Tản mạn chuyện Lịch và Tết

Mùa Xuân đến, hoa đào nở, thêm một cái Tết lại tới

Gợi ý công thức làm bánh cookies “tiểu hổ” độc đáo đón Tết Nhâm Dần

Trường hợp nào bị cách ly khi về quê ăn Tết?

Những lưu ý khi đi du lịch bằng máy bay an toàn trong dịp Tết

Bộ Y tế đề nghị tăng cường phòng, chống tác hại của rượu, bia dịp Tết Nhâm Dần

Lịch dương và lịch âm là gì?

Dương lịch - “lịch theo mặt trời”- dựa vào vị trí của trái đất đối với mặt trời, còn âm lịch - “lịch theo mặt trăng” - thì dựa vào vị trí của mặt trăng so với trái đất. Tuy nhiên âm lịch Việt Nam hiện đại về bản chất lại là âm - dương lịch, vì liên quan đến cả mặt trời.

Dương lịch hiện nay là do Julius Caesar trên cơ sở cải tiến lịch cổ La Mã, chế ra từ năm 43 BC (BC: Before Christ - “trước khi Chúa Jesus Christ ra đời” - gọi là “trước Công Nguyên”) cách năm nay 2065 năm. Chữ “lịch”, tiếng Anh là “calendar”, tiếng Pháp “calendrier”, tiếng Nga “календарь”(đọc: ca-len-đar), có tổ tiên là một từ gốc Latinh cổ “kalendae” (các calend) nghĩa là “thời điểm đến hạn phải trả lãi các khoản vay”. Lịch ấy đương nhiên được gọi là “Julian calendar” lịch của Julius, cũng như cái tên riêng Caesar, vị Hoàng đế La Mã đầu tiên, sau đã trở thành danh từ chung “Kaiser” trong tiếng Đức hay “царь” (đọc: tzar) trong tiếng Nga, đều mang nghĩa là “hoàng đế”, là danh xưng tối cao của các quân chủ trị vì một đế quốc.

Lịch cổ Julian calendar

Lịch cổ Julian calendar

Còn với âm lịch, truyền thuyết Trung Hoa thì tự nhận rằng do 皇帝 (cũng là Hoàng Đế, không mang nghĩa như trên, mà là "Vua màu Vàng") phát minh ra vào năm 2.637 BC. Tuy nhiên, thực tế là di chỉ về lịch mặt trăng sớm nhất đã được tìm thấy trên cánh đồng Warren ở Scotland thuộc Vương quốc Anh, có niên đại quãng 8.000 BC, thuộc Trung kỳ đồ đá (Mesolithic) trong lịch sử trái đất, trước cái ông mà người Hán coi là thủy tổ của mình nói trên quá nửa vạn năm.

Khái niệm năm, tháng trong dương lịch và âm lịch cũng có sự khác nhau: Năm trong dương lịch - tiếng Việt gốc Hán gọi là "niên”, tiếng Anh “year” - là khoảng thời gian giữa 2 ngày đông chí, ngày mà cực trái đất nằm ở bán cầu đó có góc nghiêng lớn nhất trong năm so với mặt trời. Ở bán cầu bắc trong đó có nước ta, ngày đông chí thường là rơi vào 21 hay 22 tháng 12 dương lịch. Chính xác hơn, thì thời gian trái đất quay quanh mặt trời đúng một vòng - một "niên” - là dài 365 ngày 5 giờ 48 phút 45,51 giây. Còn một tháng trong năm dương lịch là 1 phần 12 quãng thời gian mà trái đất đi trọn được một vòng quanh mặt trời, không tính đến các tuần trăng. Theo lịch Julius Caesar, thông thường gọi là lịch Gregorius vì được Giáo hoàng Gregorius thứ XIII sửa đổi bổ sung vào năm 1582, bây giờ là dương lịch toàn thế giới đang dùng, thì một năm được tính tròn có 365 ngày, chia làm 12 tháng: lần lượt có 31 ngày (tháng lẻ) rồi 30 ngày (tháng chẵn). Tuy nhiên trong dương lịch hiện tại, tháng hai chỉ còn 28 ngày, và sau tháng bảy thì trật tự trên lại đảo ngược: các tháng chẵn 8-10-12 lại có 31 ngày. Lý do tại sao thế, là từ quyết định ngẫu hứng độc đoán của mấy vị Hoàng đế La Mã, ở một câu chuyện khác, mà về sau nếu có dịp thì sẽ kể tiếp!

Như đã nói, so với thời gian thực tế trái đất quay quanh mặt trời, mỗi năm tính như vậy còn thừa ngót ngét 6 giờ, nên cứ 4 năm lại đâm dư ra quãng một ngày (6 giờ x 4 = 24 giờ). Để cho thuận lợi, người ta thêm cái ngày đó vào những năm nói chung có số chia hết cho 4, nhất là chia hết cho 400, và gọi năm đó là năm nhuận. Một ngày thêm ấy được cộng vào cái tháng đã bị cắt xén nhiều nhất là tháng hai, vốn chỉ có 28 ngày, thành ra tháng hai của năm nhuận sẽ có 29 ngày (tại sao tháng hai bị bớt xén rồi được cộng thêm ngày cũng lại là một câu chuyện khác, và cũng liên quan đến tính kiêu ngạo ích kỷ của các hoàng đế La Mã cổ đại). Năm 2020 vừa rồi, quá chẵn chia hết cho 4, nên tháng hai đã có 29 ngày và năm nhuận tiếp theo sẽ là 2024!

Trong âm lịch, năm là thời gian từ đầu tháng âm lịch chứa ngày đông chí (tháng Tý) tới trước ngày đầu tháng chứa ngày đông chí kế tiếp. Còn tháng là chu kỳ thời gian từ một ngày không trăng, gọi là ngày sóc: khi mặt trời, mặt trăng, trái đất cùng nằm trên một đường thẳng, mặt trăng nằm ở giữa trái đất và mặt trời, tới trước ngày không trăng kế tiếp. Do một tháng âm lịch (từ ngày sóc này đến ngày sóc tiếp theo) chỉ có 29,5 ngày, nên một năm có thể có từ 12 đến 13 tháng âm lịch, tức là gồm từ 353 tới 383 ngày. Nếu khoảng cách giữa hai sóc ngay trước ngày Đông chí thứ nhất và ngay trước ngày Đông chí thứ hai là dưới 365 ngày, thì năm âm lịch có 12 tháng. Ngược lại, nếu khoảng cách giữa hai sóc đó là trên 365 ngày thì năm âm lịch này là năm nhuận.

Chu-ky-trai-dat-quay-quanh-mat-troi-tai-sao-co-ngay-nhuan

Trong năm nhuận, tháng nhuận được tính theo Trung khí là các điểm chia đường hoàng đạo - đường biểu kiến do mặt trời vạch ra trên bầu trời khi nhìn từ trái đất - thành 12 phần bằng nhau. Nếu có tháng không có Trung khí thì tháng đó sẽ là tháng nhuận, mang tên của tháng trước nó kèm chữ "nhuận". Trong các trung khí đó, bốn Trung khí ở giữa bốn mùa là đặc biệt nhất: Xuân phân khoảng 20/3, Hạ chí khoảng 22/6, Thu phân khoảng 23/9, và Đông chí khoảng 22/12. Nếu nhiều tháng trong năm nhuận đều không có Trung khí, thì chỉ tháng đầu tiên sau Đông chí sẽ là tháng nhuận.

Mối liên hệ giữa âm và dương lịch

Có thể thấy là: tháng âm lịch chứa ngày đông chí luôn luôn là tháng Tý, xếp thứ tự thông thường là tháng thứ mười một trong dương lịch, nhưng được coi là tháng đầu tiên của âm lịch. Tại sao như vậy? Vì ngày đông chí là ngày khí âm mạnh nhất (“chí” nghĩa là “tuyệt đỉnh”: trong ngôn ngữ đã có những từ như “chí tôn” = “vô cùng tôn kính”, "chí lý" = "hoàn toàn có lý", “chí minh” = “cực kỳ sáng suốt”) còn khí dương ngày ấy là yếu nhất trong năm. Sau ngày này, khí dương mạnh dần lên, cho nên tháng chứa ngày đông chí là tháng "chí âm sinh dương", chỉ thời gian luôn luôn được xem như bắt đầu một chu kỳ sinh trưởng và phát triển. Cũng như một ngày thì bắt đầu bằng giờ Tý là khoảng thời gian nửa đêm (ngạn ngữ cổ: "Nửa đêm, giờ tí, canh ba...") khi ấy âm vượng đến tuyệt đỉnh rồi đi xuống, chuyển sang sinh dương; tháng chứa ngày đông chí cũng là tháng được người xưa chọn làm tháng đầu năm, tên là Tý, con giáp đầu tiên. Vì thế, trong tiếng Việt xưa, tháng Tý được gọi là "tháng một", và ngày nay nhiều người người Việt vẫn gọi như thế: một-chạp-giêng-hai...

Lệ xưa, cứ qua tháng Tý thì mọi người được tính thêm một tuổi, theo thời gian của đất trời, chứ không phải qua sinh nhật của từng người, bởi vì qua tháng Tý thì thêm một "tuế" - chữ "tuế" cổ xưa dần được đọc đi trại thành "tuổi" chăng ? Văn chương cổ có nhóm từ “tuế nguyệt” (mặt trăng và tuổi) chắc cũng có ý liên quan này. Và “đồng tuế” thì nghĩa là “cùng tuổi (sống)”, khác với “đồng niên” là “cùng năm.

Giữ hay bỏ Tết cổ truyền, Tết “tây”? 

Tết cổ truyền Việt Nam

Tết cổ truyền Việt Nam

Nhìn ra châu Á, thì thấy người Nhật cũng không bỏ Tết cổ truyền để ăn Tết "tây", mà chỉ chuyển sang ngày đầu năm dương lịch. Có lẽ họ thấy ăn tết theo lịch mặt trời là hợp với truyền thống của mình hơn, vì họ xưng là con cháu thần Mặt Trời (Japan -日本-Nippon - Nihhon - Nhật Bản, nghĩa là “có nguồn gốc từ mặt trời”: nhật = mặt trời”, bản = có nguồn gốc). Họ hội nhập với thế giới mà vẫn giữ bản sắc dân tộc của mình! Đáng nể là họ đã chuyển sang đón Tết đầu năm dương lịch từ thời Thiên hoàng Minh Trị 1873, cách đây đến một thế kỷ rưỡi! Còn nếu nói thêm chuyện bảo tồn chân chính các lễ hội truyền thống đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc, thì chắc ta cũng còn phải học họ nhiều nhiều!

Ở Việt Nam ta, cũng đáng chú ý là có những dân tộc miền núi, như người H’mông, người Hà Nhì... ở phía Bắc vẫn ăn tết theo lịch mặt trăng cổ truyền ngàn đời như vậy! Đấy là chưa kể đến các tộc người khác ở Tây Nguyên (Banar) Nam Trung Bộ (Chăm), đồng bằng sông Cửu Long (Khmer)... ăn Tết to nhất của mình, đón năm mới vào những thời điểm khác trong năm.

Dẫu sao thì bỏ một thói quen hàng nghìn năm cũng không dễ. Nhưng cũng nên bắt đầu từ từ bằng cách: thời gian ăn tết Nguyên Đán như hiện nay rút ngắn đi hơn, và đón tết đầu năm mồng 1 tháng 1 dương lịch - dân gian gọi nôm na là Tết “tây” - dài hơn ra; vì trong khoảng thời gian giữa Lễ Giáng sinh (Noel hay Christmas 25/12) với Tết “tây” 1 tháng giêng, nếu Việt Nam có đi làm vào những ngày đó, thì đại đa số các nước trên thế giới cũng đang nghỉ, chả thể giao dịch được gì mấy. Và ngược lại, dịp nghỉ Tết và vui xuân lệch pha nhiều khi quá đà như hiện nay của ta cũng gây nhiều trục trặc trong giao dịch với số đông nước ngoài.

Cứ mỗi năm, có vẻ càng ngày càng nhiều người đang càng cố đơn giản hoá cái tết Nguyên Đán “năm mới”, cố tránh bớt những quay cuồng chuẩn bị, tổ chức phù phiếm, lãng phí công sức, tiền của, thời gian... Có thể những người vẫn muốn đón Tết như giờ sẽ phản bác, cho rằng với cành đào, trời se se lạnh, hay lất phất chút mưa phùn... mới ra phong vị Tết, mới đúng là vào tiết đầu năm mới. Tuy nhiên, người ở miền nam đang đón năm mới trong cái nắng chang chang và mai vàng rực rỡ, có sao đâu. Cùng lắm, thì như nhà thơ Trần Mạnh Hảo gốc Nam Định cũng chỉ hoài cảm hài hước kêu lên một câu “Sài Gòn thoáng gặp hoa đào đỏ. Chao ôi nhớ rét toát mồ hôi” !

Rộng ra nữa, vào mùa lễ hội đón năm mới, nếu như Hà Nội ở bắc bán cầu dân tình hoặc comple trịnh trọng hay áo dài thướt tha mùa rét, thì ở nam bán cầu như Rio de Janeiro (Brazil) vô vàn chị em chỉ tung tẩy phong phanh độc có bikini nhảy múa hội hoá trang carnaval giữa phố mùa hạ, thì có tưng bừng quyến rũ kém gì nào ?

Hoa đào không thể thiếu trong mỗi gia đình miền Bắc mỗi khi Tết đến

Hoa đào không thể thiếu trong mỗi gia đình miền Bắc mỗi khi Tết đến

Còn đào, loài cây truyền thống đón năm mới trên miền bắc đất Việt, đúng là nổi tiếng đến mức đã trở thành loài quý hoa đón xuân của cả nước. Tuy nhiên, với trình độ khoa học trồng trọt hiện nay, người ta sẽ thừa sức điều chỉnh làm cho đào nở hoa vào tháng một đầu năm âm lịch. Chả nói đâu xa, năm nay đào Hà Nội đã tự nhiên đồng loạt bung nở ngay từ mấy ngày đầu tháng giêng dương lịch rồi đó.

Như vậy, cùng với cây thông Giáng sinh Năm Mới của Tết “tây”, hoa đào cổ truyền sẽ tưng bừng đón năm mới dương lịch trong ngày Tết ta đầu năm kiểu mới…

 

Hà Chi
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Văn hóa