148 triệu ca COVID-19 trên toàn thế giới, Ấn Độ "ngạt thở" do COVID-19

Số ca mắc mới ở Ấn Độ phá kỉ lục 5 ngày liên tiếp - Ảnh: Reuters

Thủ tướng: Xử lý nghiêm nếu để xảy ra lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng

Thêm 6 ca nhập cảnh tại Hà Nội, TP.HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu

Biến thể COVID-19 gây nên "thảm họa" ở Ấn Độ nguy hiểm thế nào?

Gần 86% bệnh nhân COVID-19 về nước từ Campuchia mang biến thể Anh

Đến 7h sáng 27/4, toàn cầu ghi nhận hơn 148 triệu ca COVID-19, trong đó có 3,1 triệu người tử vong. Mỹ, Ấn Độ và Brazil là 3 nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Số ca mắc tại Mỹ là gần 33 triệu người, trong đó có 586.000 ca tử vong. Ấn Độ ghi nhận tổng cộng hơn 17,6 triệu ca mắc, bao gồm 197.000 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với hơn 14 triệu ca bệnh và 392.000 ca tử vong.

Tính đến 17h ngày 26/4, Ấn Độ tiếp tục ghi nhận kỷ lục số ca mắc mới COVID-19 cao nhất thế giới và cũng là cao nhất tại nước này từ trước tới nay, với 354.531 ca. Tính đến ngày 26/4, Ấn Độ đã trải qua 5 ngày liên tiếp ghi nhận hơn 300.000 ca nhiễm/ngày, ngày sau cao hơn ngày trước và số ca tử vong theo ngày cũng liên tục lên mức cao mới. Trong khi đó, nhiều bệnh viện ở thủ đô New Delhi và trên khắp cả nước từ chối tiếp nhận bệnh nhân do thiếu giường bệnh và oxy.

Thiếu giường bệnh trầm trọng, bệnh nhân COVID-19 ở Ấn Độ phải chờ trong xe - Ảnh: Reuters

Trong ngày 26/4, theo thống kê của Worldometers, Ấn Độ có 2.764 trường hợp tử vong vì COVID-19. Tuy nhiên, con số này có thể vẫn là phần nổi của tảng băng chìm, bởi khả năng còn quá nhiều bệnh nhân tử vong tại nhà mà chưa được thống kê.

Hôm qua, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus lên tiếng cảnh báo về làn sóng kỷ lục về số ca bệnh và tử vong do COVID-19 ở Ấn Độ. "Tình hình ở Ấn Độ quá thương tâm. WHO đang nỗ lực hết sức để cung cấp các thiết bị và vật tư quan trọng", ông Tedros phát biểu. WHO đã cử hơn 2.600 chuyên gia trong các lĩnh vực như lao phổi, bại liệt tới làm việc với cán bộ y tế Ấn Độ để hỗ trợ ứng phó với đại dịch.

Trước tình hình này, Mỹ, Pháp và Anh cũng đã thông báo sẽ hỗ trợ các thiết bị y tế cho Ấn Độ. Mới đây nhất, Đức cũng đã thông báo sẽ gửi các thiết bị hỗ trợ quốc gia Nam Á này.

Tại khu vực Đông Nam Á, tình hình dịch bệnh đang ở mức báo động đỏ với số ca mắc COVID-19 mới cao chưa từng thấy.

Trong 6 ngày qua, số ca mắc COVID-19 cộng đồng tại Lào đã tăng gấp hơn 6 lần tổng số ca mắc COVID-19 trong năm 2020. Biến thể của virus SARS-CoV-2 đến từ Anh được cho là nguyên nhân chính khiến dịch COVID-19 tại Lào lan rộng ra nhiều tỉnh, thành. Ngày 25/4, Chính phủ Lào tuyên bố phong tỏa tỉnh Luang Prabang từ 6h cùng ngày cho tới ngày 5/5. Như vậy, đã có 16/18 tỉnh, thành của Lào thực hiện phong tỏa và giới nghiêm.

Tại Campuchia, dịch COVID-19 đã lan ra khắp 22/25 tỉnh, thành. Theo số liệu do Bộ Y tế Campuchia công bố chiều 26/4, số ca nhiễm mới theo ngày ở nước này vẫn ở mức 3 chữ số, với 616 trường hợp. 

Tính đến 25/4, trên toàn thế giới có 1 tỷ liều vaccine phòng COVID-19 được sử dụng trong chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử. Cột mốc này đạt được trong vòng 5 tháng, kể từ khi 1 người phụ nữ tại Anh được tiêm liều vaccine phòng COVID-19 đầu tiên của Pfizer vào ngày 8/12/2020.

Quỳnh Trang H+ (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn