Mùa lễ hội: Cần đảm bảo an toàn phòng dịch, an toàn vệ sinh thực phẩm

Công tác phòng dịch tại những nơi tổ chức lễ hội đã được tăng cường tối đa

Dự kiến tiếp nhận 7.000 đơn vị máu trong Lễ hội Xuân hồng 2022

Bệnh viện Đại học Y Hà Nội hưởng ứng Lễ hội Xuân hồng năm 2022

Hà Nội tạm dừng lễ hội Chùa Hương, TP.HCM còn 1 ca tử vong trong ngày

Hà Nội tạm dừng tổ chức lễ hội dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần

Đảm bảo an toàn phòng dịch mùa lễ hội

Để đáp ứng đời sống văn hóa tín ngưỡng, tâm linh của người Việt Nam, sẵn sàng đón du khách tới các khu di tích, đền chùa, công tác phòng dịch COVID-19 đã được tăng cường tối đa tại những địa điểm này. Theo đó, chính quyền địa phương, ban quản lý các khu di tích, đền chùa đã chủ động có kế hoạch phòng dịch, yêu cầu người dân và du khách thực hiện nghiêm túc, nâng cao hơn nữa ý thức, trách nhiệm trong phòng, chống dịch.

Ví dụ, tại Quảng Ninh, toàn bộ các đền chùa, cơ sở thờ tự trên địa bàn tỉnh đều chỉ thực hiện nghi thức dâng hương, tế lễ nhỏ gọn, thành kính và trang nghiêm. Riêng phần “hội” không tổ chức để hạn chế tối đa việc tập trung đông người. Chính quyền cơ sở nơi có các đền, chùa, cơ sở thờ tự cũng triển khai tuyên truyền, vận động, lập nhiều đoàn công tác nhắc nhở người dân và du khách tuân thủ phòng, chống dịch.

Với khu di tích và danh thắng Yên Tử, các hoạt động tham quan, chiêm bái, lễ Phật năm nay đã và đang diễn ra trật tự, quy củ. Người dân, du khách đã chủ động thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K của Bộ Y tế để đảm bảo an toàn.

Người dân, du khách tới các đền chùa, cơ sở thờ tự cần thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K của Bộ Y tế

Người dân, du khách tới các đền chùa, cơ sở thờ tự cần thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K của Bộ Y tế

Với khu di tích thắng cảnh Hương Sơn (chùa Hương), UBND huyện Mỹ Đức đã xây dựng kế hoạch quản lý, tổ chức đón khách tham quan trong điều kiện “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” năm 2022. Đi kèm với đó là phương án riêng để bảo đảm công tác phòng, chống dịch tại khu di tích.

Ban quản lý khu di tích thắng cảnh Hương Sơn đã bố trí lực lượng an ninh, trật tự tại các điểm chốt với 4 kíp (mỗi kíp từ 8 - 10 người) luân phiên túc trực 24/24 giờ để nhắc nhở du khách thực hiện nghiêm các quy định về phòng dịch. Các điểm chốt cũng được bố trí đầy đủ phiếu khai báo y tế, mã QR, dung dịch sát khuẩn…

Tại các điểm thờ tự cũng có lực lượng hướng dẫn du khách thực hiện các quy định về thời gian, cách thức tiến hành nghi lễ và di chuyển nhằm bảo đảm giãn cách… Ngoài ra, khu di tích quy định vệ sinh, khử khuẩn và xử lý rác thải tại khu vực cổng vào, nơi bán vé, điểm thờ tự, bến xe, nhà vệ sinh… từ 3 - 4 lần/ngày.

Các phương tiện hoạt động trong khu vực di tích phải bảo đảm công tác phòng, chống dịch. Người điều khiển phương tiện phải yêu cầu du khách luôn đeo khẩu trang, không nói to, cười đùa. Khu vực cáp treo thực hiện phun khử khuẩn trước mỗi lần đón khách lên; Có bố trí dung dịch sát khuẩn trong cabin, yêu cầu khách đeo khẩu trang, giữ khoảng cách và hạn chế nói chuyện…

Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm mùa lễ hội

 

Do các du khách đi lễ hội hoặc du Xuân thường có tâm lý “ăn nhanh, ăn tạm”, nhiều quán ăn chế biến thực phẩm không đảm bảo chất lượng có thể làm tăng nguy cơ xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm trong mùa lễ hội.

Theo bà Nguyễn Thị Lâm, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, việc thực phẩm được bày bán “lộ thiên”, dụng cụ ăn uống không được vệ sinh sạch có thể khiến thực khách mắc bệnh tiêu chảy, nhiễm khuẩn E.coli, lao phổi, viêm gan… Do vậy, những người kinh doanh, buôn bán thực phẩm ăn uống tại các lễ hội cần nhận thức được tầm quan trọng của việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm với sức khỏe người tiêu dùng và kinh doanh có đạo đức.

PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh, Nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) lưu ý: Những thực phẩm có nguồn gốc động vật, giàu đạm, dầu như thịt, hải sản, sữa rất dễ bị ôi thiu; Chỉ cần sơ suất nhỏ trong chế biến, bảo quản là vi khuẩn đã có thể phát triển. Bởi vậy, ý thức của người bán cần được nâng cao để tránh cho du khách các nguy cơ ngộ độc thực phẩm.

Đề cập vấn đề kiểm soát an toàn thực phẩm tại các lễ hội, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, qua công tác thanh tra, kiểm tra, nhìn chung, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm tại các lễ hội năm nay đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, do tính chất thời vụ nên việc kinh doanh mặt hàng ăn uống tại các lễ hội vẫn thể hiện sự tạm bợ, lộn xộn, công tác vệ sinh chưa đảm bảo.

Ngày 8/2 vừa qua, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã có công văn gửi Sở Y tế một số tỉnh, thành phố về việc tăng cường bảo đảm an toàn thực phẩm mùa lễ hội Xuân 2022.

Theo yêu cầu của Bộ Y tế, các địa phương cần tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm tại các lễ hội, sự kiện lớn trên địa bàn; Bảo đảm an toàn thực phẩm tại các cơ sở dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố phục vụ nhân dân, du khách; Thực hiện xử lý vi phạm và công khai cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm theo quy định.

Vi Bùi (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Xã hội