TP.HCM được áp dụng biện pháp mạnh để ngăn chặn dịch COVID-19

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo TP.HCM cần làm nhanh, quyết liệt và áp dụng các biện pháp mạnh để xử lý dịch - Ảnh: VGP

Tổng hợp COVID-19 ngày 6/2: 3 bệnh nhân ở Hải Dương được xuất viện

Trẻ trên 6 tuổi mắc COVID-19 sau 7 ngày cách ly tập trung có thể được về nhà

Y tế tuần qua: Hà Giang, Điện Biên xuất hiện các ca COVID-19 đầu tiên

Xem xét rút ngắn thời gian cách ly phòng, chống dịch COVID-19

Đây là phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong cuộc họp Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 chiều 8/2. Thủ tướng đánh giá cao một số tỉnh, biểu dương ngành y tế đã làm tốt công tác ngăn chặn và phòng dịch lây lan tuy nhiên vẫn còn nhiều nơi đáng lo ngại, đặc biệt là điểm nóng mới TP.HCM.

Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, TP.HCM đang là điểm nóng về dịch COVID-19 với 30 ca lây nhiễm và nghi nhiễm trong cộng đồng. Bộ trưởng cho rằng nếu xét nghiệm trên diện rộng thì số ca dương tính tại TP.HCM chắc chắn sẽ là rất lớn, tăng vọt trong những ngày tới. Đây là điều đặc biệt nguy hiểm và nếu không được kiểm soát và cách ly tốt sẽ khó ngăn chặn sự lây lan bởi chủng virus mới này có tốc độ lây rất cao.

Phát biểu trong cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền TP.HCM cần vào cuộc quyết liệt, tốc độ nhưng phải bình tĩnh. Mọi người dân cần đeo khẩu trang ở nơi công cộng, không tụ tập đông người. Các địa phương vận động công nhân, người lao động, kể cả chủ nhà máy, xí nghiệp tổ chức sản xuất, sinh hoạt tại chỗ để hạn chế tối đa việc đi lại dịp Tết, tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Thủ tướng nhất trí việc Bộ Y tế chỉ đạo xét nghiệm diện rộng một số khu vực dễ lây nhiễm để truy vết, xử lý nhanh. Các địa phương, ngành y tế phải chuẩn bị kỹ lưỡng, đầy đủ về mọi mặt phòng tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Thủ tướng cũng yêu cầu xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, được phép áp dụng các biện pháp mạnh ví dụ như thực hiện Chỉ thị 15, 16, giãn cách xã hội ở một số khu vực mà địa phương thấy cần thiết như giãn cách xã hội ở một số khu phố, quận, địa bàn có ca lây nhiễm khi thấy để ngăn chặn có hiệu quả dịch bệnh.

Ngành y tế theo dõi, giao ban thường xuyên cùng với Ban Chỉ đạo để đưa ra các biện pháp cụ thể hơn nữa xử lý tình hình, tăng cường lực lượng có liên quan cho các địa phương có nhu cầu. Về vấn đề vaccine COVID-19, Thủ tướng cũng đồng ý chủ trương Bộ Y tế mua vaccine của Tập đoàn AstraZeneca để người dân được tiếp cận ngay trong quý I/2021. 

Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương phát huy tinh thần 4 tại chỗ, tinh thần tự lực tự cường, chủ động xử lý theo kinh nghiệm từ những đợt lây nhiễm trước. Các cơ sở sản xuất kinh doanh về sinh phẩm y tế, khẩu trang cần đẩy mạnh để không bị thiếu hàng hóa. Các lực lượng chức năng, nhất là ngành công an, quân đội và các lực lượng quản lý thị trường… tăng cường những biện pháp để bảo đảm an ninh trật tự, không để tình huống xấu xảy ra.

Cũng liên quan tới việc TP.HCM phát hiện hàng loạt ca lây nhiễm từ cộng đồng, trong cuộc họp mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã ra kiến nghị hướng dẫn TP.HCM lấy mẫu xét nghiệm theo cụm gia đình, có thể trộn mẫu lên đến 16 mẫu/lần trộn. Thay vì lấy mẫu từng người thì lần thứ nhất sẽ lấy gộp mẫu từng hộ dân. Nếu phát hiện nghi nhiễm thì sẽ đưa cả hộ gia đình đó đi cách ly và tiến hành lấy mẫu lần hai.

Bộ trưởng đề nghị TP.HCM cần xem xét đánh giá từng khu phố, từng phường, xã, quận huyện để quyết định lựa chọn địa điểm áp dụng theo Chỉ thị 16 hay Chỉ thị 15. “Chỉ thị 16 áp dụng tại khu vực có ca bệnh, còn toàn thành phố là Chỉ thị 15 hoặc lỏng hơn. Có như thế mới theo kịp tốc độ truy vết, khoanh vùng và dập tắt được ổ dịch. Chúng ta phải đi nhanh hơn, không thể đi sau dịch”.

Phương Lâm H+ (tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn