Sự thật tàn nhẫn và những bức ảnh báo chí gây tranh cãi

Bức ảnh chiến trường Việt Nam nổi tiếng gây tranh cãi

Thánh đường bị... 1.000 bức ảnh gợi cảm “tấn công”

Trở về tuổi thơ hồn nhiên với những trò chơi mộc mạc của trẻ em

NSND Trà Giang và bức ảnh kỷ niệm với Bác Hồ

Dưới đây là những bức ảnh gây tranh cãi nhất trong lịch sử báo chí hiện đại. Những bức ảnh đã khiến độc giả trên khắp thế giới phải suy nghĩ, lên tiếng và thậm chí tranh luận nảy lửa. Có rất nhiều cách nhìn nhận trước một bức ảnh ghi lại một khoảnh khắc gây tranh cãi. 

Khoan bàn đến chuyện đúng - sai, tốt - xấu của những bức ảnh dưới đây, điều mà tất cả những bức ảnh gây tranh cãi có thể cùng chứng minh, đó là một bức ảnh chứa đựng tiếng nói mạnh mẽ, dữ dội, đưa ra những thông điệp phong phú, đa dạng hơn mọi ngôn từ.

Những bức ảnh dưới đây đã khiến độc giả trên khắp thế giới phải suy nghĩ, lên tiếng và thậm chí tranh cãi:

Ảnh chụp vụ tấn công khủng bố 11/9/2001 của nhiếp ảnh gia Thomas Hoepker

Bức ảnh của nhiếp ảnh gia người Đức ghi lại cảnh một nhóm những người trẻ Mỹ đang ngồi thư giãn vui vẻ với nhau. Hậu cảnh là hình ảnh tòa tháp đôi đang bùng cháy dữ dội. Bức ảnh này đã không ra mắt tại thời điểm năm 2001 mà phải đợi tới 5 năm sau - năm 2006 - mới xuất hiện trên mặt báo, nhưng điều đó vẫn không khiến bức ảnh giảm bớt tính tranh cãi.

Vẻ thư thái, thản nhiên hiện diện trên biểu cảm gương mặt và tư thế ngồi của những nhân vật xuất hiện trong ảnh bị quy kết là quá đỗi nhẫn tâm trước một thảm họa kinh hoàng.

Sau khi bức ảnh này xuất hiện và gây lùm xùm dư luận, một người đàn ông tự xưng là một thành viên trong nhóm người xuất hiện trong ảnh đã khẳng định rằng thực tế, lúc đó, họ đang trong trạng thái rất sốc và không tin nổi và những gì mình thấy. Giờ đây, bức ảnh này được coi là một trong những khoảnh khắc đáng nhớ nhất về vụ tấn công khủng bố 11/9.

Ảnh chụp nạn đói ở Sudan năm 1993 của nhiếp ảnh gia Kevin Carter

Bức ảnh này đã quá nổi tiếng và là một ví dụ không thể bỏ qua khi nói về những bức ảnh báo chí gây tranh cãi. Bức ảnh từng đoạt giải Pulitzer - giải thưởng báo chí uy tín nhất của Mỹ, nó khắc họa một cách dữ dội nhất thực tế thảm khốc của nạn đói ở Sudan năm 1993.

Nhiếp ảnh gia người Nam Phi Kevin Carter đã tình cờ chứng kiến và kịp thời ghi lại khoảnh khắc một đứa trẻ phải dừng lại nghỉ để lấy sức trong lúc bò về phía người ta đang phân phát lương thực cứu trợ. Cạnh đứa trẻ là một con kền kền đang chờ đợi “con mồi” ngã gục để trở thành bữa ăn tiếp theo của nó.

Khi bức ảnh xuất hiện trên mặt báo, rất nhiều người đã bàng hoàng, các tờ báo sử dụng bức ảnh này liên tục nhận được những câu hỏi của độc giả về số phận của bé gái trong ảnh. Đồng thời, rất nhiều người đã chỉ trích nhiếp ảnh gia Carter là quá nhẫn tâm, họ so sánh anh với con kền kền trong ảnh, rằng anh là “một dạng săn mồi kiểu khác”.

Chỉ vài tháng sau khi thực hiện bức ảnh này, Carter đã tự tử, trong lá thư tuyệt mệnh của mình, Carter cho thấy chính anh cũng đã bị chấn động, đau đớn, khổ sở vì chính những hình ảnh quá dữ dội mà mình đã từng chứng kiến.

Bức “Người đàn ông rơi” của nhiếp ảnh gia Richard Drew chụp năm 2001

Trong khi đưa tin về vụ tấn công khủng bố 11/9, nhiếp ảnh gia người Mỹ Richard Drew đã chụp nhiều bức ảnh ghi lại cảnh những người ở trong tòa tháp đôi lựa chọn cách nhảy từ trên tầng cao xuống mặt đất để nhanh chóng tìm tới cái chết thay vì chịu cảnh chết ngạt, chết cháy.

Bức “Người đàn ông rơi” là một khoảnh khắc trong số đó. Bức ảnh này được biết tới nhiều nhất trong cả chùm ảnh kinh hoàng mà Richard Drew đã thực hiện, nó khắc họa một người đàn ông trong một lựa chọn dữ dội, bi thương nhưng lại chứa đựng một sự bình tĩnh đến kỳ lạ khi anh lựa chọn nhảy xuống từ tòa tháp.

Rất nhiều người đã phản đối việc đăng tải bức ảnh này trên mặt báo, cho rằng nó quá kinh khủng, nhưng thực tế bức ảnh đã trở thành một trong những khoảnh khắc được biết tới nhiều nhất về vụ tấn công khủng bố 11/9.

Bức “Em bé napan” của nhiếp ảnh gia Nick Út chụp năm 1972

Nhiếp ảnh chiến trường được coi là ở thời kỳ hoàng kim trong cuộc chiến tranh Việt Nam, khi đó, đã có những nhiếp ảnh gia chiến trường đưa tin đúng sự thật và chỉ có sự thật, không bị tác động bởi những yếu tố chính trị.

Từ chiến tranh Việt Nam, lịch sử nhiếp ảnh chiến trường đã có thêm biết bao bức ảnh kinh điển, ghi lại cuộc chiến khốc liệt từng diễn ra trên dải đất hình chữ S. Sẽ không lạ khi trong danh sách này xuất hiện tới hai bức ảnh về chiến tranh Việt Nam.

Bức “Em bé napan” được thực hiện bởi nhiếp ảnh gia Nick Út khắc họa cô bé Kim Phúc và những đứa trẻ khác đang chạy ra từ một ngôi làng vừa bị ném bom. Kim Phúc xuất hiện ở trung tâm bức ảnh, không có một mảnh quần áo trên người, em bị bỏng bom napan.

Thoạt tiên, bức ảnh đã suýt bị các biên tập viên của hãng thông tấn AP loại bỏ vì có hình ảnh trẻ em khỏa thân, nhưng xét về bối cảnh lịch sử và nguyên nhân bức ảnh, người ta đã sử dụng ảnh.

Ngay khi bức ảnh xuất hiện trên các phương tiện truyền thông, dư luận Mỹ đã vô cùng phẫn nộ. Bức ảnh sau đó đoạt giải Pulitzer của báo chí Mỹ, trở thành biểu tượng cho hàng loạt những động thái của người dân yêu chuộng hòa bình, đòi kết thúc chiến tranh ở Việt Nam.

Bức “Nhà sư tự thiêu” do nhiếp ảnh gia Malcolm Browne thực hiện năm 1963

Bức ảnh chụp nhà sư 66 tuổi Thích Quảng Đức tự thiêu trên đường phố Sài Gòn hồi năm 1963 để phản đối việc đàn áp tôn giáo của chính quyền Mỹ - Diệm thời bấy giờ. Sự việc đã được ghi lại qua ống kính của nhiếp ảnh gia người Mỹ Malcolm Browne, đưa lại cho thế giới một góc nhìn vào thực tế những gì đang diễn ra ở Việt Nam.

Trong suốt quá trình tự thiêu, hòa thượng Thích Quảng Đức đã giữ mình ở tư thế thiền và vẫn ngồi yên tĩnh lặng trong khi ngọn lửa thiêu đốt ông. Bức ảnh đã đem về cho Malcolm Browne một giải Pulitzer của báo chí Mỹ và một giải Ảnh Báo chí Thế giới của năm 1963.

Bức ảnh “Tù nhân chiến tranh người Iraq” được thực hiện năm 2002 bởi nhiếp ảnh gia Jean-Marc Bouju

Bức ảnh được thực hiện trong cuộc chiến tranh Iraq đã khiến thế giới bị sốc và một lần nữa cảm thương cho số phận con người trong chiến tranh. Bức ảnh của nhiếp ảnh gia người Pháp chụp cảnh một tù nhân và cậu con trai của anh đang bị giam giữ trong một căn cứ quân sự của Mỹ. Người cha đã bị đội mũ trùm đầu che kín mặt và trước đó còn bị còng tay.

Vì cậu con trai của anh quá sợ hãi trước những gì nhìn thấy, nên người đàn ông sau đó được tháo còng tay để có thể dỗ dành con mình. Bức ảnh đau lòng này đã được trao giải Ảnh Báo chí Thế giới của năm 2003.

Bức “Hỏa hoạn trên phố Marlborough” chụp năm 1975 bởi nhiếp ảnh gia Stanley Forman

Bức ảnh này đã đoạt giải Pulitzer của báo chí Mỹ đồng thời đoạt giải Ảnh Báo chí Thế giới của năm 1975. Khi bức ảnh này xuất hiện trên mặt báo, nó đã khiến chính phủ Mỹ ngay lập tức phải có những động thái trong việc bảo đảm an toàn cho những cầu thang thoát hiểm được thực hiện bên cạnh các tòa nhà cao tầng.

Trong ảnh người mẹ và cô con gái nhỏ đang bị ngã từ một cầu thang thoát hiểm khi tòa nhà họ ở xảy ra hỏa hoạn, chiếc cầu thang đã bị gãy sụp ngay dưới chân họ khiến người mẹ rơi từ độ cao 15m và thiệt mạng vì những chấn thương quá nặng. Cô con gái đã sống sót vì bé rơi lên người mẹ và vì vậy những chấn thương gặp phải đã được giảm bớt.

Khi bức ảnh này xuất hiện trên mặt báo, công chúng Mỹ đã chỉ trích nhiếp ảnh gia Stanley rất nhiều, cho rằng ông đã xâm phạm quyền riêng tư của các nạn nhân, rằng những tờ báo đăng tải hình ảnh này là vô cảm và trục lợi từ bi kịch.

Bức ảnh chụp cô bé Omayra Sanchez hồi năm 1985 được thực hiện bởi nhiếp ảnh gia Frank Fournier

Cô bé 13 tuổi người Colombia - Omayra Sánchez - đã bị kẹt lại trong đống đổ nát sau khi ngọn núi lửa Nevado del Ruiz phun trào dữ dội khiến gần 25.000 người thiệt mạng.

Những nhân viên của Hội Chữ Thập Đỏ đã cố gắng làm những gì có thể để giúp đỡ cô bé, đồng thời yêu cầu nhà chức trách điều động người tới gấp rút giải cứu Omayra, nhưng yêu cầu của họ đã không đưa lại kết quả.

 

Sau khi dòng chảy của bùn, đất, đá và nước phá hủy hàng loạt ngôi nhà, cô bé Omayra đã bị mắc kẹt lại trong đống đổ nát, phải ngâm mình trong nước suốt 3 ngày. Bức ảnh này chỉ là một tấm trong một loạt ảnh do nhiếp ảnh gia người Pháp thực hiện, ghi lại gương mặt cô bé Omayra từ bình tĩnh chuyển sang đau đớn, vật vã trong những giờ phút cuối cùng.

Sự dũng cảm của cô bé đã khiến tất cả những ai ở bên em trong những giờ phút cuối cảm thấy đau đớn. Cuối cùng, sau 60 tiếng chờ đợi, cô bé đã qua đời vì mất nhiệt và hoại tử.

Bức ảnh này được chụp lại ở những giây phút cuối cùng trong cuộc đời cô bé. Đằng sau cái chết đau đớn, thương tâm của Omayra là cú sốc của dư luận trước việc nhà chức trách khi đó đã không đủ khả năng đương đầu xử lý thảm họa.

Bức ảnh đã đoạt giải Ảnh Báo chí Thế giới của năm 1985. Ngay khi bức ảnh xuất hiện, nó đã gây ra nhiều tranh cãi. Về sau, hình ảnh cô bé Omayra đã được đưa vào nhiều tác phẩm văn chương, thi ca, nhạc họa như một hiện thân cho số phận con người trong thiên tai.

Bức “Cô bé Samar Hassan” thực hiện năm 2005 bởi nhiếp ảnh gia Chris Hondros

Nhiếp ảnh gia người Mỹ Chris Hondros đang làm nhiệm vụ đưa tin về cuộc chiến tranh Iraq khi anh chứng kiến bi kịch này và ghi lại nó qua ống kính nhiếp ảnh.

Một gia đình người Iraq đang ngồi trong xe hơi, khi đi qua trạm kiểm soát, người chồng, người cha của gia đình không hiểu vì lý do gì đã không thể kịp thời dừng xe lại để binh lính Mỹ kiểm tra, ngay lập tức, binh lính nã súng vào xe.

Hóa ra, những người ngồi trong xe chỉ là một gia đình thường dân không có gì nguy hại nhưng vì một sơ xuất, cặp vợ chồng đã bị chết, để lại 6 người con, trong đó có cô con gái 5 tuổi Samar Hassan người dính đầy máu của cha mẹ, đang gào khóc vì hoảng sợ.

Từ đây, Samar và 5 người anh chị em khác trở thành những đứa trẻ mồ côi. Một người anh trai của cô bé đã bị thương nặng trong vụ việc. Bức ảnh đã đoạt giải nhì tại giải Ảnh Báo chí Thế giới năm 2005 ở hạng mục Ảnh tiêu điểm.

Bức “Số phận bi đát” do R. Umar Abbasi ghi lại năm 2012

Bức ảnh này được thực hiện bởi một phóng viên tự do thường cộng tác với tờ New York Post - R. Umar Abbasi. Bức ảnh chụp lại những giây phút cuối cùng của một người đàn ông bị chết vì rơi xuống đường tàu điện.

Người đàn ông gốc Hàn có tên Ki Suk Han đã bị một kẻ lạ mặt đẩy xuống đường tàu điện ngầm ở thành phố New York, Mỹ. Sau đó, bức ảnh chụp lại vụ việc bi kịch này đã xuất hiện trên trang bìa tờ New York Post với dòng tít ảnh: “Bị đẩy xuống đường tàu, người đàn ông này sắp phải chết. Số phận bi đát”.

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Văn hóa