Hậu "cao điểm", quảng cáo lố trên nhiều nền tảng vẫn tái diễn?

Không chỉ sử dụng những lời hoa mỹ mà hiện nay, quảng cáo thực phẩm chức năng còn đang lợi dụng lòng tin, đánh lừa khách hàng dưới nhiều hình thức

Thủ tướng: Cán bộ ngành Y tế phải cam kết không quảng cáo, giới thiệu thuốc

Kiểm tra, rà soát các sản phẩm do “Ngân Collagen” quảng cáo

Các địa phương cần siết chặt việc ghi nhãn, quảng cáo thực phẩm bổ sung

Quy định mới doanh nghiệp TPCN cần nắm rõ để quảng cáo đúng luật

Những lời “có cánh”

Tại trang Facebook có tên “Glucoactive - Chính hãng tại Việt Nam” sản phẩm Herbal Glucoactive được quảng cáo với hàng loạt công dụng vượt xa vai trò của một loại thực phẩm bảo vệ sức khoẻ thông thường.

Theo nội dung một bài viết được đăng tải từ năm 2024, sản phẩm này được tự phong danh hiệu “Phép thần kỳ ổn định đường huyết” với những công dụng đầy tính thuyết phục như: “bảo vệ cơ thể khỏi hàm lượng đường cao”, “ổn định lượng đường trong máu”, “tăng sản xuất insulin – nguyên nhân gây bệnh tiểu đường”

Không chỉ có hiệu quả với người bệnh tiểu đường (đái tháo đường), sản phẩm này còn được quảng bá có nhiều công dụng “thần kỳ” ngừa khác như “ngăn đột quỵ”, “phục hồi chức năng gan và tuyến tuỵ”…, thậm chí cao siêu đến mức có thể “bình thường hoá tất cả các quá trình trao đổi chất”

Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Trần Đáng – Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam khẳng định, quảng cáo một sản phẩm có công dụng “bình thường hoá tất cả quá trình trao đổi chất” là hoàn toàn không có cơ sở khoa học.

“Quá trình trao đổi chất trong cơ thể vô cùng phức tạp, bao gồm cả quá trình đồng hoá và dị hoá diễn ra đồng thời trong hàng triệu tế bào. Vì vậy, không thể có một sản phẩm đơn lẻ nào có thể phục hồi toàn bộ quá trình này. Quảng cáo như vậy là thiếu khoa học, vô lý và gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng”, PGS.TS Trần Đáng nhấn mạnh.

Đáng chú ý, khi tìm kiếm từ khoá tên sản phẩm, trang Facebook này luôn đứng đầu trong danh sách tìm kiếm. Vậy một bài viết "gây hiểu nhầm" như vậy, tại sao vẫn chưa được gỡ bỏ? 

Bài viết được đăng tải trên Facebook quảng cáo sản phẩm - Ảnh chụp màn hình.

Bài viết được đăng tải trên Facebook quảng cáo sản phẩm - Ảnh chụp màn hình.

Chưa hết, những công dụng thần kỳ này tiếp tục được đăng tải trên các sàn thương mại điện tử. Khi phóng viên tìm kiếm từ khoá Herbal Glucoactive trên Shopee, sàn thương mại điện tử này cho ra kết quả tới hàng chục “cửa hàng” đang bán sản phẩm này.

Thử click vào một gian hàng có tên “CHÍNH HÃNG 100%” Herbal Glucoactive, ngay trên tiêu đề đã xuất hiện những công dụng “có cánh” về sản phẩm là “ổn định đường huyết”, “giảm tiểu đường type 1 & 2”, “phòng ngừa đột quỵ”.

Trong phần mô tả sản phẩm, ngoài các công dụng na ná với những lời quảng cáo được đăng tải trên trang Facebook, cửa hàng này tiếp tục “gắn thêm” những lợi ích khác của sản phẩm là “Gây ức chế quá trình hấp thụ glucose ở ruột và tăng khả năng sử dụng glucose ở tế bào nhằm hạn chế lượng đường dư thừa để có thể làm giảm nguy cơ mắc tiểu đường và cao huyết áp. Có tác dụng làm giảm hàm lượng cholesterol xấu trong máu, ngăn ngừa chứng xơ vữa động mạch xuất hiện, giảm lượng mỡ trong máu và ổn định lượng đường trong máu”“nâng cao sức đề kháng bằng cách tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể để phòng tránh được các bệnh liên quan khác”.

Đáng chú ý, người bán còn quảng cáo công dụng từng thành phần riêng rẽ của sản phẩm, một điều cấm trong quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khoẻ.

sản phẩm Herbal Glucoactive được bán trên sàn thương mại điện tử Shopee - Ảnh chụp màn hình.

Sản phẩm Herbal Glucoactive được bán trên sàn thương mại điện tử Shopee - Ảnh chụp màn hình.

Toàn bộ bài đăng quảng cáo cho sản phẩm này trên sàn TMĐT Shopee - Ảnh chụp màn hình.

Toàn bộ bài đăng quảng cáo cho sản phẩm này trên sàn TMĐT Shopee - Ảnh chụp màn hình.

Việc quảng cáo “có cánh” kiểu này còn xuất hiện tại các website thương mại điện tử đã đăng ký với Bộ Công thương như Chiaki.vn. Herbal Glucoactive được giới thiệu có thể “giảm nguy cơ biến chứng do rối loạn đường huyết”, “hỗ trợ tăng sinh insulin” và “giúp ổn định đường huyết hiệu quả”.

Quảng cáo lố sản phẩm xuất hiện trên nhiều nền tảng thương mại điện tử khác nhau - Ảnh chụp màn hình.

Quảng cáo lố sản phẩm xuất hiện trên nhiều nền tảng thương mại điện tử khác nhau - Ảnh chụp màn hình.

PGS.TS Trần Đáng cũng cho biết, khi đối chiếu, sản phẩm đang vi phạm ở các Điều 8, Điều 20, Điều 23 của Luật Quảng cáo số 47/VBHN-VPQH/2018; Nghị định số 38/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong vấn đề quảng cáo; Thông tư Hướng dẫn về quảng cáo thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế.

Phương thức quảng cáo “sốc”

Nhưng những chiêu trò quảng cáo lố Herbal Glucoactive không chỉ dừng lại ở đó. Khi tìm kiếm từ khoá sản phẩm này trên google, người viết “giật mình” khi kết quả cho ra thông tin của sản phẩm trên các website thuộc quyền quản lý của các cơ sở y tế, cơ quan chức năng.

Ví dụ, với kết quả hiển thị “Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh”, người viết nhận thấy đường dẫn đi kèm là bvdkht.vn – địa chỉ website chính thức của bệnh viện. Khi nhấp vào, sau khoảng 2 giây hiển thị bvdkht.vn, trang thông tin lại được chuyển hướng đến trang bvdkht.com. Thông tin giới thiệu tại đầu website vẫn là Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh. Bên dưới là nội dung quảng cáo về sản phẩm.

Rất giật mình khi nội dung quảng cáo lại hiển thị dưới dạng câu hỏi: “Herbal Glucoactive là thuốc gì?” trong khi đây thực chất là thực phẩm bảo vệ sức khoẻ. Và quả thật, công dụng được quảng cáo thì “thần kỳ” như thuốc. Cụ thể, trong 1-2 hộp đầu tiên, “người bệnh tiểu đường tuýp 1, tuýp 2 kiểm soát bệnh tình, giúp hạ và ổn định đường huyết, hạ Hba1C về ngưỡng an toàn”.

Thực phẩm bổ sung được quảng cáo trên trang web của Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh?... - Ảnh chụp màn hình.

Thực phẩm bổ sung được quảng cáo trên trang web của Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh?... - Ảnh chụp màn hình.

Trường hợp khác, khi người dùng nhấp vào một kết quả mang tên Cổng Thông tin điện tử tỉnh Bến Tre (syt.bentre.gov.vn) – chuyên trang của Sở Y tế tỉnh Bến Tre trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, cũng lại sau khoảng 2-3 giây, trang thông tin tự động chuyển hướng sang một tên miền khác là sytbentre.vn – nơi đang đăng tải chi tiết thông tin quảng cáo về Herbal Glucoactive với những công dụng “thần kỳ” tương tự, kèm theo liên kết mua hàng “chính hãng” và số điện thoại tư vấn.

... Và cả trên cổng thông tin cơ quan nhà nước? - Ảnh chụp màn hình.

... Và cả trên cổng thông tin cơ quan nhà nước? - Ảnh chụp màn hình.

PGS.TS Trần Đáng cho rằng, theo quy định pháp luật hiện hành, các cơ quan nhà nước, bác sĩ, bệnh viện hoặc các cơ sở y tế không được phép tham gia quảng cáo, tiếp thị hay “đứng tên” giới thiệu sản phẩm Thực phẩm chức năng. Nếu chỉ tham gia giảng dạy, giải thích cơ sở khoa học để người dân hiểu rõ thì đó là phạm trù khác. Nhưng khi đứng ra như một hình thức quảng cáo thì hành vi đó là vi phạm, cần phải xử lý nghiêm.

Vậy vì sao trên các website của cơ sở y tế (Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh) và cơ quan chức năng (Sở Y tế tỉnh Bến Tre) lại xuất hiện đường link để chuyển hướng về các website quảng cáo sản phẩm có nhiều nội dung sai sự thật?

Vì sao sản phẩm được quảng cáo lố trên nhiều nền tảng mà không bị xử lý dù chỉ vừa qua đợt cao điểm đấu tranh ngăn chặn gian lận thương mại, đặc biệt đối với hàng giả, quảng cáo quá đà?

Những câu hỏi này, Sức khoẻ+ xin chuyển đến các cơ quan chức năng để xử lý.

 
Hà Chi
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin