Lịch can chi theo cách tính lịch âm

Tính lịch Can Chi như thế nào?

Những thực phẩm nên hạn chế trong dịp Tết

6 bí quyết giữ sức khỏe dịp Tết cho người bệnh đái tháo đường

Trẻ về quê ăn Tết bằng xe máy, chuẩn bị thế nào để khỏi bị ốm?

Kỳ vọng sức khỏe của Tổ chức Y tế Thế giới trong năm 2023

Trong giao tiếp hành chính, có tính pháp lý, Nhà nước ta sử dụng lịch dương (Dương lịch). Cũng phải nói rằng, Dương lịch không chỉ có duy nhất 1 loại mà có tới 3 loại: 1. Dương lịch cổ Ai Cập, 2. Dương lịch Julius và 3. Dương lịch Gregorius (mà ta đang dùng hiện nay) lấy Mặt Trời làm căn cứ và lấy năm Xuân phân làm cơ sở. Năm Xuân phân chính là chu kỳ chuyển động của Trái Đất quanh Mặt Trời. Từ đây, các nhà khoa học có dữ liệu tính toán chu trình thời tiết trong năm để đưa ra các chỉ báo liên quan đến khí hậu, nhiệt độ, lượng mưa, độ ẩm, độ dài ngày và đêm,… theo từng vùng. Với nhiều ưu thế về tính phổ dụng và hợp lý, Dương lịch nhanh chóng được toàn thế giới chấp nhận và sử dụng.

Người Việt ta từ xưa vẫn dùng Âm lịch, một cách phân chia cổ truyền của người Trung Hoa lấy chu kỳ chuyển động của Mặt Trăng làm căn cứ. Từ đó, có 12 tháng được tiếng Việt định danh là: (tháng) Giêng, Hai, Ba, Tư, Năm, Sáu, Bảy, Tám, Chín, Mười, Một, Chạp. Dân gian xưa đã có một bài ca dao diễn giải rất hay về chuyện này:

Tháng Giêng ăn Tết ở nhà

Tháng Hai cờ bạc, tháng Ba hội hè

Tháng Tư đong đậu nấu chè

Bước vào mùa vụ làm nghề tháng Năm

Tháng Sáu buôn nhãn bán trăm

Tháng Bảy ngày rằm xá tội vong nhân

Tháng Tám chơi đèn kéo quân

Trở về tháng Chín chung nhân buôn hồng

Tháng Mười buôn thóc bán bông

Tháng Một, tháng Chạp nên công hoàn toàn.

Năm 2022 theo Âm lịch là Nhâm Dần và năm 2023 ứng với năm Quý Mão theo cách tính năm Âm lịch. Rất nhiều người thắc mắc là, cách đặt tên các năm theo Âm lịch như thế là dựa theo nguyên tắc nào? Nó có căn cứ khoa học nào không (như căn cứ vào vị trí và sự chuyển động của Mặt Trời và Mặt Trăng)?

Cách tính này dựa trên hệ đếm cổ truyền (dùng phổ biến ở Nhật Bản, Triều Tiên, Trung Quốc, Việt Nam), để tính giờ, ngày, tháng, năm. Về cách tính theo Âm lịch, dân gian ta thường nói là cách tính theo lịch can chi.

Vậy “can chi” có nghĩa là gì?

Can chi (干支) chỉ thiên can và địa chi (nói gộp và tạo nên một danh từ - mang giá trị định danh một khái niệm).

Thiên can (天干) (lấy theo “thập can”) là tên gọi chung mười ký hiệu chữ Hán, xếp theo thứ tự: Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý.

Địa chi (地支) (lấy theo “thập nhị chi”) là tên gọi chung mười hai ký hiệu chữ Hán xếp theo thứ tự: Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tị, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi.

SUCKHOE+ Lich Can Chi-02

Tất nhiên, việc ghép can và chi (để thành năm can chi) phải tuân thủ một quy tắc, sử dụng từ bao đời nay (bắt đầu từ Trung Quốc). Quy tắc ấy như sau: can chẵn đi với chi chẵn, can lẻ đi với chi lẻ. Vì cơ số của can và chi khác nhau - 10 so với 12 - nên khi ghép xong 10 đơn vị can chi thì “dư” ra 2 chi, thế là ta có năm can chi không giống nhau từ đơn vị thứ 11. Ghép như thế ta sẽ có chu kỳ lặp lại là 60 (còn gọi là một “lục thập hoa giáp”, lục thập: 60, hoa giáp: một chu kỳ hoa nở). Hoa giáp chính là chu kỳ vận hành của các con giáp, nói cách khác là vòng tuần hoàn của các con giáp bắt đầu từ Giáp Tý đến cuối cùng là Quý Hợi, kết thúc một vòng tuần hoàn (rồi lại tiếp tục quay trở lại Giáp Tý bắt đầu một chu kỳ tuần hoàn mới). Sau đây là tên theo can chi các năm âm lịch lần lượt trong một vòng “Lục thập hoa giáp”:

- Giáp Tý, Ất Sửu, Bính Dần, Đinh Mão, Mậu Thìn, Kỷ Tị, Canh Ngọ, Tân Mùi, Nhâm Thân, Quý Dậu.

- Giáp Tuất, Ất Hợi, Bính Tý, Đinh Sửu, Mậu Dần, Kỷ Mão, Canh Thìn, Tân Tị, Nhâm Ngọ, Quý Mùi.

- Giáp Thân, Ất Dậu, Bính Tuất, Đinh Hợi, Mậu Tí, Kỷ Sửu, Canh Dần, Tân Mão, Nhâm Thìn, Quý Tị.

- Giáp Ngọ, Ất Mùi, Bính Thân, Đinh Dậu, Mậu Tuất, Kỷ Hợi, Canh Tí, Tân Sửu, Nhâm Dần, Quý Mão.

- Giáp Thìn, Ất Tị, Bính Ngọ, Đinh Mùi, Mậu Thân, Kỷ Dậu, Canh Tuất, Tân Hợi, Nhâm Tý, Quý Sửu.

- Giáp Dần, Ất Mão, Bính Thìn, Đinh Tị, Mậu Ngọ, Kỷ Mùi, Canh Tân, Tân Dậu, Nhâm Tuất, Quý Hợi.

Sau chu kỳ 60 năm này, tên gọi của mọi ngày, mọi tháng, mọi năm tiếp theo được lặp lại nguyên xi trước đó. Khoa học chưa phát hiện thấy chu kỳ này có liên quan đến một chu kỳ nào của tự nhiên (như chu kỳ của các tiết khí trong năm, tiết khí chính là 24 điểm đặc biệt trên quỹ đạo của Trái Đất xung quanh Mặt Trời, mỗi điểm cách nhau 15°). Lịch can chi được sử dụng trong “Tý Ngọ lưu trú” - một môn thời sinh học của Đông y cổ truyền. Hệ đếm can chi (ở Việt Nam) ngoài việc dùng đặt tên năm Âm lịch, vẫn còn được một số người sử dụng theo các tín điều hay tín ngưỡng dân gian (chẳng hạn như xem phong thuỷ, xem chiêm tinh, tướng, số...).

Giáp (甲) là ký hiệu thứ nhất trong thiên can, trước Ất. Giáp dùng tổ hợp trước một trong các địa chi Tý, Dần, Thìn, Ngọ, Thân, Tuất để tạo ra các tên gọi năm, tháng, ngày: Giáp Tý, Giáp Dần, Giáp Thìn, Giáp Ngọ, Giáp Thân, Giáp Tuất.

Cũng cần phân biệt “giáp” đứng đầu “thiên can” với một “giáp” khác (viết là 浃, có nghĩa “quanh hết một vòng”) trong Can Giáp - can thứ nhất trong 10 thiên can. Cũng là âm “giáp” nhưng không giống nhau (như ta nói “Nó tuổi Giáp Ngọ” khác với “Nó hơn tôi một giáp”). Đó là hiện tượng “khác tự, đồng âm, khác nghĩa” mà ta rất hay gặp trong tiếng Hán.

Như vậy, cách tính lịch can chi có quy tắc riêng và khi nắm được quy tắc ấy (thực tế là rất đơn giản) thì bất cứ người dân Việt Nam nào (ở tuổi trưởng thành, có tri thức nền về ngôn ngữ, văn hóa phong tục) đều có thể dễ dàng “bấm đốt ngón tay” để từ năm Dương lịch quy ra năm Âm lịch theo hệ can chi.

Quý Mão (2023) một năm rất đẹp đang chờ chúng ta.

PGS.TS Phạm Văn Tình
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Văn hóa