Thịt nội lấy gì để cạnh tranh với thịt ngoại nhập giá rẻ?
Dân bắt đầu "chê" thịt ngoại
Thịt nhập khẩu giá rẻ: Ăn vào để chết từ từ?
Phát hoảng với kho chứa thịt ngoại trôi nổi
Thịt ngoại: Người chào đón, kẻ ỉ ôi
Trước đây khi cần mua thịt bò Australia hay gà Mỹ thì nhiều bà nội trợ phải tới siêu thị. Thế nhưng, giờ đây khi nhiều loại thịt ngoại nhập khẩu về có giá còn rẻ hơn thịt nội khiến nhiều người chỉ cần ra chợ hoặc đặt hàng online là có ngay.
Lý giải về thịt ngoại có giá rẻ, nhiều đơn vị hiện đang bán thịt ngoại nhập cho biết, một số mặt hàng thường là phụ phẩm ở nước ngoài nhưng về Việt Nam lại thành hàng được ưa chuộng. Bên cạnh đó, dây chuyền sản xuất, công nghệ chăn nuôi, tiên tiến của nước bạn tân tiến hơn. Ngoài ra, khi TPP (Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương) có hiệu lực, thuế nhập khẩu giảm dần về 0%, thị trường được mở rộng thì lúc đó thịt ngoại có giá còn rẻ hơn và quy mô hơn.
Thêm vào đó, trước những nguy hại về thực phẩm bẩn của các loại thịt trong nước, nhiều loại gia cầm, gia súc đang bị đầu độc từ thức ăn chăn nuôi khiến cho nhiều người tiêu dùng xính hàng ngoại hơn, vì ăn thịt ngoại dù sao cũng “sang miệng” và an tâm hơn.
Thịt bò Australia được bày bán nhiều trong các siêu thị (Ảnh: Thanh Hảo)
Độc giả Lan Do Thi chia sẻ: “Công nghệ nuôi gà Việt Nam lạc hậu, không vô trùng nên dùng kháng sinh nhiều, vì thế năng suất thấp, đẩy giá thành cao, đắt hơn gà ngoại”.
“Ăn hàng thải ngoại vẫn bảo đảm hơn hàng nội vì không có hoá chất. Nếu mà ăn thịt ngoại chết từ từ, thì ăn thịt nội chết tức khắc. Toàn tăng trọng với tạo nạc làm sao mà sống nổi?”, độc giả Hồng Lê và Ngothu cho hay.
Theo nhiều bà nội trợ, do lo ngại mua phải thịt lợn sề giả bò tại các chợ không đảm bảo vệ sinh, an toàn nên nhiều chị em đã quay sang mua thịt bò nhập. Có thể ban đầu ăn chưa thích lắm, nhưng dần dần cũng thành quen và thấy ngon. Thêm đó, thịt bò ngoại giá cũng khá hợp lý và tiện chế biến nhiều món hơn do được nhà phân phối sơ chế, rồi phân chia rõ ràng từng loại một.
Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều người tiêu dùng tỏ ra e ngại với thực phẩm ngoại.
Độc giả Ha nghi ngờ: “Cái món đùi, cánh gà khoái khẩu nhập từ nước ngoài về Việt Nam thực chất là món nước người ta không ăn, vì đùi, cánh là nơi tiêm kháng sinh các loại. Cái món thịt bò khoái khẩu nhập từ nước ngoài về Việt Nam thực chất cũng là đồ thải loại của nước người ta, toàn thịt trâu hết đát”.
Bên cạnh đó, đối với các thực phẩm sạch, dù có là phụ phẩm nhưng nếu vẫn đảm bảo vệ sinh, đảm bảo chất lượng thì không sao, nhưng đối với các thực phẩm “bẩn” đội lốt “đã qua kiểm dịch, đã được chứng nhận” sẽ gây hại cho sức khỏe: Ngộ độc, tiêu chảy, nôn và làm hư thận...
Thịt nội: Thịt chó, mèo có "sức cạnh tranh" cao?
Có thể thấy, với nhiều lý do khác nhau, thực phẩm nội vẫn còn chỗ đứng trên thị trường. Tuy nhiên, sau khi tham gia TPP thì ngành chăn nuôi sẽ còn gặp nhiều khó khăn hơn khi chính sách mở cửa được thực hiện. Bởi lẽ, không nâng cao được chất lượng sản phẩm thì không thể cạnh tranh được với sản phẩm ngoại, nhất là khi ngành chăn nuôi vẫn chủ yếu sản xuất manh mún, thiếu công nghệ.
Cuối cùng, chỉ còn những loại thịt mà người dân có thể tự cung tự cấp, như: Thịt chó, thịt mèo, thịt chuột… nước ngoài không ăn, chỉ có người Việt ăn thì... không lo cạnh tranh chất lượng với thịt ngoại. Chuyện nghe có vẻ bi hài nhưng thực tế lại đúng là như vậy! Tuy nhiên, số lượng tiêu thụ các loại thịt này lại không quá nhiều, chủ yếu nhập cho các cửa hàng đặc sản, quán nhậu… Thêm nữa, cũng khó có thể phát triển rộng rãi mô hình chăn nuôi chó, mèo lấy thịt.
Việt Nam vẫn còn rất nhiều thực phẩm chất lượng, an toàn có thể tự tin cạnh tranh với sản phẩm chăn nuôi công nghiệp như: Thịt gà ta, lợn mán, thịt trâu, thịt bò…
Câu hỏi đặt ra là, liệu Việt Nam có làm được điều gì đó để xoay chuyển tình thế? Vì nếu không có sự chuyển mình gấp để củng cố thêm niềm tin đang ngày càng bị mai một của người tiêu dùng vào thực phẩm nội thì nguy cơ bị mất thị trường trước hàng ngoại nhập sẽ không còn nằm trên giả thuyết.
Trong khi chờ những chuyển biến tích cực của thị trường, hãy cùng lắng nghe tâm sự của một người tiêu dùng đang mất dần niềm tin vào thực phẩm nội: “Người tiêu dùng bị dồn vào chân tường trong cuộc chiến thực phẩm để bảo vệ cho sức khỏe của mình! Khi Nhà nước phó mặc cho ‘người tiêu dùng thông thái’ và ‘đừng chết vì ngu ngốc’, thì chúng ta còn biết làm thế nào? Khi chọn thực phẩm nhập ngoại, nhiều người dù biết rằng sản phẩm đó chắc gì đã được cơ quan chức năng Việt Nam kiểm soát, thế nhưng ít nhiều, họ còn hy vọng ở cơ quan kiểm soát nước ngoài. Còn đối với thực phẩm nội thì rõ là cái ‘chết nhãn tiền’, vì dường như quyền lợi của người tiêu dùng vẫn còn bị bỏ ngỏ”.
Bình luận của bạn