Người tiêu dùng cần được cung cấp thông tin an toàn
thực phẩm đầy đủ, rõ ràng và chính xác
- Ảnh: Khả Hòa
Theo ông Trần Quang Trung, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế, đa phần sự cố xảy ra ở vùng nông thôn, ngoại thành nhưng thông tin đến với báo chí rất nhanh. Có thể thấy rằng, người có sự cố trong tay chủ động tiếp cận với báo chí, tận dụng tính nhanh nhạy, sự vô tư của báo chí để làm bùng lên sự cố. Tuy nhiên, Cục An toàn Thực phẩm cũng đã nghi ngại về một số tình huống tung tin đồn thất thiệt, có dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh, gây ảnh hưởng đến uy tín của nhà sản xuất.
Quyền lợi cao nhất phải thuộc về người tiêu dùng nhưng đồng thời cũng cần bảo vệ các sản phẩm có chất lượng và uy tín. Theo Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công thương, doanh nghiệp có hành vi gián tiếp đưa thông tin không trung thực, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác sẽ bị phạt tiền từ 5 triệu đến 10 triệu đồng. Chế tài xử lý này dường như quá "nhẹ nhàng" so với những thiệt hại mà một doanh nghiệp có thể gánh khi đối mặt với tin đồn thất thiệt từ đối thủ cạnh tranh không lành mạnh.
Mới đây nhất là thông tin thất thiệt về "sinh vật lạ" trong sản phẩm mì tôm nhãn hiệu 3 Miền tại gia đình bà Nguyễn Thị Xuân ở thôn Đông Đoài, xã Thạch Hạ, TP.Hà Tĩnh. Dù Cục An toàn thực phẩm đã khẳng định về thông tin vô căn cứ và không thể xảy ra này nhưng tin đồn thất thiệt về mì tôm thì hầu như năm nào cũng có. Dù vô tình hay cố ý thì cũng trực tiếp làm tổn thương đến thương hiệu của doanh nghiệp, đồng thời ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng. Chi cục An toàn thực phẩm đã phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Hà Tĩnh xác minh thông tin và lấy mẫu mì gửi Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia. Kết quả kiểm nghiệm của Viện không phát hiện sinh vật lạ, sản phẩm đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm theo quy định của Bộ Y tế. Chi cục An toàn thực phẩm Hà Tĩnh khẳng định "sinh vật lạ" được phát hiện trên nền nhà là sán dây có khả năng xuất phát từ chó, mèo… nuôi trong gia đình bà Xuân, được xâm nhập từ môi trường bên ngoài do sự bất cẩn trong quá trình gia đình sử dụng.
"Là cơ quan chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm, chúng tôi có thể khẳng định, sản phẩm sữa hay mì tôm được sản xuất theo quy trình khép kín, của công ty lớn có thương hiệu uy tín thì không có cơ hội nào cho bọ hay côn trùng sống được", ông Trung nhấn mạnh. Theo ông Trung, khi sự cố xảy ra, chưa biết đúng sai thì sản phẩm của doanh nghiệp đều bị ảnh hưởng. Đại lý, siêu thị trả hàng và người tiêu dùng thì ngừng sử dụng sản phẩm. "Sự cố xảy ra, hầu như chưa có cơ chế bảo vệ người bị thiệt hại. Cần có cơ quan điều tra làm rõ phía sau các thông tin sai lệch là vô tình hay có động cơ?", ông Trần Quang Trung nhận định.
Bà Đặng Thị Vân An, Phó cục trưởng Cục Báo chí - Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết hiện nay có tình trạng một số thành phần lợi dụng các trang mạng internet để gây hoang mang dư luận, thị trường, và không ai khác nạn nhân chính là doanh nghiệp và người tiêu dùng. "Đáng lên án là những tin đồn thất thiệt, sai sự thật. Những nguồn tin vô căn cứ như thế lại vô tình tác động mạnh đến lòng tin của dân chúng, khiến họ có những suy nghĩ sai lệch về sản phẩm, thậm chí hoang mang… dù sản phẩm đó đang thực sự đảm bảo chất lượng và có uy tín".
Như vậy, trước tiên để tự bảo vệ quyền được lựa chọn của chính mình, người tiêu dùng cần tỉnh
táo, chờ thông tin chính thức, minh bạch từ cơ quan chức năng, tránh bị dao động bởi những tin đồn
thất thiệt khiến bị hoang mang về tâm lý dẫn đến ảnh hưởng cả thể chất (lo lắng, bất an) và cuộc
sống (thay đổi khẩu vị, cách sống...).
Bình luận của bạn