Cần tăng cường giám sát chất lượng và nguồn gốc dược liệu nhập khẩu vào Việt Nam
Liên tục phát hiện dược liệu "rởm"!
Khuyến khích nuôi trồng dược liệu cho ngành y học cổ truyền
60% mẫu dược liệu không đạt chất lượng
Tràn dược liệu nhập từ Trung Quốc
Thông tin đáng báo động tại Hội nghị Tăng cường kiểm soát chất lượng và nguồn gốc dược liệu tổ chức ngày 14/9 chính là cho đến nay, Cục quản lý Y, Dược cổ truyền chỉ mới cấp phép cho khoảng 1.400 tấn dược liệu có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng được nhập khẩu về Việt Nam. Điều này cho thấy tình hình dược liệu vận chuyển lậu đang diễn biến rất phức tạp và chiếm phần lớn thị trường dược liệu ở nước ta.
Giải thích về thực trạng này, TS Phạm Vũ Khánh – Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền cho rằng, tình trạng nhập khẩu theo con đường tiểu ngạch đang bị thả nổi, việc dược liệu được thông quan qua các cửa khẩu còn rất nhiều tồn tại, chẳng hạn như do dược liệu không có bao bì, nhãn mác theo đúng quy định, phần lớn được đóng gói trong bao dứa, thùng giấy, không kiểm tra được cụ thể các mặt hàng. Dược liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, lưu hành trôi nổi trên thị trường nông sản, không đảm bảo chất lượng để làm thuốc.
Hội nghị Tăng cường kiểm soát chất lượng và nguồn gốc dược liệu tổ chức ngày 14/9
Tại các cửa khẩu, cán bộ kiểm tra chỉ được kiểm tra về số lượng, trọng lượng các bao hàng, không kiểm tra được chất lượng của các dược liệu, trong khi đó trong quá trình kiểm tra chất lượng dược liệu lưu hành trên thị trường thì phần lớn dược liệu nhập vào Việt Nam đa phần là kém chất lượng, hoặc đã bị chiết xuất một phần hoạt chất.
Báo cáo của Ban chỉ đạo 389 Bộ Y tế cũng liên tục phát hiện hoàng loạt vụ vận chuyển và tàng trữ dược liệu không có hóa đơn mua hàng và nguồn gốc xuất xứ cụ thể. Tuy nhiên các lực lượng chức năng cũng chỉ mới phát hiện và xử lý được các vụ việc khi các đối tượng đã tuồn được hàng "rởm" vào Việt Nam.
Trước thực trạng trên, Cục Quản lý y, Dược cổ truyền đề xuất, ngành Y tế cần xây dựng cơ chế chính sách kinh tế hỗ trợ cho dược liệu sản xuất trong nước phát triển (bao gồm: Dược liệu trồng trong nước, dược liệu khai thác hợp pháp, dược liệu khai thác kết hợp bảo tồn bền vững...).
Đồng thời, ngành cũng tăng cường kiểm tra các dược liệu được nhập vào Việt Nam, trong đó quy định dược liệu nhập khẩu về Việt Nam phải chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ, có giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa của từng đợt nhập dược liệu. Bên cạnh đó, cần đầu tư vào công tác kiểm nghiệm dược liệu để xác định chất lượng của các loại dược nhập khẩu vào Việt Nam.
Bình luận của bạn