Rối loạn giấc ngủ "dẫn" bệnh vào thân


Ngủ là một nhu cầu sống còn đối với cơ thể con người, chiếm 1/3 thời gian của cuộc đời mỗi người. Tuy nhiên, áp lực đời sống hiện nay khiến giấc ngủ của không ít người bị đảo lộn, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe.

Nửa đời… thức trắng

Bà Đ.T.K.T (50 tuổi, ngụ An Giang) thường ngủ không ngon giấc, tiền sử nghi ngờ bị động kinh. Khám lâm sàng nghi ngờ bị hội chứng ngưng thở khi ngủ mức độ trung bình. Lên TP HCM khám và được đo đa ký giấc ngủ một đêm, kết quả điện não, điện tim, điện cơ cho thấy bà bị rối loạn giấc ngủ do hội chứng ngưng thở khi ngủ ở mức độ nặng. Những lần ngưng thở gây thiếu ôxy trong máu làm bệnh nhân phải thức giấc giữa đêm, gây ngộ nhận là bị động kinh.

Anh L.T.N (35 tuổi, ngụ TP HCM), một kỹ sư chế tạo máy, là trường hợp tương tự. Làm kỹ thuật vài năm vững nghề, anh lập công ty riêng chuyên về thiết kế, chế tạo cơ khí. Công việc ăn nên làm ra thu hút nhiều đơn đặt hàng khiến anh mất nhiều thời gian đáp ứng. Làm ban ngày chưa xong kéo sang ban đêm khiến giấc ngủ anh bị đảo lộn. Gần đây, giấc ngủ của anh chập chờn bởi ác mộng không rõ lý do. N. được các bác sĩ chẩn đoán bị chứng rối loạn giấc ngủ, ngưng thở lúc ngủ mức độ nặng do nồng độ ôxy trong máu bị giảm khi ngủ.

Đo đa ký giấc ngủ để điều trị chứng rối loạn giấc ngủ
Đo đa ký giấc ngủ để điều trị chứng rối loạn giấc ngủ


Năm 25 tuổi, khi vừa sinh con đầu lòng, bà T.T.C (49 tuổi, Bình Thuận) tự dưng mất ngủ. Lúc đầu chập chờn, càng về sau thì không còn chợp mắt được nữa. Gia đình chạy chữa khắp nơi nhưng đều vô vọng. Đến nỗi bà phải sử dụng thuốc an thần, thuốc ngủ nhưng đều bất lực.

Ghi nhận cho thấy tại các bệnh viện ở TP HCM như Chợ Rẫy, Tâm thần, Đại học Y Dược…, số người đến khám do mất ngủ ngày càng tăng. ThS-BS Trần Thị Kim Thu, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe cộng đồng TP HCM (CHAC), cho biết vào năm 2010, mỗi tháng nơi đây tiếp nhận khoảng 100 bệnh nhân đến khám vì rối loạn giấc ngủ thì nay số bệnh nhân tăng gấp 3, gấp 4 lần. Tại Bệnh viện Tâm thần, trong số hàng trăm người đến khám trầm cảm mỗi ngày thì 90% than phiền về giấc ngủ. Các đợt tầm soát do Trung tâm Điều trị bệnh hô hấp Phổi Việt (TP HCM) thực hiện cũng cho thấy hơn 65% bệnh nhân mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ, chủ yếu ở người trên 30 tuổi và phần lớn là nam giới, trong đó gần 1/3 số ca bị nặng. Các triệu chứng là ngáy rất to, ban ngày hay buồn ngủ, mệt mỏi hoặc có các vấn đề khác như mất ngủ do bị nghẹt thở khi ngủ, phải thức dậy nhiều lần trong đêm để thở, bị động kinh...

Nhu cầu sống còn

Theo BS Trịnh Tất Thắng, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần TP HCM, ngủ chiếm 1/3 thời gian của cuộc đời mỗi người và là nhu cầu sống còn đối với cơ thể. Trong khi ngủ, cơ thể con người tiết ra những hormone quan trọng giúp quá trình chuyển hóa, tích lũy năng lượng cần thiết cho hoạt động trong ngày; giúp não bộ sắp xếp lại những thông tin một cách hệ thống, thiết lập và củng cố khả năng ghi nhớ dài hạn của não bộ.

Các chuyên gia y tế cho biết tỉ lệ mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ khá phổ biến nhưng đôi khi bản thân người bệnh không nhận biết được. Vấn đề này có nhiều nguyên nhân, trong đó gốc tự do là một trong những tác nhân âm thầm gây ra những bệnh liên quan đến thần kinh, thoái hóa não bộ. Bệnh về giấc ngủ tưởng là căn bệnh đơn giản nhưng nó kéo theo bao nhiêu bệnh khác rất nguy hiểm như tim mạch, huyết áp, suy tim, đột tử và tai biến mạch máu não.

Các chuyên gia lưu ý bản thân người bệnh cần chủ động ngăn chặn và giảm thiểu bệnh. Đó là tăng cường vận động, cân bằng dinh dưỡng, hạn chế các thói quen không có lợi cho cơ thể. ThS-BS Phan Hữu Phước, Giám đốc Phòng khám Lão khoa Med-Vie TP HCM, khuyên rằng để có giấc ngủ ngon nên tập thể dục vào buổi sáng; cân bằng giữa lao động trí óc và lao động tay chân kết hợp với thư giãn, giải trí, quên đi những lo toan…


Nguy cơ ở giới nhân viên văn phòng

Trong một hội thảo tại Việt Nam, GS Sarah Blunden, Trung tâm Nghiên cứu giấc ngủ thuộc Trường ĐH Nam Úc, trình bày nghiên cứu của ông tại 23 quốc gia với hơn 31.000 người tham gia. Kết quả cho thấy có 35% số người bị ảnh hưởng về thể chất và tinh thần do mắc hội chứng ngưng thở lúc ngủ. Trong đó, người trung niên, giới nhân viên văn phòng, người béo phì, người ít vận động… là những đối tượng dễ bị tác động nhất. Hội chứng này còn là nguyên nhân gây ra cao huyết áp, tiểu đường, đau tim và đột quỵ, giảm trí nhớ, làm việc sa sút...

Doan Truong
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin