Là một điệu hát đã tồn tại hơn 2.000 năm, hát xoan gắn liền với đời sống của người dân Phú Thọ. Mặc dù cũng đã có những giai đoạn hát xoan gần như bị lãng quên, chỉ còn rất ít lớp nghệ nhân lớn tuổi yêu tha thiết điệu hát này âm thầm gìn giữ.
Kể từ khi được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, hát xoan mới được nhiều người biết đến hơn, mức độ phổ biến cũng đang ngày càng được mở rộng. Vì thế, nếu như có dịp về vùng đất tổ Phú Thọ ngày hôm nay, bên cạnh việc tham quan và dâng hương các vua Hùng tại di tích đền Hùng, du khách nên dành ra chút thời gian lắng nghe giai điệu mượt mà của điệu hát xoan.
Người dân Phú Thọ gọi hát xoan là “khúc môn đình” (hát cửa đình), là lối hát thờ thần, tương truyền có từ thời các vua Hùng. Xa xưa, người Văn Lang tổ chức các cuộc hát xoan vào mùa xuân để đón chào năm mới.
Có 3 hình thức hát xoan: hát thờ cúng các vua Hùng và thành hoàng làng; hát nghi lễ cầu mùa tốt tươi, cầu sức khỏe; và hát lễ hội là hình thức để nam nữ giao duyên. Các làn điệu xoan cổ đều được bắt nguồn từ những làng cổ nằm ở địa bàn trung tâm bộ Văn Lang thời các vua Hùng dựng nước. Gốc của hát xoan ở vùng Phú Thọ, sau đó lan tỏa tới các làng quê thuộc đôi bờ sông Lô, sông Hồng, qua cả tỉnh Vĩnh Phúc.
Hát xoan gồm đầy đủ các dạng thức nhạc hát: hát nói, hát ngâm, ngâm thơ và ca khúc; có đồng ca nữ, đồng ca nam, tốp ca, đối ca, hát đa thanh, hát đuổi, hát đan xen, hát có lĩnh xướng và hát đối đáp. Về sắc thái âm nhạc, nhạc xoan vừa có những giọng nghiêm trang, thong thả vừa có những điệu dồn đuổi khỏe mạnh, lại có những giọng duyên dáng, trữ tình.
Điểm hấp dẫn và lôi cuốn của nghệ thuật hát xoan đó là hát và múa luôn luôn đi cùng với nhau. Tùy từng lời hát sẽ có những điệu múa minh họa theo đúng nội dung và lời ca. Mặc dù khác nhau về nội dung nhưng các tiết mục hát múa luôn được tổ chức theo thứ tự nhất định.
Mở đầu là 4 tiết mục có tính nghi thức, mang nội dung khấn nguyện, chúc tụng, xen mô tả sản xuất. Đây là những bài ca cổ, chủ yếu hát nói hoặc ngâm ngợi; theo thứ tự: giáo trống, giáo pháo, thơ nhang, đóng đám. Tiếp theo là phần hát cách (còn gọi là quả cách). Trong phần này, ông Trùm hoặc một kép chính giở sách ngân nga 14 bài thơ nôm dài với giọng phụ họa của các cô đào đứng ở phía sau. Mười bốn quả cách trong hát xoan là những áng thơ khuyết danh với các đề tài khác nhau như: mô tả lao động, sinh hoạt ở nông thôn, ca ngợi cảnh vật thiên nhiên, kể các tích chuyện xưa. Sau phần hát cách đến các tiết mục có tính chất dân gian với nội dung đậm nét trữ tình, mang dáng dấp của các bài dân ca, ví giao duyên, hát trống quân. Mỗi tiết mục nối tiếp nhau ở đây thường gắn với những động tác và đội hình múa, hoặc lối diễn mang tính chất hoạt cảnh như: hát gái, bỏ bộ, xin huê, đố huê, đố chữ, gài huê, hát đúm, đánh cá...
Hát xoan thường được biểu diễn vào những dịp lễ, tết, lễ hội quan trọng của làng, của tỉnh. Đặc biệt cứ vào mùa xuân về Phú Thọ đi đâu cũng được nghe hát xoan bởi các phường xoan thường tổ chức hát khai xuân tại cửa đình, cửa miếu. Nhiều năm gần đây, trong mỗi dịp lễ hội đền Hùng luôn luôn có biểu diễn hát xoan bởi nghi lễ thờ cúng Hùng Vương và nghệ thuật hát xoan có mối liên hệ qua lại với nhau. Bên cạnh đó, vào mỗi dịp lễ hội đền Hùng, số lượng khách thập phương tìm về vùng đất tổ dâng hương rất lớn, do đó đây là cơ hội để tỉnh Phú Thọ phổ biến, quảng bá nghệ thuât độc đáo này.
Tuy chưa có những phường diễn xướng được tổ chức định kỳ phục vụ khách tham quan, du lịch nhưng có lẽ trong một tương lai không xa, tỉnh Phú Thọ sẽ phát triển dịch vụ này để góp phần bảo tồn, phát huy giá trị của di sản hát xoan.
Bình luận của bạn