vì thế, từ khi khai giảng những lớp đào tạo kỹ thuật trồng rau hữu cơ tại Hưng Công, Hà Nam cho đến nay, bà Nhung chưa một lần quay lại, mà chỉ nghe thông tin qua người khác về vùng trồng rau này.

Trong khi đó, như Health+ đã phản ánh trong bài viết trước đó về chủ đề này, lý do thực sự của việc rau trồng theo phương pháp hữu cơ ở Hà Nam không được cấp chứng chỉ lại "mắc" ở điểm khác. Cụ thể là thông tin mà bà Hà Thị Minh Tâm – Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Nam cung cấp. Theo đó, bà đã được gợi ý muốn được cấp chứng chỉ PGS thì phải nộp khoản phí là 20 triệu đồng, đồng thời, mỗi hộ dân tham gia sản xuất rau hữu cơ trong hợp tác xã đều phải đóng một mức phí là 250.000 đồng cho PGS. Theo bà Tâm, tỉnh Hà Nam đã từ chối thẳng thừng đề nghị này vì "chi phí đó quá đắt, không thể làm được và đi ngược lại chủ trương của Nhà nước là hỗ trợ nông dân, gây dựng nền nông nghiệp bền vững".


Ông Trần Trung Chính - TGĐ hệ thống Mr. Sạch khẳng định, những sản phẩm rau do Hà Nam sản xuất theo phương pháp rau hữu cơ sẽ được bán tại hệ thống cửa hàng Mr. Sạch với nhãn "Thực phẩm sạch" trong thời gian tới.

Quay trở lại với câu chuyện rau hữu cơ hay rau sạch được bày bán tại hệ thống cửa hàng Mr. Sạch, theo ông Trần Trung Chính, từ trước đến nay, tất cả những sản phẩm rau được nhập từ Hưng Công, Hà Nam vẫn chỉ được dán nhãn "Thực phẩm sạch" và ghi chú là được trồng theo kỹ thuật trồng rau hữu cơ. Và trong thời gian tới, Mr. Sạch mong muốn xây dựng rộng hơn vùng nguyên liệu rau hữu cơ, đặc sản vùng miền cho từng địa phương và trả lại cho chính địa phương để làm du lịch xanh, du lịch bền vững.

Vậy, mô hình canh tác rau đang được bà con nông dân Hà Nam áp dụng đã thực sự đủ điều kiện để gắn nhãn "rau hữu cơ" cho sản phẩm chưa? Việc nhận định về nguồn nước sạch cho trồng rau được nhận định là "giải pháp không bền vững" liệu có phải là chủ quan, cảm tính?

Để rộng đường dư luận, Health+ sẽ tiếp tục tìm hiểu thông tin và phản ảnh đến bạn đọc về vụ việc này.
thuychi
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn