Chúng tôi vừa đặt chân lên núi Cấm (xã An Hảo, H.Tịnh Biên, An Giang)
đã được chị chủ sạp tạp hóa ven đường mòn lên suối Thanh Long đon đả
mời chào: “Mua sơn dược đi các cô, chú… Nguồn dược liệu núi Cấm quanh
năm hút linh khí của đất trời nên trị bách bệnh. Lâu lâu đi núi một lần
hãy mua thử vài bịch về sắc uống, hiệu nghiệm dữ lắm!”. Khi thấy chúng
tôi không mấy mặn mà, chị liền quay sang một ông lão tuổi lục tuần đang
chống gậy leo núi, xởi lởi: “Chú ơi, có loại thuốc “ông uống bà khen”,
trị được các chứng bệnh đau lưng, nhức khớp, mỏi gối, suy thận… đại tài.
Chú mà uống vô thì khỏi phải cầm gậy leo núi đâu”. Bằng những chiêu mời
chào ngọt lịm như thế, nhiều khách hành hương phải xiêu lòng ghé vào
sạp của chị mua “linh dược”.
Loại gỗ quỷ kiến sầu được cho có thể “trừ tà, đuổi quỷ” hiện đang bị khai thác theo kiểu tận diệt
Theo quan sát của chúng tôi, để thu hút người mua, những quầy bán sơn dược phân tách ra thành từng vị, với đủ loại thuốc cho vào một bịch nhỏ, bên trong có dán nhãn “Thần dược Thất Sơn”. Tấp vào một quán nhỏ ven đường mòn lên núi Sam, chúng tôi hỏi đùa: “Có bán sung dược không?”. Nào ngờ, từ trong quán, một người đàn ông tự xưng là Tám Hải bước ra nói tỉnh bơ: “Thứ gì cũng có. Nè, lựa đi chú em, giá mỗi bịch từ 50.000 - 100.000 đồng. Chú em không mua, mấy bữa nữa đến Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam thì không có hàng đâu”. Nói xong, Tám Hải mời mỗi người uống miễn phí một chung rượu được cho là ngâm “linh dược Bảy Núi” có tác dụng tráng dương bổ thận.
Ngoài thảo dược, các quầy bán thuốc trên núi Cấm và núi Sam còn bày bán nhiều loài động vật hoang dã phơi khô. Chị Mai ở vồ Bà Cửu trên núi Cấm, xởi lởi: “Đây là tắc kè bay và tắc kè hoa chuyên trị ho khan, khò khè ở trẻ em. 2 loại động vật này khó bắt và hiếm gặp nên khách có nhu cầu phải điện thoại trước để tôi đưa quân đi săn lùng. Nhưng loài động vật này khôn lắm, một ngày anh em chỉ bắt dính được vài con, mỗi con phơi khô có giá 50.000 - 60.000 đồng”.
Mất dần các loại thảo dược quý
Lão lương y Đinh Văn Tươi (Út Tươi, 82 tuổi) cho biết trước đây ở núi Cấm, cây thần xạ hương, ngải tượng, bình linh, thiên tuế, huyết rồng, đỗ trọng… mọc đầy rừng, nhưng do khai thác theo kiểu tận diệt nên hiện nay hầu như không còn bóng dáng. “Thậm chí, những củ ngải đen, ngải vàng mùa khô nằm im dưới đất, họ cũng lục tung lên để đem bán cho du khách. Còn những cây thiên tuế cổ thụ vài chục năm mới cho trái một lần, họ cũng triệt hạ làm cho cây chết dần chết mòn. Hay như cây quỷ kiến sầu (keo lá nhỏ) hồi trước mọc nhiều vô số, cho chẳng ai lấy. Thế rồi không hiểu từ đâu, người ta đồn đại cây quỷ kiến sầu có thể “trừ ma, đuổi quỷ” nên chẳng bao lâu sau nó bị đốn sạch”, ông Út Tươi nói.
Ông Nguyễn Thiện Chung, Chủ tịch Hội Đông y H.Tịnh Biên, cho biết hầu hết các quầy bán sơn dược ở núi Cấm đều không có giấy phép kinh doanh hoặc chứng chỉ hành nghề. Thế nhưng nhiều chủ quầy thuốc đã tự sơ chế thuốc hoàn quấn giấy kiếng bán cho khách hành hương, hết sức nguy hiểm. “Các loài thảo dược vùng Bảy Núi hiện bị người dân nơi khác đến hái, đào quá mức. Họ đào bới tận gốc khiến nhiều loài dược liệu quý có nguy cơ bị tuyệt chủng. Hiện nay, tại khu vực núi Cấm hầu như không còn các loài mướp gai, thiên niên kiện, ba kích, bí kỳ nam, chỉ sát, thần xạ hương, cây gió lửa, hoàng đằng, ngải móng trâu, bách bộ, thiên môn… Đây là những vị thuốc quý có thể trị liệu nhiều bệnh mãn tính”, ông Chung cho biết thêm.
Theo các nhà nghiên cứu, vùng Bảy Núi có khoảng 650 loài dược liệu (riêng núi Cấm có khoảng 300 loài) mang dược tính cao, điều trị rất công hiệu đối với nhiều loại bệnh. Dược liệu Bảy Núi không những bày bán ở địa phương mà còn được trao đổi và lưu hành trong cả nước. Từ những kinh nghiệm sử dụng phong phú, các vị lương y đã đúc kết được nhiều bài thuốc hay cứu người từ những loài thảo dược hoang dã này. |
Bình luận của bạn