Người phụ nữ đảm thường được thể hiện qua việc bếp núc, tề gia nội trợ
Nồi cơm vần trong bếp ngày xưa
Bà mẹ trong truyện ngắn Bài học quét nhà (của Nam Cao) đã mắng cô con gái mà bà cho là quá vụng khi lóng ngóng cầm cái chổi rồi quét “bước mốt, bước hai”, quét mãi không sạch. Theo bà, con gái lớn về nhà chồng mà thổi cơm chẳng chín, quét nhà chẳng nên là rất “đoảng”. Bà đã rút ra bài học làm dâu từ chính mình để răn dạy con gái. Nghe vậy, chắc nhiều chàng trai cô gái bây giờ bĩu môi. Tưởng gì chứ nấu cơm với quét nhà “dễ ợt”. Đang mải chơi, các cụ cứ để đấy, con làm vèo một cái là xong ngay ấy mà.
Nhưng khá nhiều nàng dâu nom rất mĩ miều, “te gái” ra phết mà lại “trượt” trong bài thi sát hạch này đấy. Bữa cơm đầu tiên do cô nấu, các cụ nhà chồng chưa chấm điểm chất lượng các món ăn vội (canh cua, rau xào, thịt kho, đậu rán,... có phải ai cũng quen nấu mọi món theo gia giảm mắm muối từng nhà quen ăn đâu). Xem nàng dâu làm, việc đầu tiên là bà mẹ chồng hăm hở vào bếp. Bà cời nhẹ lớp tro ủ trên vung nồi cơm (bằng đất nung), khẽ dùng đũa cả xới lên một lát mỏng. Cơm gạo mùa treo đầu chùa cũng chín. Nhưng cơm ngon là cơm phải chín tới, không khô, không nhã (nát), vừa lửa (non lửa cơm dễ sống, già lửa cơm dễ khê, dễ cháy). Ngày xưa, ở nông thôn người ta đun bằng rơm rạ là chính. Người nấu phải để lửa thật đều cho đến khi sôi. Sau đó, phải giảm dần lửa đi hoặc dập tạm đi một lúc. Cơm sôi bớt lửa một đời không khê. Củi rạ cháy thành than phải dùng que cời dập tạm sang bên, giữ cho đượm để vần chờ cơm chín. Vần phải khéo tay vì bụi than rất có thể rơi vào phía trên nồi cơm. Nom mất cảm tình.
Chà, nói sơ sơ thế thôi mà cũng thấy nhiêu khê quá ta. Nhưng ôi dào, đó là cái thời “ông bô bà khốt” còn lạc hậu... Chứ bây giờ thì...
Còn bây giờ? Cũng chẳng dễ đâu
Bây giờ thì hiện đại quá rồi. Nồi cơm điện của Thái, của Tàu, của Nhật Bổn chính hiệu tràn ngập khắp nơi. Ngay cả ở nông thôn cũng ối nhà vứt bỏ các loại “đồ cổ” như niêu mốt, niêu hai, nồi ba, nồi sáu, nồi mười... (bằng đồng chứ không thèm dùng nồi đất) vào “viện bảo tàng”. Nồi cơm điện tiện đủ điều. Đổ nước, vo gạo, cắm điện, bật phím... Xong. Cứ việc ngồi chơi bài, xem tivi, lướt web, vào “phây” chit chat… cho đã. Ngẩng đầu lên là cơm đã chín lúc nào không hay.
Lại còn có nồi cơm điện nấu tự động theo “chương trình” nữa nhé. Đặt chế độ nấu thoải mái: hẹn giờ, ủ nóng, gạn nước đọng... máy đều làm được tất. Các “cậu ấm cô chiêu” cứ tập trung vào việc học, việc chơi, giải trí... Lo gì chuyện ấy mà lo!
Nhưng bạn đừng quá ỷ lại vào kỹ thuật. Có cơm chín thì dễ chứ có cơm ngon “vừa miệng” người ăn “sành điệu” thì không dễ đâu. Gạo vo sớm, ngâm nước nhiều, nấu và ủ quá lâu cũng dễ ải, nhạt cơm, lại nồng, kém hương vị. Người nội trợ khéo bao giờ cũng biết “căn” thời gian nấu cơm phù hợp với việc nấu các món ăn. Sao cho dọn mâm bát ra, nồi cơm cũng toả hương thơm của tô cơm dẻo, tơi đều, hấp dẫn... Có được điều này, dĩ nhiên bạn phải chịu khó vào bếp và để mắt theo dõi nhiều lần. Vài lần trục trặc, kém ngon... là bạn có thể điều chỉnh sao cho thích hợp thôi mà.
Nhưng qua câu thành ngữ Thổi cơm chẳng chín, quét nhà chẳng nên, ông cha ta còn muốn nhắn gửi một “thông điệp” sâu xa hơn: Mỗi một người (nhất là phụ nữ) đều phải học làm những việc, dù là nhỏ nhất thật tốt mới xứng đáng là người giỏi giang trong công việc “tề gia nội trợ”. Cùng với việc nấu cơm, quét nhà là việc bố trí, thu xếp mọi thứ trong gia đình gọn gàng, ngăn nắp, hợp lý và hợp thẩm mỹ. Tiếp khách, đâu cứ phải cứ mâm cao cỗ đầy là “oách”? Chỉ bằng các món ăn đơn sơ, giản dị, nhưng khéo nấu nướng hợp khẩu vị, lại bày biện đẹp mắt, hấp dẫn, thái độ đón tiếp niềm nở, thịnh tình thì khách nào cũng vừa lòng, ưng ý. Chính sự khéo léo đó làm nên cái đẹp và cái duyên của bạn. Do vậy, ngày xưa khi kén con dâu, thường bao giờ các cụ cũng ưu tiên chọn cái “nết” trước. Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm. Đẹp mã cũng tốt, dáng xinh cũng hay, nhưng người đời có ai bẻ cái xinh ra mà ăn đâu? Cái nết đánh chết cái đẹp mà.
Phương tiện hiện đại quả là đã giúp ta rất nhiều. Nhưng bạn đừng vì thế mà ỷ lại. Phương tiện dù sao cuối cùng cũng chỉ là... phương tiện. Biết tận dụng chúng để biến thành các giá trị trong cuộc sống lại do khả năng (thậm chí tài năng) của bạn. Chẳng cần vào bếp với những người nổi tiếng, chỉ cần ở ngay trong bếp của ngôi nhà thân thuộc, các cô gái trẻ cũng có thể trổ tài nữ công gia chánh của mình. Chỉ cần thao tác một bữa ăn đơn giản, có khi bạn đã có thể làm xiêu lòng bà mẹ chồng tương lai (vốn khó tính) trong buổi ra mắt đầu tiên đấy. Nồi cơm ngon thành con dâu thảo.
Bình luận của bạn