


Kết quả kiểm tra cho thấy, nội dung quảng cáo vượt quá những thông tin mà nhà sản xuất công bố: quảng cáo quá lố về hiệu quả (như tuyên bố “uống sữa Hiup sau 3–6 tháng tăng 3–5cm chiều cao” không có tài liệu chứng minh) và đề cập đến các thành phần không có trong sản phẩm. Vụ việc này cho thấy nguyên tắc “quảng cáo phải trung thực” đã bị vi phạm nghiêm trọng, gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng.
Tương tự, trường hợp Hằng Du Mục và Quang Linh Vlogs cũng khiến dư luận phẫn nộ khi quảng bá sản phẩm “kẹo rau củ Kera” trên livestream. Họ liên tục khẳng định “1 viên kẹo bằng một đĩa rau”. Tuy nhiên, qua kiểm nghiệm của chính người tiêu dùng và cơ quan chức năng, kết quả hoàn toàn ngược lại: hàm lượng chất xơ trong sản phẩm rất thấp (16mg/viên, tương đương 0,51gr/100gr – chỉ bằng 1/6 quả chuối). Chưa hết, khi cơ quan chức năng vào cuộc, đại diện nhà máy sản xuất tiết lộ: họ chỉ “đóng gói theo yêu cầu” từ Công ty Cổ phần Tập đoàn Chị Em Rọt (do Hằng Du Mục và Quang Linh điều hành). Đồng thời, khẳng định không hề biết cách thức quảng cáo sai sự thật nêu trên.
Ngay cả những người từng được xem là “hình mẫu quảng cáo” cũng gặp rắc rối. Nghệ sĩ Quyền Linh đã phải lên tiếng đính chính rằng anh không tham gia quảng bá loại TPCN chữa bệnh đái tháo đường mà cộng đồng lan truyền. Quyền Linh cho biết những video quảng cáo bị giả mạo bằng cách cắt ghép hình ảnh, giọng nói từ các clip trước đó của anh để gán cho sản phẩm, trong khi anh không ký hợp đồng quảng cáo. Quyền Linh bày tỏ bức xúc: “Tôi từng nhiều lần bị gán ghép như vậy, khiến uy tín chịu ảnh hưởng nặng nề. Thủ thuật ghép hình ảnh… rất tinh vi”. Sự việc liên quan đến Quyền Linh không chỉ đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của người làm nghề, mà còn cho thấy mức độ dễ bị lợi dụng trước những kịch bản quảng cáo được dàn dựng tinh vi, chuyên nghiệp.
Nhiều nghệ sĩ khác như Hoa hậu Thùy Tiên, NSND Hồng Vân, diễn viên Cát Tường… cũng bị cơ quan chức năng nhắc nhở hoặc xử phạt vì liên quan đến quảng cáo TPCN sai sự thật trong thời gian qua.
Điều này phản ánh một thực trạng đáng lưu tâm: ngày càng nhiều người nổi tiếng tận dụng độ phủ sóng cá nhân để bán hàng online, song không chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin. Họ diễn đạt khoa trương, dịch thuật mập mờ để “câu like”, trong khi trách nhiệm xã hội đối với sức khoẻ cộng đồng bị coi nhẹ.

Hậu quả của thực trạng này đa chiều và hết sức nghiêm trọng. Trước hết, người tiêu dùng là đối tượng chịu thiệt hại lớn nhất. Nhiều gia đình có con nhỏ rơi vào tình cảnh “tiền mất tật mang” vì tin vào quảng cáo không minh bạch. Các bậc cha mẹ sẵn sàng chi hàng trăm đến hàng triệu đồng cho những sản phẩm được “cam kết” như tăng chiều cao vượt trội, cải thiện thị lực thần tốc chỉ sau vài tuần. Ví dụ, sản phẩm “sữa non chuyên biệt có giá khoảng 800.000 đồng một hộp; các phụ huynh tin rằng con uống sẽ cải thiện từ 1–2cm/tháng, nhưng cuối cùng không đạt được kết quả như mong đợi. Điều này gây ra tâm lý hoang mang, mất niềm tin không chỉ vào sản phẩm mà còn vào chính các kênh thông tin truyền thông. Mặt khác, một số trường hợp đã ghi nhận tình trạng có người dị ứng, thậm chí mắc bệnh nặng hơn do tự ý sử dụng các sản phẩm theo lời quảng cáo.
Những quảng cáo thổi phồng không chỉ lừa dối người tiêu dùng, mà còn gây hệ lụy lớn cho xã hội. Trong môi trường mạng lan truyền nhanh, lời nói của người nổi tiếng dễ dàng tiếp cận hàng triệu người hâm mộ và tạo hiệu ứng dây chuyền. Khi thông tin sai lệch được khuếch đại qua người nổi tiếng, nó không chỉ gây nhiễu loạn nhận thức cộng đồng, mà còn làm suy giảm lòng tin vào chuyên gia y tế và cơ quan quản lý, nhất là khi nội dung được tạo ra chỉ để "câu view".
Về phía người nổi tiếng, hệ quả hiện rõ trên uy tín cá nhân và thương hiệu lâu dài. Họ vốn được yêu mến nhờ sự thân thiện, nhiệt tình với công chúng, giờ đây có thể đối mặt với nguy cơ đánh mất uy tín. Ví dụ, trường hợp Quyền Linh dù đã lên tiếng khẳng định bản thân bị lợi dụng hình ảnh trái phép, nhiều khán giả vẫn không khỏi đặt câu hỏi: Tại sao sự xuất hiện của anh trong những quảng cáo mập mờ lại không được kiểm soát chặt chẽ ngay từ đầu? Đối với những nghệ sĩ thực sự có ký hợp đồng quảng cáo, như Quang Minh hay Vân Hugo, ngoài án phạt tài chính, họ còn phải gánh chịu hệ quả về mặt hình ảnh: công chúng sẽ dè dặt hơn khi nhìn nhận họ như “gương mặt đại diện sản phẩm”. Từ “nghệ sĩ quốc dân” có thể bị “tụt hạng” trong mắt công chúng khi buộc phải lên tiếng giải thích, xin lỗi.



Một trong những lý do then chốt dẫn đến tình trạng trên là khoảng trống pháp lý và việc thực thi quy định còn lỏng lẻo. Mặc dù Việt Nam đã có khung pháp lý cấm quảng cáo sai sự thật, đặc biệt đối với sản phẩm liên quan sức khỏe, nhưng thực tế vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Theo Nghị định 181/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quảng cáo, quảng cáo TPCN phải tuân thủ nghiêm: tuyên bố công dụng phải đúng Giấy xác nhận hoặc công bố hợp quy; bắt buộc phải có khuyến cáo “Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”; và không được gây hiểu nhầm sản phẩm là thuốc. Tuy nhiên, nhiều người quảng cáo không trình bày đầy đủ công dụng và cảnh báo bắt buộc, thậm chí bỏ qua hoàn toàn bản khuyến cáo cần thiết.
Họ cũng không có động lực pháp lý đủ mạnh để kiểm tra kỹ lưỡng thông tin sản phẩm vì quy trình hợp tác giữa người nổi tiếng và công ty sản xuất còn lỏng lẻo. Chẳng hạn, trong vụ Kera, cơ sở sản xuất khẳng định họ chỉ đóng gói sản phẩm theo yêu cầu của Công ty Cổ phần Tập đoàn Chị Em Rọt và không hề biết gì về cách quảng cáo sai sự thật của doanh nghiệp này. Điều này cho thấy bên sản xuất hoàn toàn có thể “né tránh trách nhiệm”, để đối tác truyền thông tự do phát ngôn mà không giám sát.
Bên cạnh đó, việc thiếu đạo đức và chuẩn mực cá nhân của người nổi tiếng cũng là nguyên chính không thể xem nhẹ. Áp lực mưu sinh hay giành thị phần thúc đẩy họ ký hợp đồng quảng cáo nhanh chóng mà không quan tâm liệu sản phẩm có giá trị thật hay không. Trong giới KOL một khi đã nổi tiếng thì “hợp đồng đến tay” rất dễ, nhưng lương tâm lại bị “thả lỏng”. Nhiều người sẵn sàng lăng xê cho các loại TPCN bằng cách dùng từ ngữ hoa mỹ nhằm thu hút khán giả mà ít khi xem xét cơ sở khoa học.

Từ đó cho thấy, vấn đề không chỉ nằm ở hệ thống pháp lý còn thiếu chặt chẽ, mà còn ở đạo đức nghề nghiệp. Chính sự buông lỏng này đã tạo ra một môi trường quảng cáo lỏng lẻo, dẫn đến nhiều rủi ro cho người tiêu dùng.

Để bảo vệ người tiêu dùng và củng cố niềm tin vào thị trường TPCN, giải pháp quan trọng hàng đầu là nâng cao hiệu lực quản lý và tăng mức xử phạt. Cơ quan quản lý cần phối hợp cùng Bộ Y tế, Cục An toàn thực phẩm chặt chẽ hơn trong việc cấp phép quảng cáo. Mọi tài liệu quảng cáo, đặc biệt các sản phẩm liên quan đến sức khỏe phải được thẩm định minh bạch, kịp thời. Song song đó, quy định xử phạt cần tiếp tục được hoàn thiện để răn đe các cá nhân có ảnh hưởng.
Ngoài ra, cần triển khai giải pháp “tự điều chỉnh” của người trong cuộc. Người nổi tiếng cần được tuyên truyền, nâng cao nhận thức về trách nhiệm đạo đức khi làm đại diện cho nhãn hàng. Họ phải hiểu rằng quảng cáo sai sự thật không chỉ ảnh hưởng lợi ích kinh tế của người tiêu dùng mà còn có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng.
Đã đến lúc các bên liên quan phải cùng vào cuộc: cơ quan quản lý củng cố chế tài, doanh nghiệp nâng cao chuẩn mực, công chúng cảnh giác hơn và đặc biệt là bản thân những người nổi tiếng coi trọng tiếng nói của mình. Nếu không có sự thay đổi căn bản, hậu quả lâu dài sẽ vô cùng to lớn: Từ niềm tin xã hội bị xói mòn đến thất thoát tài chính, tổn hại sức khỏe cộng đồng.


Bình luận của bạn