Ngày càng nhiều sách thiếu nhi có nội dung nhảm nhí
Sách thiếu nhi phản cảm “đầu độc” học sinh
Lo ngại vì kênh thiếu nhi chiếu "hoạt hình người lớn"
Hội chợ sách cho thiếu nhi dịp 1-6
Chuyện mẹ Thạch Sanh nhường chiếc quần của mình cho con trước khi bà trút hơi thở cuối cùng vì không nỡ để con ở truồng được chế tác mới trong truyện cổ tích Thạch Sanh của NXB Kim Đồng gây bức xúc dư luận thời gian qua không phải là trường hợp cá biệt trong hoạt động xuất bản sách truyện cho thiếu nhi hiện nay.
Hiểm họa khó lường
Thị trường sách thiếu nhi hiện tại trở nên phong phú, đa dạng với nhiều ấn bản đẹp được phát hành rộng rãi là cơ hội để phụ huynh dễ dàng nâng cao văn hóa đọc cho con. Thế nhưng, nếu không đủ thời gian đọc kỹ nội dung từng cuốn, phụ huynh sẽ cực kỳ khó khăn để nhận biết đâu thực sự là sách tốt để chọn cho con em mình. Đi kèm với số lượng sách cho thiếu nhi đang tăng lên chóng mặt, người đọc phát hiện quá nhiều ấn phẩm có nội dung dễ dãi, nhảm nhí, phản cảm, ảnh hưởng độc hại đến nhận thức của trẻ em.
Quá nhiều truyện trong các cuốn cổ tích nổi cộm với những hạt "sạn" to tướng, như bộ 99 truyện kể cho bé (NXB Ðồng Nai), Truyện tranh cổ tích Việt Nam chọn lọc (NXB Thanh Niên)… Hầu hết các truyện đều được vẽ bằng những đường nét ma quái, mô tả chi tiết cảnh chặt đầu quái vật, mãng xà, trăn nuốt chửng người, quỷ nhập tràng giết người...
Rất nhiều cuốn dạy trẻ những trò nghịch ngợm, khôn vặt, thói gian lận, đối phó người lớn. Như bộ sách Thế giới trong mắt bé có tiêu đề "Gợi mở tâm hồn trẻ thơ" mà chứa những bài thơ như Bạn thân: Bố ơi con đề nghị/ Như thế này được không/ Từ nay con với bố/ Sẽ là đôi bạn thân/ Cũng như là ở lớp/ Con với lại bạn Nhung/ Có đồ chơi nào đẹp/ Hai đứa đều chơi chung/ Nên bây giờ bố nhé/ Để bắt đầu ngay đây/ Mình sẽ mở iPad/ Chơi trò gì hay hay/ À, còn việc này nữa/ Con đánh vỡ cái khay/ Là bạn, bố phải hứa/ Không xui mẹ chuyện này.
Truyện cổ tích Việt Nam (NXB Hải Phòng) mới đây bị phát hiện có những chi tiết dung tục như trong truyện Thỏ trắng và Hổ xám kể câu chuyện của chú thỏ nhờ mưu trí đã vượt qua sự rình rập, đe dọa của hổ xám gian ác. Trong truyện, nhóm biên soạn sách dùng ngôn từ của văn nói cực kỳ thô tục, như: “Thỏ nhẹ nhàng nhảy xuống bóp d... hổ”. Thậm chí, có đoạn còn đưa cả câu chửi bậy vào truyện: “Mẹ mày con thỏ!”.
Cuốn Sự tích Lạc Long Quân (NXB Hồng Đức hoàn toàn không có trang lý lịch xuất bản) kể rằng Lạc Long Quân và Âu Cơ gặp nhau, phải lòng nhau, Âu Cơ liền đi theo Lạc Long Quân. Đến khi bố của Âu Cơ là Đế Lai về không thấy con gái đâu mới sai quân đi tìm (?).
Sách thiếu nhi cũng có sex, kinh dị
Cuốn Truyện cổ tích về các loài chim và muông thú (NXB Văn hóa - Thông tin) có đoạn: “Cái cổ của con chim cọ mãi vào ngực nàng, cả cơ thể nó cứ chà xát mãi vào thắt lưng nàng, cặp mỏ hơi bẹt của nó cứ dúi mãi vào hai bầu vú cương cứng của nàng....” (câu chuyện Lêđa và con thiên nga). Đơn vị xuất bản giải thích đây là một đoạn trong Thần thoại Hy Lạp do tác giả Gia Mạnh sưu tầm và biên soạn. Nhiều người đặt vấn đề đối với sách dành cho thiếu nhi, có nên miêu tả kỹ lưỡng những nội dung “người lớn” như thế không?
Cuốn Hỏi đáp nhanh trí với nhiều phiên bản của các NXB: Văn hóa - Thông tin, Phụ nữ, Hải Phòng... gắn mác trắc nghiệm IQ từng bị dư luận phản ứng vì có quá nhiều thông tin nhảm nhí, truyện tiếu lâm không phù hợp lứa tuổi vẫn được bày bán tại nhiều nơi. Có thể gặp trong đó những màn hỏi, đáp phản cảm như: Hỏi: “Niu-tơn nói gì khi phát hiện ra trái đất có lực hút?”. Đáp: “Á, đau chết đi được”; Hỏi: “Ai là người không chịu nghe lời?”. Đáp: “Người điếc”; Hỏi: “Làm thế nào để học sinh không ngủ gật trên lớp?”. Đáp: “Cho nghỉ học”… đến những nội dung rùng rợn kiểu như: Hỏi: “Một người sau khi bị chặt đầu sẽ như thế nào?”. Đáp: “Biến đổi chiều cao”; Hỏi: “Anh A bị chặt đầu năm 40 tuổi, vậy con cái anh A bị làm sao?. Đáp: “Bị mồ côi”; Hỏi: “Bố Cường làm thế nào khi gặp người sống?”. Đáp: “Phải luộc chín”…
Các bậc phụ huynh lâu nay đã quá lo sợ con trẻ giải trí thiếu lành mạnh qua mạng internet nên ai cũng mong con mình đọc những cuốn sách do các NXB của nhà nước ấn hành. Thế nhưng, với cả “rừng” sách thiếu nhi đẹp về hình thức nhưng ẩn chứa nhiều “hiểm họa”, độc hại như thế này lại càng thêm lo. Làm thế nào để “chống sốc” cho con nếu chẳng may các cháu đọc phải những cuốn sách “độc hại” như vậy?
Bình luận của bạn