Thủ tướng kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại một cửa hàng bán hàng thiết yếu - Ảnh: VGP
Nhiều tỉnh, thành chính thức lùi lịch tựu trường vì dịch COVID-19
Tiền Giang, Long An giãn cách một số khu vực đến giữa tháng 9
Việt Nam tiếp nhận 250.800 liều vaccine COVID-19 do Cộng hòa Czech tài trợ
Hướng dẫn tự theo dõi sức khỏe tại nhà với người nhiễm COVID-19
Thủ tướng kiểm tra đột xuất công tác phòng, chống dịch tại phường Thanh Xuân Trung
Chiều hôm qua (ngày 31/8), Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã đi kiểm tra Bệnh viện dã chiến điều trị người bệnh COVID-19 (trực thuộc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) đặt tại quận Hoàng Mai.
Nhân chuyến đi này, Thủ tướng đã tới kiểm tra đột xuất công tác phòng, chống dịch tại phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân. Thủ tướng trực tiếp trao đổi, nắm bắt tình hình với nhiều người dân, trong đó có người giao hàng (shipper) đang vận chuyển hàng trên đường, chủ cửa hàng bán hàng thiết yếu…
Theo đó, Thủ tướng trao đổi kỹ với người dân về công tác bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch như thực hiện giãn cách 2m giữa người bán với người mua, đeo khẩu trang, xịt sát khuẩn, tiêm chủng vaccine, yêu cầu khách hàng phải quét QR code để khai báo y tế… Với shipper gặp trên đường Nguyễn Trãi, Thủ tướng cũng đã trực tiếp xem giấy đi đường, giấy chứng nhận tiêm vaccine, xịt khuẩn tay…
Tại chốt kiểm soát của phường ở ngã 3 Nguyễn Trãi - Nguyễn Tuân, Thủ tướng động viên lực lượng đang làm nhiệm vụ tại đây và tìm hiểu thực tế kiểm soát người dân đi lại trên đường. Nghe đề xuất của các lực lượng đang ngày đêm chống dịch, Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBDN thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh và Bộ trưởng Bộ Y tế lưu tâm việc tiêm vaccine cho những người làm việc tại các chốt kiểm soát như cựu chiến binh, phụ nữ, dân phòng… Đồng thời, nghiên cứu thêm các chính sách về phụ cấp hỗ trợ, cung cấp trang thiết bị bảo hộ, nước uống… cho các chốt kiểm soát.
Tiếp đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính tới ngõ 328 - 330 Nguyễn Trãi - ổ dịch lớn nhất tại Hà Nội trong những ngày vừa qua. Tới nay, khu vực này đã phát hiện 313 ca F0 trên tổng số khoảng 1.800 người dân.
Nghe báo cáo và chứng kiến bản đồ tình hình dịch, Thủ tướng yêu cầu phải làm ngay 2 việc. Một là di dời bớt người dân ra khỏi khu vực hiện có mật độ dân số quá đông. Hai là thiết lập ngay trạm y tế lưu động tại phường.
Thủ tướng yêu cầu lập ngay trạm y tế lưu động tại phường, điều trị phân loại ngay các ca F0 - Ảnh: VGP
“Phường chưa triển khai đến nơi đến chốn tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là lấy xã, phường làm pháo đài. Thành phố triển khai các cơ sở điều trị nhưng cấp xã, phường cũng phải triển khai để giảm tải cho hệ thống y tế cấp trên. Hiện năng lực điều trị của thành phố đủ, nhưng phải dự trù những tình huống xấu hơn nếu tình hình thay đổi”, Thủ tướng yêu cầu. Nếu để hệ thống y tế quá tải, dồn lên tuyến trên thì tỷ lệ tử vong sẽ cao. Hiện Hà Nội chưa có tình trạng quá tải nhưng phải sẵn sàng ở mức cao nhất để phòng tránh nguy cơ này.
Qua kiểm tra thực tế vẫn còn một số bất cập
Chiều muộn cùng ngày, ngay tại trụ sở UBND phường Thanh Xuân Trung, Thủ tướng đã chủ trì buổi làm việc trực tuyến với Sở Chỉ huy phòng, chống COVID-19 của thành phố, kết nối với điểm cầu UBND thành phố, các quận, huyện và toàn bộ 579 xã, phường, thị trấn của Hà Nội.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, biểu dương những thành tựu, kết quả của Hà Nội trong thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh Thủ đô có nhiều đặc thù, khác biệt so với các địa phương khác. Dịch bệnh được kiểm soát, tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm các chỉ tiêu khác như thu ngân sách.
Tuy nhiên, Thủ tướng nêu rõ, qua kiểm tra thực tế vẫn còn một số bất cập, có thể kể tới như:
- Thứ nhất, người dân vẫn ra đường đông. Như vậy là chưa đạt kết quả về giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
- Thứ hai, nếu tình hình như hiện nay thì thành phố kiểm soát được, đối phó tốt với dịch bệnh. Nhưng nếu tình hình phức tạp hơn, diễn biến xấu như một số địa phương phía Nam thì có thể bị động, lúng túng và có thể có bất ngờ.
- Thứ ba, Thủ tướng chỉ ra một số việc “không được” tại phường Thanh Xuân Trung. Cụ thể là qua 1 tháng vẫn chưa kiện toàn được nhân sự bí thư phường. Phường đã có Ban chỉ đạo nhưng chưa có quy chế làm việc. Cuối cùng, không có đủ người trực tại trụ sở. Đây là những vấn đề cần khắc phục ngay.
Cần tăng cường giãn cách xã hội, không để “chặt ngoài lỏng trong”
Tại buổi làm việc, Thủ tướng cũng nhấn mạnh thêm một số nhiệm vụ các xã, phường cần chú ý trong công tác phòng, chống dịch thời gian tới:
- Phòng dịch vẫn là cơ bản, chiến lược lâu dài, nhất là khi chưa có đủ vaccine để tiêm cho phần lớn dân số. Do đó, phải vận động, kêu gọi, thuyết phục người dân tích cực tham gia, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Đây vừa là quyền lợi, vừa là nghĩa vụ, vừa là trách nhiệm của mỗi người để bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình, cộng đồng và góp phần đưa đất nước phát triển.
- Khi đã thực hiện giãn cách xã hội thì phải làm quyết liệt, chặt chẽ, làm nghiêm ngặt ngay tại xã, phường, không để “chặt ngoài lỏng trong”. Thủ tướng nhấn mạnh, đã hy sinh về kinh tế - xã hội để thực hiện giãn cách xã hội thì đổi lại phải đạt mục tiêu phòng, chống dịch.
- Phải tổ chức xét nghiệm thần tốc theo hướng dẫn của Bộ Y tế, từ đó phát hiện nhanh chóng nguồn lây, bóc tách khỏi cộng đồng, chăm sóc, điều trị F0 phù hợp.
- Cần tiếp nhận, phân loại, chăm sóc, điều trị F0 nhanh nhất có thể, đưa dịch vụ y tế tới gần dân nhất, nhanh nhất, sớm nhất, ngay từ cơ sở, không để quá tải tuyến trên, từ đó giảm tỷ lệ tử vong. Người dân được tiếp cận y tế sớm cũng sẽ yên tâm hơn, điều trị tốt hơn, hiệu quả hơn. Thủ tướng nhắc lại yêu cầu tăng cường các trạm y tế lưu động tại các xã, phường.
- Phải bảo đảm an ninh trật tự, an sinh xã hội, không để ai thiếu ăn, thiếu mặc. Thủ tướng nhấn mạnh, không ai hiểu dân, nắm vững hoàn cảnh, điều kiện từng người dân bằng cấp xã, phường, thị trấn.
- Cần tổ chức tiêm vaccine kịp thời, khoa học, hiệu quả, an toàn.
- Chủ động bảo đảm một số nguồn lực theo phương châm “4 tại chỗ” ở mức cao hơn, không để bị động, lúng túng trong các tình huống. Cùng với đó, tăng cường chuẩn bị, tập huấn nguồn nhân lực. Khi thực hiện cách ly y tế, giãn cách xã hội thì phải chuẩn bị cho phù hợp về an sinh, an toàn, an dân.
- Tăng cường thông tin, tuyên truyền bảo đảm thống nhất, kịp thời, chính xác để người dân an tâm, tin tưởng tham gia chống dịch.
Bình luận của bạn