Thiết bị y tế: Không đơn giản chỉ bật và tắt

Việc sử dụng các thiết bị này tương đối đơn giản nhưng máy móc cũng sẽ rất dễ biến thành “đống sắt vụn” nếu không được sử dụng và bảo quản đúng cách.

Hú vía với... máy
Bị bệnh đái tháo đường nên máy thử đường huyết là vật “bất ly thân” với ông Lương Minh Kỷ (số nhà 140, Phú Lương, TP. Hải Dương). Ông Kỷ cho biết, từ ngày sử dụng máy, ông kiểm soát bệnh tình của mình khá tốt. Chỉ có một “điểm trừ” ông dành cho thiết bị này vì có đến 4 bộ phận: máy đo, bút phóng kim, kim và que thử. Tất cả đều nhỏ gọn, không bảo quản cẩn thận sẽ dễ bị thất lạc và ông đã có bài học nhớ đời từ chiếc máy. Số là, ông đã để đâu mất que thử đi kèm máy. Cậu con trai tặc lưỡi ra hiệu thuốc mua cho ông que thử khác. Que thử vừa vặn, chẳng khác gì que thử cũ nên ông Kỷ yên tâm sử dụng. Một tuần sau, kiểm tra chỉ số đường, ông Kỷ giật mình thấy mức đường huyết vượt quá hạn cho phép. Tá hỏa vào viện, bác sỹ thăm khám và kết luận: lượng đường trong máu bình thường. Ông Kỷ được phen hú vía chỉ vì coi thường, không nghĩ là que thử mà cũng có hạn sử dụng. Sử dụng que thử hết hạn thì chỉ số đường sẽ “nhảy” lung tung.

Những trường hợp như ông Kỷ không phải là hiếm. Nhiều bệnh nhân huyết áp, tim mạch… đã từng rơi vào tình trạng dở khóc dở cười, máy cho kết quả một kiểu nhưng thực tế lại kiểu khác. Lý giải thực tế này, một số bác sỹ cho biết, các thiết bị y tế gia đình đang bày bán trên thị trường chủ yếu là hàng nhập khẩu từ các nước như: Trung Quốc, Nhật Bản, một số được giới thiệu từ Châu Âu, hướng dẫn sử dụng đầy đủ nhưng chủ yếu là tiếng nước ngoài. Trong khi đối tượng sử dụng chính là ông bà, bố mẹ - những người cao tuổi trong nhà “mù tịt” ngoại ngữ. Con cháu mua máy về dùng chỉ giới thiệu qua lao cách bật, cách tắt, cách đọc con số hiển thị. Mọi thông tin về sử dụng, bảo dưỡng thiết đối với bệnh nhân lớn tuổi bị đều dừng lại ở con số 0 tròn trĩnh. Thiết bị điện tử, hoạt động theo cơ chế tự động. Việc sử dụng các thiết bị này vì thế dễ dàng và đơn giản hơn nhiều so với các sản phẩm cùng loại trước đó. Thế nhưng, dù hiện đại đến mấy, máy móc vẫn trở thành “đống sắt rỉ” nếu người bệnh không biết sử dụng đúng cách và“mù tịt” cách giữ gìn, bảo quản. Hơn nữa, sử dụng không đúng cách, bảo quản sai vẫn “ung dung” sử dụng, vẫn tin tưởng tuyệt đối vào máy móc là tình trạng báo động của rất nhiều bệnh nhân.


Trong điều kiện thời tiết nhiệt đới, việc vệ sinh máy định kỳ sẽ giúp máy hoạt động ổn định

Bác sỹ Nguyễn Bạch Đằng - Chuyên khoa nội tiết, Học viện Quân y cho biết:“Các thiết bị (máy) y tế dùng tại nhà như: máy đo huyết áp, máy đo lượng đường trong máu, máy đo lượng mỡ cơ thể hay máy xông họng… hầu hết đều có tính năng ưu việt, công nghệ hiện đại và kết quả đo có độ chính xác nhất định. Các máy này nên sử dụng hàng ngày để bảo vệ sức khỏe cho các thành viên trong gia đình. Thiết bị y tế không chỉ giúp người bệnh đo cân nặng, chỉ số khối cơ thể BMI mà còn giúp bạn đo được cả tỷ lệ mỡ cơ thể, tỷ lệ đường máu, mức chuyển hóa cơ bản (BMR), mức mỡ nội tạng, tỷ lệ cơ xương… Các máy đều có tuổi thọ cao, cách sử dụng dễ dàng, đơn giản, lại rất nhanh chóng, hiện đại. Dễ làm nhưng cũng dễ sai nếu không biết cách sử dụng”.

Lưu ý khi sử dụng
Theo BS Đằng, mua máy chính hãng, có thương hiệu là một chuyện, nhưng sử dụng sao cho đúng lại càng khó. Không nên để “phủ rêu” mới mang ra sử dụng, hiện đại mấy cũng bị rệu rã nếu bị vứt xó. Người bệnh phải chú ý đến pin, xem pin còn hay hết, pin còn nhưng yếu cũng không đưa kết quả chuẩn xác được… Khi không sử dụng, mở ngăn pin và tháo pin để máy thực sự ngừng hoạt động và làm cho máy thoáng vì nếu không mở ngăn pin có thể pin sẽ chảy nước và ngấm vào mạch làm hỏng mạch và các linh kiện khác. Đối với các loại máy có sử dụng bộ kit thử đi kèm như máy đo tiểu đường, máy thử nước tiểu… thì trong điều kiện thời tiết nhiệt đới, bộ phận tách rời máy này rất dễ bị mốc nếu không sử dụng trong một thời gian dài. Người bệnh phải chú ý thỉnh thoảng đem ra sử dụng, hoặc có ý thức lau chùi khô ráo để chất lượng máy ổn định, có thể sử dụng lâu dài. Các máy y tế gia đình tốt nhất là sử dụng định kỳ, vừa theo dõi tình trạng sức khỏe đều đặn, vừa là cách để giữ gìn, bảo dưỡng máy không bị hỏng hóc.

Ngoài ra, theo BS. Đằng, có một số lưu ý khi sử dụng các thiết bị y tế tại nhà.
1. Với máy đo huyết áp, nên chọn loại đo ở bắp tay sẽ cho độ chính xác cao hơn do vị trí đo ảnh hưởng rất nhiều đến kết quả. Máy đo huyết áp bắp tay được cố định tốt hơn và vị trí này ngay tầm với tim, cho kết quả chính xác. Nếu sử dụng máy đo ở cổ tay, khi đo, cũng nên để tay ngang tầm tim.
2. Với máy đo đường huyết thì do đây là một xét nghiệm xâm lấn (đâm xuyên qua da) nên phải bảo đảm tuyệt đối vấn đề vệ sinh nơi trích máu trước và sau khi đo. Rửa sạch tay với nước ấm và xà phòng tiệt trùng rồi lau cho thật khô. Chỉ một chút xíu thức ăn, đường, nước dính trên ngón tay là kết quả đã sai đi. Mỗi máy có chỉ dẫn nơi chích máu riêng, vì thế cần chích kim ở nơi mà máy chỉ định.

thuychi
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn