Thực phẩm chức năng: Hiểu đúng để dùng đúng


Theo PGS.TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam (VAFF), để khắc phục tình trạng này, cần đẩy mạnh tuyên truyền để cộng đồng hiểu đúng, dùng đúng TPC.

Thế nào là hiểu đúng, dùng đúng TPCN?

Theo PGS.TS Trần Đáng, Hiểu đúng – Làm đúng – Dùng đúng TPCN là phương châm cốt lõi để phát triển ngành TPCN trở thành ngành kinh tế - y tế ở nước ta hiện nay. Hiểu đúng là hiểu được định nghĩa, phân loại, phân biệt và tác dụng của TPCN. Làm đúng là sản xuất, kinh doanh, công bố và quảng cáo và quản lý phải đúng. Dùng đúng là đúng đối tượng, liều lượng, thời gian và cách dùng.


PGS.TS Trần Đáng - Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam

Con người đã sử dụng các thành phần tích cực trong TPCN từ hàng ngàn năm nay để hỗ trợ sức khỏe và phòng trị bệnh, chữa nhiễm trùng, hạ sốt, làm lành vết thương. Các loại thảo dược cũng có thể trị táo bón, giảm đau, hoặc hoạt động như chất tạo thư giãn hoặc gây kích thích. Nghiên cứu một số loại thảo mộc và sản phẩm thực vật cho thấy một số tác dụng tương tự các loại thuốc thông thường, tuy nhiên có những thứ có thể không có tác dụng hoặc thậm chí có hại. Một số sản phẩm tự nhiên có lợi, ví dụ, các acid béo omega-3 có thể giúp hạ mức triglyceride.

Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), cơ quan quản lý nhà nước về TPCN, TPCN không được công bố là có thể chẩn đoán, chữa bệnh, điều trị hoặc ngăn ngừa bệnh, nhưng được nói TPCN góp phần duy trì sức khỏe và hạnh phúc. Việc quản lý TPCN cũng khác với quản lý thuốc. Một sản phẩm TPCN có thể bán mà không có nghiên cứu về cách nó hoạt động hay tác động đến cơ thể, cơ chế gây bệnh. Ví dụ, tại Mỹ, có khoảng 55.000 sản phẩm TPCN được bày bán những chỉ có khoảnh 0,3% được nghiên cứu, đánh giá hiệu quả và tác dụng phụ có thể trên người. Tuy nhiên, có đến 70% người Mỹ dùng TPCN hàng ngày. Mỗi năm, ước tính, người dân của quốc gia này chi khoảng 32 tỷ USD cho TPCN, với đa dạng các sản phẩm khác nhau, từ phòng ngừa cảm cúm thông thường đến phòng ngừa và hỗ trợ điều trị các bệnh mạn tính không lây nhiễm.

Tại Việt Nam, trong vòng 10 năm trở lại đây, TPCN có bước phát triển mạnh mẽ với hàng nghìn sản phẩm được bày bán trên thị trưởng, bao gồm cả sản phẩm nhập khẩu đến các sản phẩm được nghiên cứu và sản xuất trong nước. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, rất ít người Việt – cả những người đã sử dụng và chưa sử dụng TPCN – hiểu đúng về sản phẩm hữu ích này.

Theo PGS.TS Trần Đáng, thực tế hiện nay cho thấy, TPCN đang bị quảng cáo, giới thiệu, tư vấn theo chiều hướng “nói vống, nói quá” khiến nhiều người chưa thực sự hiểu về tác dụng, công dụng của TPCN. Không hiếm người lầm tưởng rằng TPCN có tác dụng như thuốc và có thể thay thế thuốc trong quá trình điều trị bệnh, khiến tình trạng bệnh diễn tiến nặng, điều trị khó khăn, thậm chí gây tử vong. Cũng chính vì thế, hiện nay có hai chiều hướng trái ngược: Một là tin tưởng một cách thái quá, biến TPCN thành “thần dược” và khiến cộng đồng hiểu sai về TPCN; Chiều hướng còn lại là tẩy chay, “nói không” một cách tuyệt đối với TPCN khiến nhiều người bỏ lỡ cơ hội phòng ngừa và hỗ trợ điều trị bệnh cho mình.

Trong khi đó, không hiếm chuyên gia khẳng định rằng, nền tảng vững chắc cho sự phát triển của ngành TPCN ở Việt Nam là hiểu biết của người dân. Người dân có hiểu thì họ mới dùng đúng sản phẩm, nâng cao sức khỏe cho mình và toàn xã hội. Người dân có hiểu về TPCN thì mới dẹp bỏ được những kỳ thị và giúp cơ quan quản lý làm tốt vai trò của mình.

Nâng cao vai trò của tuyền thông

"Chúng tôi rất mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ các cơ quan truyền thông, để làm sao phổ biến, tuyên truyền đầy đủ thông tin cho cộng đồng. Người dân phải ngừng hiểu lầm TPCN là thuốc điều trị, đồng thời dùng đúng mục đích khi cần hỗ trợ sức đề kháng, nâng cao sức khỏe, hỗ trợ điều trị… Tôi cho rằng việc chủ động dự phòng, tránh mắc bệnh cũng là một hình thức giảm tải cho ngành y tế".

TS. Nguyễn Thanh Phong – Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế

Cũng theo PGS.TS Trần Đáng, để giúp cộng đồng có thể hiểu đúng, dùng đúng TPCN, giải pháp trung tâm, cơ bản, phải đi trước mọi hoạt động đó là giáo dục truyền thông. Trong công tác giáo dục truyền thông, phải xác định được cách tiếp cận và đối tượng truyền thông, xây dựng các thông điệp truyền thông phù hợp và phát huy được các kênh truyền thông. “Trong những năm qua, VAFF đã xây dựng kế hoạch cho kênh truyền thông trực tiếp rất cụ thể. Trung bình mỗi năm đã tổ chức 50 lớp Tập huấn, 100 buổi Hội thảo về lĩnh vực TPCN. Ngoài ra còn tổ chức đào tạo bộ môn TPCN ở một số trường y dược, đào tạo cấp chứng chỉ cho các tuyên truyền viên về TPCN. Đối với kênh truyền thông đại chúng, VAFF đã tổ chức 2 lớp Tập huấn cho các phóng viên báo chí về TPCN, phối hợp với cơ quan phát thanh, truyền hình tổ chức các chương trình chuyên ngành TPCN”, PGS.TS Trần Đáng nhấn mạnh.

Trong Chiến lược Phát triển ngành TPCN giai đoạn 2014 – 2020, tầm nhìn 2030 cũng nhấn mạnh vai trò của giáo dục truyền thông trong việc phát triển ngành TPCN. Hiện nay, trên website của VAFF đã cho đăng tải 32 bài giảng về TPCN như: Thực phẩm chức năng là gì, phân loại, phân biệt, tác dụng, TPCN với bệnh tim mạch, đái tháo đường, ung thư, miễn dịch…

“VAFF cũng đã phối hợp với Cục ATTP (Bộ Y tế), Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), Viện Dinh dưỡng Quốc gia, Trung tâm thông tin Ban Tuyên giáo TW, Cục Y tế Bộ Công an và các Hội như Tổng hội Y học Việt Nam, Hội Thần kinh, Hội Nội tiết và Đái tháo đường… tổ chức các chương trình giáo dục truyền thông, các Hội thảo chuyên ngành về các lĩnh vực của TPCN. VAFF cũng phối hợp cùng Hội Phật giáo Việt Nam tổ chức các chương trình chăm sóc sức khỏe chủ động, đào tạo tuyên truyền cho các tín đồ, tăng ni, phật tử hiểu đúng về TPCN, biết cách trồng các loại dược thảo TPCN và hướng dẫn cho nhân dân quanh chùa sử dụng TPCN”, PGS.TS Trần Đáng chia sẻ thêm.

Để giúp cho người tiêu dùng biết cách dùng đúng TPCN, VAFF đã có hướng dẫn 5 bước sử dụng TPCN: Đánh giá tình trạng sức khỏe - Xác định mục tiêu sử dụng - Lựa chọn sản phẩm thích hợp - Sử dụng đúng hướng dẫn của Nhà sản xuất hoặc tư vấn của chuyên gia - Đánh giá hiệu quả.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Trần Đáng, không phải tất cả TPCN đều an toàn. Như các loại thuốc thông thường, TPCN có thể gây tác dụng phụ, gây dị ứng, tương tác với thuốc kê toa và thuốc không kê toa hoặc TPCN khác được uống. Hãy luôn tham vấn bác sỹ điều trị về TPCN trước khi sử dụng hoặc khi muốn dùng TPCN kết hợp với một liệu pháp thông thường.


linhly
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Kinh doanh - Tiêu dùng