Đừng để áp lực thi cử khiến cả cha mẹ và con đều “stress”

Rất khó mong con trẻ sẽ thi tốt nếu để phải chịu những áp lực quá nặng nề

Một vài mẹo giúp các sĩ tử vượt qua áp lực thi cử

Chuyên gia: Đồng hành, chia sẻ cùng con trong mùa thi là rất quan trọng

Lời khuyên giúp bảo vệ sức khỏe mùa thi cử

Cùng con vượt qua áp lực thi bằng sự sẻ chia và thấu hiểu

“Nếu thi không đỗ…”

 “Nếu thi không đỗ, em sợ bố mẹ em sẽ buồn lòng, thầy cô thất vọng, hàng xóm so sánh, bản thân nản chí…em sợ nhiều thứ lắm”, ánh mắt vô định, khuôn mặt mệt mỏi, V.H tâm sự với chúng tôi.

V.H cho biết, từ đầu năm lớp 12 đến nay, mỗi ngày e chỉ ngủ từ 4-5 tiếng còn lại tập trung vào việc ôn thi. Việc ôn luyện cho kì thi sắp tới khiến sức khỏe thể chất và tinh thần của em trở nên bất ổn.

Em N.H.A, học sinh lớp 12, trường THPT chuyên Hà Tĩnh chia sẻ: “Quỹ thời gian mỗi ngày của em hầu như chỉ để học. Khối xét tuyển đại học của em lại là khối C bao gồm Văn, Sử, Địa, do đó bài học thuộc lòng của em rất nhiều. Em sợ không đậu đại học, không theo đuổi được ước mơ bấy lâu nay nên thôi thúc em học thật nhiều, nhưng càng học em lại thấy lượng kiến thức càng rộng. Những áp lực “vô hình” cứ thế theo em mà không thể nào giải tỏa.”

“Hơn nửa năm qua em không có ngày nghỉ. Em hủy nhiều buổi đi chơi cuối tuần, tiệc sinh nhật, du lịch, dành ưu tiên tối đa cho việc học. Nhiều khi em cảm thấy rất oải, muốn có một buổi đi chơi để thư giãn cho thoải mái nhưng rồi vẫn là học và học…”, bạn N.T.T, học sinh lớp 12 trường THPT Yên Hòa, Cầu Giấy bộc bạch.

Bước vào kì thi quan trọng, áp lực đè nặng lên đôi vai vốn đã “nhọc nhằn” của các sĩ tử khối 12.

“Em đặt mục tiêu phải giải đủ 20 đề trong một ngày”. Để tích lũy thêm kiến thức, nhiều học sinh quay cuồng trong lịch học kín mít, hết học chính khóa đến học thêm, ôn luyện ngày đêm đến quên ăn quên ngủ. Những tập đề dày cộm, những chiếc balo nặng nề vì sách vở, rồi những kì thi thử, thi đánh giá năng lực liên tiếp khiến các em dường như kiệt sức.

Nhiều em học sinh luôn trong tình trạng căng thẳng, mệt mỏi, cơ thể suy nhược. Thậm chí có nhiều em còn bị rối loạn tâm lý nặng nề phải nhập viện điều trị.

Theo Tiến sĩ Dương Minh Tâm, Trưởng phòng Rối loạn Stress và sức khỏe tình dục, Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) cho rằng, áp lực mùa thi làm “stress” trở nên trầm trọng hơn. Nhiều trẻ đến khám với biểu hiện lo âu, rối loạn tâm lý do bố mẹ thiếu quan tâm hay quan tâm quá mức, hoặc mâu thuẫn bạn bè. Tuy nhiên, đây chỉ là “phần ngọn”, bởi trẻ bị stress, căng thẳng có thể kéo dài hàng năm, do nhiều áp lực, trong đó học hành và thi cử là một yếu tố thúc đẩy.” Do vậy, các sĩ tử cần học cách giải tỏa những áp lực, giữ cho mình tinh thần thoải mái để bước vào kì thi quan trọng.

Tại buổi Talkshow tư vấn tâm lý "Tâm lý vững vàng, sẵn sàng vượt sóng" do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức hướng tới kỳ thi Đại học năm 2023, PGS.TS Trần Thành Nam, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ, sự lo lắng là một trạng thái bình thường và hầu như mọi người đều như vậy. Nhưng cần kiểm soát tốt tâm lý đó, tránh việc ức chế khả năng tư duy, khiến cảm xúc không ổn định rồi bước vào phòng thi quên hết kiến thức.

Để giảm lo lắng, stress, các thí sinh cần tạo một kế hoạch ôn thi khoa học và đầy đủ. Có thể áp dụng phương pháp học gián đoạn như học 25 phút nghỉ 5 phút, sử dụng sơ đồ tư duy để não bộ được cân bằng và dễ dàng hệ thống hóa bài học. Đồng thời kết hợp các hoạt động thể chất lành mạnh, điều hòa giấc ngủ ổn định và có chế độ sinh hoạt hợp lý. Đặc biệt, chuyên gia nhấn mạnh đến tầm quan trọng của giấc ngủ. Thiếu ngủ hay ngủ không đủ giấc sẽ tăng thêm stress, làm hạn chế khả năng tái hiện lại kiến thức.

Cha mẹ cũng có nhiều áp lực

Không chỉ sĩ tử, các bậc cha mẹ cũng có thật nhiều áp lực trước mỗi kì thi của con.

Trong những ngày này, câu chuyện trong nhà ra ngoài phố, phụ huynh hỏi thăm nhau những câu quen thuộc: “Con chị chuẩn bị thi đến đâu rồi?”, “Con anh đăng kí vào ngành nào, trường nào?”, “Kì thi thử vừa rồi con chị được mấy điểm, nhắm chừng có đỗ nguyện vọng 1 không?”…

Để rồi, khi thấy con mình không được như con họ, những áp lực cứ thế lại tăng dần. Áp lực từ việc nếu để con chơi lại sợ con hổng kiến thức, cho con học nhiều sợ con kiệt sức, áp lực từ thành tích của con, áp lực “con nhà người ta”, áp lực tư vấn con chọn trường theo ý muốn,…

Cha mẹ lo lắng việc học con mình, một phần xuất phát từ tình yêu thương, quan tâm đến đến con cái. Nhưng một phần quan trọng nữa, theo thực tế, đó là hệ quả của “căn bệnh thành tích”.

Đừng tạo thêm cho con cái những sức ép vô hình trước kỳ thi

Đừng tạo thêm cho con cái những sức ép vô hình trước kỳ thi

Mới đây, một người mẹ đăng bảng điểm của con mình lên mạng xã hội với dòng trạng thái: “Với điểm tổng kết 9.0, mẹ biết con đã phải nỗ lực thế nào. Con đã làm được như những gì hứa với mẹ, mẹ cảm ơn con trai. Nhưng còn một lời hứa quan trọng nữa, là đậu vào trường Đại học Y Hà Nội, mẹ kỳ vọng vào con, hãy thực hiện lời hứa nhé.”

Có thể phần đông bạn đọc sẽ thấy đó là chuyện bình thường. Con người ta học giỏi thì người ta vui, người ta khoe với bạn bè, động viên con, có gì phải ý kiến. Tất nhiên rồi, còn gì hạnh phúc hơn khi con cái mình học tập tốt. Nhưng vấn đề không chỉ dừng lại ở đó. Phía dưới dòng trạng thái lại có hàng trăm bình luận. Ngoài những lời chúc mừng thì không ít những ông bố, bà mẹ lấy đó làm “tư liệu” để ca thán con mình: “Chả bù cho con nhà em, càng học càng dở”, “Con chị giỏi thế này sau này làm sếp, con em chắc xin chân làm tạp vụ cho con chị”… Một số phụ huynh còn chia sẻ bài viết về trang cá nhân rồi gắn tên con mình vào: “Minh Anh ơi, nhìn bạn mà học tập đây con”, “Ước gì con được như một phần như bạn.”

Để rồi, áp lực đầu tiên với người đứng ra khoe là người mẹ bởi lỡ mà con mình không đỗ thì sao, phải làm sao để con phải đỗ và tạo cho chính con mình áp lực tinh thần không đáng có...; Áp lực tiếp đến với người được dùng để khoe mà ở đây là người con đang chuẩn bị thi. Đứa trẻ ấy sẽ phải sống trong áp lực làm sao để thi đỗ xứng đáng với sự kỳ vọng của mẹ, phải đỗ để cho mẹ không phải xấu hổ, phải đỗ để mẹ tiếp tục tự hào... và áp lực cuối cùng với những người không được khoe, những đứa trẻ bị chính bố mẹ của mình đem ra bình phẩm, so sánh!

Thật đáng buồn khi trước mỗi kì thi, chúng ta lại nghe được nhưng tin tức như con trẻ nhập viện vì học bài quá sức dẫn đến sức khỏe giảm sút, rối loạn tinh thần, thậm chí có những em còn lựa chọn kết liễu cuộc đời mình do áp lực thi cử, một phần lớn do áp lực từ cha mẹ đặt lên con.

Giờ là lúc cha mẹ nên động viên con

Chưa đầy một tuần nữa là tới kì thi THPT Quốc gia 2024, thay vì tạo những áp lực nặng nề lên con trẻ, các bậc phụ huỵnh nên động viên, khích lệ con. Đó sẽ là điểm tựa tâm lý vững vàng, giúp con trẻ giữ được tinh thần thoải mái, tự tin hơn.

Theo TS.BS Ngô Anh Vinh, Phó Trưởng khoa Sức khỏe Vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương, cha mẹ không nên kỳ vọng quá nhiều vào con vì điều này vô tình tạo áp lực lớn cho con. Cha mẹ nên hiểu rõ về năng lực, sở trường của con để đặt ra mục tiêu, chọn trường, chọn lớp phù hợp. Bên cạnh đó, cha mẹ cần lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của con để đưa ra những tư vấn cũng như định hướng đúng đắn giúp trẻ giải toả được những áp lực về học tập, thi cử. Ngoài ra, cha mẹ cũng cần đảm bảo cho con mình chế độ dinh dưỡng đầy đủ, đảm bảo giấc ngủ, tập luyện thể dục, thể thao đều đặn sẽ giúp con có một sức khỏe tinh thần tốt để tự tin vượt qua kỳ thi một cách tốt nhất. (trích benhviennhitrunguong.gov.vn)

 
Đào Dung
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Xã hội