Nắng nóng, nhiều người tái phát bệnh tâm thần

Thời tiết nắng nóng, cơ thể yếu đi, người mắc bệnh tâm thần dễ tái phát bệnh hơn - ảnh minh họa

Nếu thường xuyên cắn da quanh móng tay, có thể bạn đang mắc một loại rối loạn tâm thần

Giấy chứng nhận tâm thần vô dụng, Minh Béo đọc sách Phật

Nghiện nhổ tóc có thể là dấu hiệu của bệnh tâm thần

Thời tiết các tỉnh miền Bắc bớt nắng nóng, giảm nhiệt nhờ mưa dông

Tăng thuốc gấp đôi

Sáng 9/5, rất đông bệnh nhân, thân nhân ngồi chờ khám tại khu khám bệnh Bệnh viện Tâm thần TP.HCM.

Mặc chiếc áo màu hồng đã ngả màu, gương mặt bà Đ.T.A.T. (44 tuổi) thất thần. Bà T. bị bệnh tâm thần phân liệt đã điều trị ổn định trong nhiều năm, nay “bỗng dưng” phát bệnh trở lại.

Chị gái của bà kể những ngày gần đây bà T. không ăn, không ngủ được, bứt rứt trong người và lại nghe thấy những tiếng nói trong đầu.

Bác sỹ Lưu Quốc Thái - Trưởng khoa khám bệnh Bệnh viện Tâm thần TP.HCM, lắng nghe người nhà bệnh nhân kể, sau đó kê toa thuốc với liều lượng gấp hai lần toa thuốc cũ.

Bà T. là một trong những bệnh nhân mắc bệnh tâm thần phân liệt, được bác sỹ Quốc Thái điều trị ổn định nhiều năm nhưng do nắng nóng quá làm bệnh tái phát.

Bác sỹ Quốc Thái cho biết những ngày qua, nhiều người thân của người bệnh mắc bệnh trầm cảm, rối loạn lo âu, loạn thần... đã đưa người nhà đến khám bệnh sau thời gian dài điều trị ổn định.

Người nhà kể bỗng dưng người bệnh hay thức giấc giữa đêm, ăn uống kém, nghe thấy tiếng nói trong đầu, bứt rứt, la hét...

Những trường hợp này, bác sỹ Thái phải cho tăng liều lượng thuốc điều trị lên gấp đôi và hẹn tái khám.

Cần phát hiện sớm 
để đưa đi khám

Bác sỹ Quốc Thái phân tích khi thời tiết nắng nóng, cơ thể sẽ “điều nhiệt” để giải nhiệt cho cơ thể, khi đó cơ thể yếu đi, người mắc bệnh tâm thần dễ tái phát bệnh hơn.

Do đó, bác sỹ Quốc Thái khuyên người thân của người bệnh tâm thần cần thường xuyên quan tâm, để mắt tới người mắc bệnh. Quan trọng nhất là nhận biết triệu chứng tái phát bệnh như ăn uống kém, mất ngủ, bứt rứt...

Khi đó, người nhà cần đưa người bệnh đến bệnh viện, nếu không, bệnh trở nặng và người bệnh có thể gây ra hành động nguy hiểm.

Người bệnh rối loạn lo âu có thể bỏ chạy ra đường dù đường đông đúc xe; Người bệnh trầm cảm sẽ rối loạn giấc ngủ, mất khả năng lao động; Người bệnh tâm thần phân liệt có thể đánh người, có hành vi nguy hiểm cho người khác...

Người nhà không nên để những vật bén, nhọn, vật dễ cháy trong tầm quan sát của người bệnh vì khi tái phát dễ dẫn đến những hiểm họa khó lường. Ngoài ra, cần để người bệnh ở nơi thoáng mát, cho người bệnh uống trên 2 lít nước mỗi ngày.

TP.HCM: Bệnh nhân hô hấp, tim mạch tăng

Bác sỹ Trương Quang Anh Vũ - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Thống Nhất, cho biết từ đầu tháng 5 đến nay, số người đến khám tại chuyên khoa tim mạch và hô hấp - khoa khám bệnh Bệnh viện Thống Nhất tăng khoảng 30-40% so với trước đó.

Hiện mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 200 người đến khám bệnh tim mạch và 90 người đến khám bệnh hô hấp.

Theo bác sỹ Anh Vũ, thời tiết nắng nóng là điều kiện thuận lợi cho cơn tăng huyết áp xuất hiện. Trời nắng nóng sử dụng quạt máy, máy lạnh nhiều nên dễ làm khô đường hô hấp, gây bệnh viêm đường hô hấp.

TS.BS Nguyễn Thị Thanh Nga - Phó Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Trãi, cho biết số người đến khám bệnh tại bệnh viện này tăng rõ rệt trong 10 ngày gần đây.

Những ngày trước, có khoảng 2.200 bệnh nhân đến khám mỗi ngày, hiện tăng lên 2.500 bệnh nhân/ngày, trong đó chủ yếu là bệnh hô hấp, tim mạch...
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn