Thực phẩm Việt Nam: Nỗ lực vào chợ ASEAN


Ảnh minh họa
Mở rộng thị trường

Trong chiến lược phát triển đến năm 2020, Vissan đặt mục tiêu trở thành nhà sản xuất, chế biến, phân phối thực phẩm lớn nhất cả nước với chuỗi sản phẩm đa dạng và xuất khẩu sang các nước trong khu vực. Ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Công ty Vissan, cho biết, Công ty đang từng bước chinh phục thị trường Campuchia và tiếp cận thị trường mới Myanmar.

Theo nghiên cứu của Vissan, người tiêu dùng Campuchia đang chuyển hướng sang dùng sản phẩm Việt Nam thay cho hàng Thái. Trước đây, các mặt hàng thực phẩm chế biến, bánh kẹo tràn ngập nước này là hàng Thái Lan nhưng nay, tỷ lệ hàng Thái và hàng Việt tại nước này tương đương nhau.

Riêng về hàng của Vissan, người tiêu dùng đất nước chùa tháp biết rất rõ về thương hiệu cũng như sản phẩm của Công ty. Chẳng hạn, mặt hàng xúc xích HOLA đạt 90% độ nhận diện thương hiệu và hài lòng của người tiêu dùng nước này. Không chỉ thế, có đến 80% người tiêu dùng trả lời sẽ mua về dùng thử những sản phẩm khác của Công ty.

Trước nhu cầu của người tiêu dùng, tháng 8/2012, Vissan đã thành lập Văn phòng đại diện tại Phnôm Pênh và ký kết hợp tác với nhà phân phối Ung Gech (Campuchia).

Khi thị trường Campuchia đang tiến triển, Vissan tiếp tục xúc tiến sang Myanmar. Ông Mười cho rằng, tuy là thị trường mới mở cửa, còn nhiều rào cản về cách thức kinh doanh nhưng người tiêu dùng nước này rất ủng hộ hàng của Việt Nam.

Trong khi, nhà đầu tư nước ngoài chưa được phép kinh doanh tại Myanmar nên năm 2013, Vissan đã liên kết với CT Group làm nhà phân phối độc quyền các sản phẩm của Công ty tại nước này. Thời gian đầu, Vissan đưa qua những sản phẩm đồ hộp vốn là thế mạnh của Công ty, phù hợp với thị hiếu tiêu dùng của người Myanmar.

Trước khi quyết định đưa mặt hàng nào, Công ty đã đào tạo, tuyển chọn lực lượng lao động có tay nghề cao, kinh nghiệm và kiến thức để qua Myanmar tìm hiểu thị trường, đánh giá xu hướng, tiềm năng phát triển của thị trường.

Năm qua, Công ty Tân Quang Minh (Bidrico) đã xuất 5 container nước giải khát sang Myanmar. Ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng giám đốc Công ty Tân Quang Minh cho biết, đây là kết quả của 3 lần tham gia hội chợ giới thiệu sản phẩm tại Myanmar.

Theo nghiên cứu của CT Group, đơn vị có hệ thống phân phối khá mạnh (có ở tất cả các kênh: siêu thị, chợ, cửa hàng tạp hóa tại Myanmar), cho thấy, hiện có 25 mặt hàng Việt Nam đang bán khá chạy tại đây.

Trong đó, mì gói, nui, thực phẩm chế biến, bánh kẹo, trà, cà phê... của Việt Nam rất được ưa thích. Để đẩy mạnh việc tiêu thụ hàng Việt tại đây, CT Group đang xây dựng một trung tâm thương mại Yangon.

Tranh thủ ASEAN+3

Bên cạnh Cộng đồng Kinh tế ASEAN, Việt Nam còn ký kết nhiều hiệp định với các nước khu vực châu Á. Trong đó, Diễn đàn ASEAN+3 (gồm 10 thành viên ASEAN và Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản) đã và đang mang lại nhiều lợi thế cho các DN trong nước.

Không chỉ thâm nhập thị trường các nước ASEAN, nhiều loại thực phẩm Việt cũng lần lượt đến thị trường các nước "bên ngoài" ASEAN. Ngoài hai ngành hàng dệt may và da giày đang là thế mạnh của Việt Nam, tại Nhật Bản, thực phẩm cũng là lợi thế cạnh tranh của DN Việt. Ở lĩnh vực thủy hải sản chế biến, đặc biệt là món Shushi, Sài Gòn Food là thương hiệu được nhắc đến nhiều nhất.

Mỗi năm, Sài Gòn Food xuất sang Nhật 5.000 tấn hàng sơ chế từ cá sapa, tôm, cá hồi, cá đỏ... Nhu cầu về mặt hàng này đang lên mạnh và hiện tại 5 dây chuyền sản xuất của Công ty đang chạy hết công suất nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu.

Số liệu của Viện Chiến lược chính sách công nghiệp, năm 2012, ngành kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam xuất khẩu đạt 100 triệu USD. Mục tiêu đến năm 2020, tăng trưởng xuất khẩu của ngành đạt trên 14%, trong đó, bánh kẹo đạt 18%, bột ngọt đạt trên 16%... và dự kiến, đến năm 2030, toàn ngành sẽ xuất khẩu được khoảng 1 tỷ USD.

Trước đây, tại Nhật, ngành hàng này chiếm phần lớn là hàng đến từ Trung Quốc và Thái Lan nhưng nay, lợi thế cạnh tranh về giá rẻ của Trung Quốc không còn. Trong khi đó, tình hình chính trị Thái Lan bất ổn khiến nhà nhập khẩu chuyển hướng sang Việt Nam.

Hiện nay, không chỉ có Sài Gòn Food mà tại TP.HCM và Vũng Tàu có 10 công ty lớn chuyên về mặt hàng này.

Cùng với thị trường Nhật, Hàn Quốc là nước có nhu cầu tiêu thụ mạnh thực phẩm chế biến của Việt Nam. Theo thống kê của Bộ Công Thương, 10 tháng đầu năm 2013, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Hàn Quốc đạt 5,49 tỷ USD, trong đó, hàng nông sản thực phẩm chiếm hơn 10% tổng kim ngạch xuất khẩu. Các mặt hàng của Việt Nam xuất sang Hàn Quốc chủ yếu là thủy sản, rau quả chế biến, bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc...

Cuối tháng 12/2013, trong chương trình giao thương "Tiếp cận thị trường thực phẩm Hàn Quốc", Tập đoàn CJ Cheiljedang (một tập đoàn lớn trong lĩnh vực thực phẩm, truyền thông giải trí và dược phẩm của Hàn Quốc), cho biết, đang đẩy mạnh thu mua mì gói, thực phẩm đóng gói, thủy sản chế biến, dầu ăn, tinh bột... để xuất khẩu vào Hàn Quốc.

Chỉ riêng trong lĩnh vực thực phẩm, tập đoàn này đã đạt hơn 10 tỷ USD. Tổng thư ký Trung tâm ASEAN - Hàn Quốc (AKC) cũng từng cho rằng, ngành công nghiệp chế biến thực phẩm Việt Nam dự báo là sẽ có sự tăng trưởng vượt bậc do nguồn tài nguyên phong phú, sự phát triển của các kênh phân phối hiện đại, chất lượng cuộc sống được cải thiện nên người dân đang có xu hướng đi ăn tại các nhà hàng.
linhly
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Kinh doanh - Tiêu dùng