Cập nhật bản tin COVID-19 từ 6h-18h ngày 30/5
Bộ Y tế giao thời hạn hoàn tất tiêm vaccine COVID-19 cho tỉnh Bắc Ninh
Việt Nam xuất hiện chủng SARS-CoV-2 mới, thế giới chưa từng ghi nhận
Thủ tướng Chính phủ phân công nhiệm vụ phòng, chống dịch
Thủ tướng: Tổng tiến công toàn lực để dập dịch
Tính đến 18h ngày 30/5, Việt Nam có tổng cộng 5.604 ca ghi nhận trong nước và 1.503 ca nhập cảnh. Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/4 đến nay là 4.034 ca, riêng Bắc Giang ghi nhận 2.118 ca.
Tại Hà Nội, trong số 18 ca mới ghi nhận trong ngày, có 17 ca là các trường hợp F1 và 1 ca được phát hiện qua sàng lọc cộng đồng.
12 giờ qua, TP.HCM tiếp tục ghi nhận 49 ca COVID-19, là các trường hợp liên quan đến 1 cơ sở tôn giáo. Ngoài ra, BN6909 ghi nhận tại tỉnh Long An cũng có liên quan đến cơ sở tôn giáo này.
Khởi tố vụ án làm lây lan dịch bệnh liên quan đến cơ sở tôn giáo ở Gò Vấp (TP.HCM)
Công an quận Gò Vấp đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội danh “lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” liên quan đến 1 cơ sở tôn giáo để tiến hành điều tra vụ án.
Qua điều tra của cơ quan chức năng, nhóm này hoạt động không chấp hành quy định về phòng chống dịch bệnh COVID-19 dẫn đến lây lan dịch bệnh cho nhiều người. Ổ dịch tại cơ sở tôn giáo này còn lan ra các tỉnh Long An, Bạc Liêu và Tây Ninh.
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) dự báo số ca nhiễm liên quan hội thánh này có thể tăng tiếp trong thời gian tới vì số hội viên đến nay vẫn có thể chưa ra khai báo hết. Thành phố đề nghị những người liên quan hội thánh này cần chủ động khai báo y tế vì nguy cơ lây nhiễm liên quan hội thánh rất cao.
HCDC khuyến cáo mầm bệnh có thể đã có trong cộng đồng, vì thế người dân cần nâng cao cảnh giác nhưng cũng không hoang mang; tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch của chính quyền và hợp tác với ngành y tế trong thực hiện phong tỏa, cách ly, lấy mẫu xét nghiệm.
Nhằm chủ động đáp ứng nhu cầu cách ly y tế của thành phố trong thời gian tới, ứng phó với tình huống thành phố có từ 100 - 300 ca bệnh, qua khảo sát và đề xuất của Sở Y tế, UBND TP.HCM đề nghị các trường hỗ trợ, chấp thuận việc trưng dụng cơ sở vật chất ký túc xá để tái thiết lập các khu cách ly dự phòng, cách ly tập trung cho những trường hợp tiếp xúc gần với người nhiễm COVID-19.
Cụ thể, 7 ký túc xá được trưng dụng làm khu cách ly tập trung gồm: ĐH Quốc gia TP.HCM, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông, Trường CĐ Công thương TP.HCM và Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức.
Trước tình hình diễn biến phức tạp, Chủ tịch UBND TP.HCM quyết định giãn cách xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 15 từ 0h ngày 31/5, kéo dài 15 ngày. Riêng đối với quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12), áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 từ 0h ngày 31/5.
Bạc Liêu lập 72 chốt kiểm soát dịch bệnh
Sau khi ghi nhận ca COVID-19 trong cộng đồng đầu tiên, tỉnh Bạc Liêu nhanh chóng tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Ngày 30/5, ông Phạm Văn Thiều - Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu chỉ đạo khẩn trương triển khai thành lập 72 chốt chặn kiểm soát dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn toàn tỉnh.
Theo đó, thành lập 15 chốt chính, trong đó 5 chốt đường bộ và 10 chốt đường thủy. Ngoài ra, còn thành lập 57 chốt phụ giáp ranh với các tỉnh để kiểm soát người và các phương tiện giao thông đến tỉnh Bạc Liêu.
Cụ thể, 5 chốt đường bộ, gồm: 2 chốt tại điểm đầu, cuối tuyến Quốc lộ 1 đi qua địa bàn tỉnh tại khu vực cầu Nàng Rền (H.Vĩnh Lợi) và cầu Láng Trâm (TX.Giá Rai), 1 chốt trên tuyến Nam Sông Hậu đoạn giáp ranh với xã Lai Hòa, TX.Vĩnh Châu (Sóc Trăng); 2 chốt trên tuyến Quản lộ - Phụng Hiệp (đoạn giáp ranh Cà Mau và đoạn giáp ranh tỉnh Sóc Trăng).
Ngoài Bạc Liêu, nhiều tỉnh tại Nam Bộ như Cà Mau, Bình Phước đã siết chặt các quy định về phòng, chống dịch COVID-19 khi tình hình dịch bệnh tại TP.HCM và khu vực đang diễn biến phức tạp.
Bình luận của bạn