Số F0 trong ngày liên tục "lập đỉnh", 25 địa phương ghi nhận trên 1.000 ca

Cập nhật bản tin COVID-19 tính đến 9h sáng ngày 24/2

Chế độ ăn giúp tăng cường sức khỏe tinh thần của trẻ trong mùa dịch

Nhiều địa phương cho học sinh nghỉ học do dịch COVID-19 và thời tiết

Đám cưới tập thể của 20 cặp y, bác sỹ phải hoãn cưới để chống dịch

Mùa lễ hội: Cần đảm bảo an toàn phòng dịch, an toàn vệ sinh thực phẩm

Trong ngày 23/2, số ca mắc COVID-19 trên cả nước tiếp tục tăng cao với 60.338 ca mắc mới. Có đến 25 tỉnh, thành ghi nhận từ 1.000 - 7.500 ca mắc mới, phần lớn số này ở khu vực miền Bắc. Liên tiếp 6 ngày qua (từ 18/2 đến 23/2), số ca nhiễm SARS-CoV-2 mới tại Việt Nam đã vượt mốc 40.000 người và vẫn trên đà tăng mạnh. Tuy số mắc tăng cao nhưng số bệnh nhân nặng và tử vong vẫn giữ ở ngưỡng tương tự giai đoạn nghỉ Tết Nguyên đán - là những ngày có số mắc mới thấp. Ngoài ra, số ca tử vong còn giảm nhẹ so với thời điểm này. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký công điện 170 về việc tiêm vaccine và một số biện pháp đẩy mạnh phòng, chống dịch COVID-19. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu chủ tịch UBND tỉnh, thành phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả với các bộ, ngành lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh và thần tốc hơn nữa việc tổ chức tiêm vaccine mũi thứ 3 cho người từ 18 tuổi trở lên, hoàn thành trong quý 1. Tiêm mũi thứ 2 cho trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi, hoàn thành trong tháng 2. Đồng thời chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện bảo quản, địa điểm, nhân lực để tiêm chủng cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi ngay sau khi được cung ứng vaccine.

Ngày 23/2, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố đã chọn thêm 5 nước gồm: Bangladesh, Indonesia, Pakistan, Serbia và Việt Nam để tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine mRNA mới do tổ chức này và các nhà khoa học Nam Phi phát triển. Việc được lựa chọn nằm trong danh sách các nước nhận chuyển giao công nghệ mRNA cho thấy WHO đánh giá cao năng lực của Việt Nam trong việc làm chủ công nghệ và sản xuất vaccine quy mô lớn với chất lượng cao, đồng thời sẽ tạo điều kiện cho Việt Nam được tiếp nhận các hỗ trợ của WHO và các đối tác quốc tế để phát triển và sản xuất thành công vaccine mRNA phòng COVID-19 và các bệnh khác trong tương lai. Ngoài ra, việc nhận chuyển giao công nghệ này cũng sẽ đóng góp vào việc tăng cường năng lực sản xuất vaccine ở khu vực, góp phần vào các nỗ lực bảo đảm an ninh y tế quốc gia và khu vực.

Trước tình trạng nhu cầu sử dụng bộ xét nghiệm SARS-CoV-2, máy SpO2.... tăng cao dẫn đến việc khan hiếm nguồn cung, có hiện tượng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bán bất hợp lý, Bộ Y tế đã có văn bản chỉ đạo khẩn. Trong đó, Bộ yêu cầu các cơ quan chức năng, quản lý thị trường, tăng cường công tác thanh, kiểm tra việc niêm yết giá bán và bán đúng giá niêm yết; Kiểm tra các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm trang thiết bị y tế trên thị trường để đầu cơ, găm hàng, mua gom hàng hóa hoặc lợi dụng dịch bệnh để tăng giá bán các trang thiết bị y tế phòng chống dịch COVID-19 bất hợp lý.

Kết quả giải trình tự gene các ca COVID-19 ở Hà Nội hiện nay đã có 4 trường hợp ở Bệnh viện Bạch Mai nhiễm chủng Omicron. Như vậy, tính đến tối 23/2, Việt Nam đã ghi nhận 205 ca mắc COVID-19 do biến thể Omicron tại TP. HCM (97), Quảng Nam (27), Hà Nội (18), Khánh Hòa (11), Đà Nẵng (8 ), Kiên Giang (4), Quảng Ninh (20), Thanh Hóa (2), Hải Dương (2), Hải Phòng (1), Long An (2), Bà Rịa - Vũng Tàu (1), Bình Dương (2), Lâm Đồng (1), Ninh Bình (1), Hưng Yên (6), Bình Phước (1), An Giang (1).

Từ ngày 22/2, mạng xã hội loan truyền thông tin "Học sinh TP.HCM chuẩn bị dừng học trực tiếp. Sở GD&ĐT TP.HCM tổ chức họp khẩn để đưa ra quyết định?". Trước thông tin này, lãnh đạo Sở GD&ĐT thành phố khẳng định đây là thông tin giả mạo, hiện tại ngành GD&ĐT thành phố vẫn tiếp tục tổ chức dạy và học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục theo đúng kế hoạch.

Số ca mắc COVID-19 tại Đắk Lắk tiếp tục tăng cao, vượt mốc 1.000 ca/ngày, trong đó có nhiều trẻ dưới 18 tuổi. Trước diễn biến dịch trên địa bàn đang có xu hướng gia tăng về trường hợp mắc và số trường hợp tăng nặng, nguy kịch, ngành y tế lập khu điều trị cho các trường hợp nguy cơ cao.

Theo đánh giá mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới, dòng phụ BA.2 của biến chủng Omicron, còn được gọi là "Omicron tàng hình" không mạnh hơn phiên bản gốc. Trước đó, WHO cho biết BA.2 dễ lây truyền hơn BA.1. Tổ chức kêu gọi thực hiện thêm nhiều nghiên cứu sâu rộng để tìm hiểu về biến chủng phụ này. Dựa trên dữ liệu sẵn có về khả năng lây lan, mức độ nghiêm trọng, tỷ lệ tái nhiễm, tác động lên vaccine và điều trị, WHO cho rằng BA.2 nên tiếp tục được phân loại vào nhóm biến chủng gây lo ngại như Omicron. Omicron hiện là biến chủng trội lưu hành trên thế giới, chiếm phần lớn trong số trình tự gene được báo cáo cho cơ sở dữ liệu GISAID. Omicrcon được tạo thành từ một số dòng con, phổ biến nhất là BA.1, BA.1.1 và BA.2. Ở cấp độ toàn cầu, tỷ lệ BA.2 đã tăng lên so với BA.1 trong những tuần gần đây./

 
Lê Tuyết (tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin