TPHCM: Bệnh truyền nhiễm tấn công 7 trường học

Cha mẹ cần chủ động phòng bệnh truyền nhiễm cho trẻ

Chuột - "Sát thủ " gây nhiều bệnh truyền nhiễm

Học sinh nghỉ học hàng loạt, nghi mắc bệnh truyền nhiễm

ASEAN chung tay phòng chống các bệnh truyền nhiễm mới nổi

5 thách thức phòng chống các bệnh truyền nhiễm mới nổi

Ngày 1/4, BS. Nguyễn Trí Dũng - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho biết, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố liên tiếp xuất hiện các chùm ca bệnh truyền nhiễm trong trường học. 

Đầu tiên là bệnh thủy đậu xuất hiện tại trường Mần Non Chuyên biệt Tuổi Ngọc (quận Bình Thạnh ngày 21/1) khiến bảy trẻ và một bảo mẫu nhiễm bệnh. Kế đến, thủy đậu tiếp tục tấn công vào trường Tiểu học Nguyễn Du (quận 12 từ ngày 14/2) khiến 10 học sinh nhiễm bệnh.

Không dừng lại ở đó, chỉ trong hai ngày 12 và 13/3 đã có thêm 2 ổ bệnh thủy đậu được phát hiện tại trường Tiểu học Lương Thế Vinh (quận 1) và trường Tiểu học Nguyễn Đình Chiểu (quận Bình Thạnh). 

Thực hiện ăn chín uống sôi, giữa vệ sinh sạch sẽ để phòng bệnh truyền nhiễm cho học sinh

Bên cạnh bệnh thủy đậu, bệnh tay chân miệng cũng tràn vào trường Mần non Sơn Ca (quận 5, ngày 29/1) và trường Mầm non Họa Mi (quận 5, ngày 5/3). Cùng với hai loại bệnh trên, bệnh quai bị cũng xuất hiện tại trường Tiểu học Trần Quốc Toản (quận 5, ngày 2/2) khiến nhiều trẻ nhiễm bệnh.

BS Nguyễn Trí Dũng cho hay, ngay sau khi tiếp nhận thông tin về các chùm ca bệnh trên, Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố đã phối hợp với các đơn vị liên quan, thực hiện cách ly học sinh, tổng vệ sinh lớp học, hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho thầy cô giáo và phụ huynh học sinh.

Hiện ngành y tế dự phòng đang thực hiện giám sát chặt chẽ đối với hai ổ bệnh thủy đậu tại trường Tiểu học Lương Thế Vinh (quận 1) và trường Tiểu học Nguyễn Đình Chiểu (quận Bình Thạnh). 

Qua thực tế khảo sát ghi nhận, tại trường Nguyễn Đình Chiểu có tổng cộng năm học sinh mắc bệnh thuộc hai khối lớp. Tại trường Lương Thế Vinh, ghi nhận ba học sinh mắc thủy đậu ở ba lớp khác nhau. Sau gần hai tuần giám sát, đến ngày 1/4, tại hai trường trên chưa ghi nhận ca bệnh thủy đậu mới mắc.

Trước tình hình trên, BS Nguyễn Trí Dũng yêu cầu tuyến y tế dự phòng cơ sở tăng cường giám sát bệnh truyền nhiễm trong trường học; nắm nguyên nhân học sinh nghỉ học, giám sát tình trạng sức khỏe của trẻ bị bệnh tại trường. 

Trong trường hợp phát hiện ổ bệnh truyền nhiễm tại trường phải nhanh chóng có báo cáo đến Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố để phối hợp với các đơn vị liên quan có giải pháp xử lý dập dịch kịp thời. Với những ổ bệnh đang tồn lưu cơ sở y tế phải thực hiện giám sát chặt chẽ hàng ngày.

Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố cảnh báo, thời tiết nắng nóng kéo dài đang tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát tán của các loại vi khuẩn, virrus gây bệnh truyền nhiễm. Để tránh nguy cơ mắc bệnh, người dân nên thực hiện chủng ngừa đối với các loại bệnh đã có vaccine; Ăn chín uống sôi; Giữ vệ sinh cơ thể, vệ sinh môi trường, vệ sinh nhà cửa sạch sẽ thoáng mát; rửa tay thường xuyên bằng xà bông; Khử khuẩn hàng ngày đối với đồ chơi của trẻ và sàn nhà nơi trẻ vui chơi, học tập.

Đối với những trường hợp trẻ nghi ngờ mắc bệnh hoặc đã mắc bệnh, phụ huynh cần nhanh chóng đưa các bé đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời; Không nên đưa trẻ đang bị bệnh đến trường để tránh nguy cơ lây bệnh cho những trẻ khác; cần thực hiện cách ly và theo dõi liên tục tình trạng sức khỏe của trẻ; Chỉ cho trẻ đi học trở lại khi đã có kết luận khỏi bệnh hoàn toàn của bác sỹ.

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin