An toàn thực phẩm vẫn chưa "an toàn"

Phát hiện nhiều, xử phạt ít

Báo cáo của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2014 cả nước đã tiến hành thanh kiểm tra tại 391.800 cơ sở và phát hiện 83.363 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm.

Trong số 83.363 cơ sở vi phạm, các địa phương mới chỉ xử phạt vi phạm hành chính đối với 15.188 cơ sở, chiếm 18,2%, thấp hơn nhiều so với năm 2013 (27,6%), bao gồm cảnh cáo 9.525 cơ sở, phạt tiền 5.663 cơ sở với số tiền 11.541.187.500 đồng.


Phát hiện nhiều cơ sở vi phạm tuy nhiên công tác xử phạt vẫn chưa ngiêm ngặt

Các nội dung vi phạm chủ yếu là về điều kiện cơ sở, trang thiết bị dụng cụ, con người, tiêu chuẩn sản phẩm, ghi nhãn thực phẩm...Với những con số trong báo cáo chúng ta có thể nhận thấy công tác thanh tra xử phạt các cơ sở vi phạm còn hạn chế.

Rõ ràng nếu cơ chế xử phạt đối chưa quyết liệt thì việc răn đe và dập tắt các đơn vị đã và đang vi phạm là rất khó. Và nếu như thế thì người phải gánh chịu hậu quả trực tiếp sẽ là người dân.

Số người chết do ngộ độc thực phẩm tăng cao

Cũng theo báo cáo thì 6 tháng đầu năm 2014, Bộ Y tế ghi nhận 2636 người bị ngộ độc thực phẩm trong đó 28 trường hợp tử vong tăng 10 người so với cùng kỳ năm 2013.

Bộ Y tế cho biết, tính đến ngày 30/6/2014, toàn quốc ghi nhận 90 vụ ngộ độc thực phẩm với 2636 người mắc, 2035 người đi viện và 28 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2013, số vụ giảm 05 vụ (5,3%), tuy nhiên số mắc tăng 528 người (25%), số đi viện tăng 213 người (11,7%) và số tử vong tăng 10 người (55,6%).


Tỷ lệ ngộ độc tại các bếp ăn tập thể tiếp tục tăng

Số vụ ngộ độc thực phẩm lớn (≥ 30 người mắc/vụ) tăng 02 vụ (11,8%), ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể tăng 10 vụ, ngộ độc thực phẩm do thức ăn đường phố giảm 05 vụ (62,5%).

Nguyên nhân ngộ độc là do vi sinh vật, độc tố tự nhiên là 27 vụ (30%) và hóa chất. Nguyên nhân gây tử vong chủ yếu do độc tố tự nhiên có trong nấm, cóc, cá nóc, sò biển, rượu ngâm củ ấu tầu, ve sầu, côn trùng dạng bọ xít đen, độc tố vi nấm trong bánh trôi ngô mốc.

Không có vùng cấm trong thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm

Trước thực trạng trên, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế yêu cầu các địa phương cần phải đẩy mạnh và triển khai quyết liệt hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý thật nghiêm các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, không được lơ là, nể nang, chùn bước. Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh “không có vùng cấm trong hoạt động thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm”. Đối với các cơ sở, các sản phẩm thực phẩm không đảm bảo các điều kiện về an toàn thực phẩm, các đoàn thanh tra và các Chi cục An toàn thực phẩm cần phải thực hiện các biện pháp mạnh mẽ, đóng cửa cơ sở, rút giấy phép hoạt động, rút giấy phép lưu hành ngay.


Không có vùng cấm trong công tác an toàn thực phẩm

Thứ trưởng đề nghị từ nay đến cuối năm 2014, Cục ATTP chỉ đạo Chi Cục ATVSTP các tỉnh/thành phố trong cả nước quyết liệt triển khai các hoạt động truyền thông, thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm với các trọng tâm trọng điểm vềphụ gia thực phẩm, thực phẩm chức năng, tết Trung thu, tết Nguyên Đán. Thực hiện tốt công tác phối hợp liên ngành, kịp thời phát hiện, khuyến khích và nhân rộng các mô hình điểm, chợ an toàn, mô hình bảo đảm thức ăn đường phố an toàn, xây dựng tiêu chí đánh giá các Chi cục trong năm 2014 dựa trên 03 chỉ tiêu cụ thể: Tỷ lệ % các cơ sở được thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm; Số vụ ngộ độc và số người bị ngộ độc thực phẩm; Kinh phí của địa phương đầu tư cho các hoạt động về an toàn thực phẩm.

CTV10
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn