Quyết liệt xử lý vi phạm, lành mạnh hóa thị trường thực phẩm chức năng

Thực phẩm chức năng được sản xuất trong nhà máy đạt chuẩn GMP.

Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp chống thuốc giả, thuốc kém chất lượng

Phanh phui đường dây sản xuất hơn 100 tấn thực phẩm chức năng giả

Hết sữa giả, lại đến thực phẩm chức năng giả dành cho trẻ em

Thực phẩm chức năng “giải độc gan”: Hiểu đúng để dùng đúng!

Theo DS. Nguyễn Xuân Hoàng, việc cơ quan chức năng liên tiếp phát hiện và triệt phá các đường dây sản xuất, tiêu thụ TPCN giả trên cả nước không phải là dấu hiệu khủng hoảng của ngành. Ông cho rằng đây là hành vi lợi dụng kẽ hở pháp luật, sự buông lỏng quản lý và sự tha hóa của một bộ phận cán bộ để trục lợi bất chính. VAFF kịch liệt lên án những hành vi này và coi đây là cơ hội để ngành TPCN tự thanh lọc, loại bỏ các doanh nghiệp làm ăn gian dối, đồng thời khẳng định vai trò quan trọng của TPCN trong việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng và lấy lại niềm tin của người tiêu dùng.

DS. Hoàng cũng nhấn mạnh sự phát triển nhanh chóng của ngành TPCN xuất phát từ những lợi ích khoa học đã được chứng minh trong việc hỗ trợ bảo vệ sức khỏe, phòng chống bệnh tật và đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. TPCN có khả năng phòng ngừa bệnh, trì hoãn khởi phát bệnh và hỗ trợ điều trị các bệnh mạn tính.

Đề cập đến quy mô thị trường, DS. Nguyễn Xuân Hoàng cho biết thị trường TPCN toàn cầu dự kiến đạt 371 tỷ USD vào năm 2025 và có thể lên tới gần 700 tỷ USD vào năm 2034. Việt Nam cũng chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của ngành trong 10 năm qua, với hơn 3.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh TPCN và hơn 12.000 sản phẩm đang lưu hành, trong đó phần lớn là sản phẩm nội địa. Ông khẳng định, những vụ việc vi phạm vừa qua chỉ là những trường hợp cá biệt, tuy nhiên đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của toàn ngành. Ông hoan nghênh sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Đảng và Chính phủ trong việc tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm để bảo vệ thị trường và quyền lợi người tiêu dùng.

Dược sỹ (DS.) Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam (VAFF).

Dược sỹ (DS.) Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam (VAFF).

Về tình trạng quảng cáo sai sự thật, thổi phồng công dụng của TPCN, thậm chí sử dụng hình ảnh người nổi tiếng để tạo lòng tin, DS. Hoàng cho rằng đây là vấn đề khó tránh khỏi trong môi trường kinh doanh cạnh tranh. Để giải quyết tình trạng này, cần nâng cao ý thức trách nhiệm của người bán hàng, người làm quảng cáo, đặt lợi ích cộng đồng lên trên lợi nhuận. Đồng thời, cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm soát và xử phạt nghiêm các quảng cáo sai phép trên mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử.

Để lấy lại niềm tin của người tiêu dùng, VAFF xác định truyền thông đóng vai trò then chốt. Hằng năm, Hiệp hội tổ chức các buổi gặp gỡ, đào tạo, truyền thông về vai trò và lợi ích của TPCN cho cộng đồng, bao gồm cả giới báo chí. Trong thời gian tới, Hiệp hội sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan báo chí đẩy mạnh truyền thông "3 đúng" về TPCN: hiểu đúng về chức năng, công dụng; dùng đúng đối tượng, liều lượng, thời gian, cách dùng; và sản xuất, kinh doanh, công bố, quảng cáo đúng theo quy định của pháp luật. Năm 2024, Hiệp hội đã ban hành Quy chế Đạo đức trong quảng cáo TPCN và chưa ghi nhận trường hợp hội viên nào vi phạm sau hơn một năm triển khai.

Về phía doanh nghiệp sản xuất, DS. Hoàng nhấn mạnh tầm quan trọng của tư duy "làm giàu cho đất nước, cho cộng đồng trước khi làm giàu cho bản thân". Bên cạnh việc tuân thủ Thực hành tốt sản xuất (GMP), các doanh nghiệp cần có trách nhiệm với xã hội thông qua các hoạt động bảo vệ môi trường, phát triển giáo dục và văn hóa xã hội. Ông cũng khẳng định GMP không chỉ là tiêu chuẩn bắt buộc mà còn là công cụ để doanh nghiệp chứng minh chất lượng sản xuất với cộng đồng và cơ quan quản lý.

Liên quan đến công tác quản lý, DS. Nguyễn Xuân Hoàng cho rằng cơ quan quản lý cần thay đổi tư duy, hướng tới hậu kiểm nhưng phải đi kèm với hệ thống chế tài và tiêu chuẩn phù hợp, đủ mạnh để xử lý nghiêm các vi phạm, bao gồm cả phạt tiền và truy cứu trách nhiệm hình sự. Ông cũng đề xuất cần tăng cường tuyên truyền để người tiêu dùng trở thành một mắt xích quan trọng trong việc giám sát thị trường, đồng thời cần có sự minh bạch về thông tin sản phẩm, tiêu chuẩn và quy chuẩn. Cơ quan quản lý cần công bố danh sách các đơn vị kiểm nghiệm uy tín, công khai thông tin sản phẩm trên website và đảm bảo sự liên thông dữ liệu giữa các cấp quản lý.

Cuối cùng, DS. Nguyễn Xuân Hoàng đưa ra lời khuyên cho người tiêu dùng khi sử dụng TPCN là cần xác định rõ nhu cầu, lựa chọn sản phẩm phù hợp, nhà cung cấp uy tín và sử dụng đúng theo hướng dẫn. Việc tham vấn bác sĩ điều trị cũng rất quan trọng để tránh tương tác không mong muốn với các loại thuốc đang sử dụng.

 
Việt An (Theo cand.com)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Kinh doanh - Tiêu dùng