Sáng 13/1, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) đã thảo luận về dự án Luật BHYT (sửa đổi), theo đó, dự luật cho phép địa phương sử dụng 50% số kết dư BHYT để mua sắm phương tiện, trang thiết bị y tế, thậm chí thi đua, khen thưởng. Tuy nhiên, quy định này đã vấp phải sự phản ứng gay gắt của các ĐBQH.
Không thể dùng tiền BHYT để mua ôtô, thưởng cán bộ
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Minh đắn đo đề xuất con số 30%
quỹ kết dư được để lại cho địa phương, bởi theo bà "nếu để lại 50% tỉ lệ kết dư cho các tỉnh sẽ dẫn
đến quyền lợi hưởng dịch vụ khác nhau giữa các địa phương".
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-ngân sách của Quốc hội - ông Phùng Quốc
Hiển - đứng dậy nói ngay: 3% chi cho bộ máy quản lý, 2% dành cho phát triển thì phát triển cái gì?,
rồi chi cho tuyên truyền, trả thẻ là không hợp lý.
Tính nhân văn của BHYT chính là sự chia sẻ giữa người giàu với
người nghèo. Có kết dư mà lại chia nhau thì không hợp lý. "Như vậy là tư tưởng cục bộ" và không thể
"có tiền thừa ra là tìm cách chi bằng hết" - ông Hiển nói hết sức gay gắt.
Chủ nhiệm UBPL Phan Trung Lý cũng cho rằng nếu địa phương nào
không sử dụng hết quỹ thì nên sử dụng vào mục đích chung. "Sử dụng quỹ kết dư để mua trang thiết
bị, khen thưởng hay sử dụng vào mục đích khác là không đúng. Quỹ này phải được sử dụng phục vụ trở
lại trong việc khám chữa bệnh cho người dân" - ông nói.
Chủ nhiệm UBQPAN Nguyễn Kim Khoa cũng cho rằng: "Quỹ BHYT phải sử
dụng căn cứ vào mục đích quỹ là nhân đạo chia sẻ rủi ro, chứ dùng để đầu tư thì người vùng sâu xa
biên giới hải đảo không có điều kiện tiếp cận với dịch vụ này nên mới kết dư, trong khi đồng bằng
sử dụng rất lớn. Dùng số kết dư đó để đầu tư cơ sở vật chất là không nên".
Chính Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng không đồng tình
với quy định sử dụng quỹ vào mục đích mua sắm. Theo bà, đây là tiền đóng từ BHYT, và việc dùng vào
mua xe, mua trang thiết bị là không đúng, dùng để khen thưởng càng không nên. Và "nếu chia ra quản
lý dễ dẫn đến nước chảy chỗ trũng".
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhắc lại tính chất nhân đạo
của BHYT toàn dân, trong đó có việc nhà nước hỗ trợ một phần chi phí đối với các đối tượng khó
khăn, người nghèo, người có công. Ông thẳng thắn về việc nghiêm cấm "sách nhiễu" người dân, người
bệnh có BHYT. "Tôi có thẻ BHYT lại bảo đến chỗ này được, chỗ kia không được. Như vậy chỉ làm khổ
dân. Nhà tôi ở ngay cạnh bệnh viện này, sao lại bắt tôi đi vài chục cây số đến bệnh viện khác?" -
Chủ tịch QH đặt câu hỏi.
Theo Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng, tự đặt ra câu chuyện trái tuyến:
từ học trái tuyến, khám chữa bệnh trái tuyến..., là làm khó quyền học tập, khám chữa bệnh của dân. Trái
tuyến cũng chính là mầm mống nảy sinh tiêu cực. Chủ tịch Quốc hội yêu cầu phải "bỏ hết các thứ làm
khó dân đi".
BHYT bắt buộc để tiến tới BHYT toàn dân
BHYT là bắt buộc hay không bắt buộc cũng là một trong những vấn
đề quan trọng trong dự án luật được thảo luận hôm qua.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tha thiết với đề nghị chủ
trương BHYT bắt buộc, bởi theo bà, đây chính là tiền đề tiến tới BHYT toàn dân. Chủ nhiệm Ủy ban
Tài chính-ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển đồng ý với quan điểm này khi ông cho rằng BHYT
phải là bắt buộc chứ không nên chỉ trông chờ vào ngân sách.
Tuy nhiên, theo ông Hiển "Nếu là bảo hiểm toàn dân thì phải có cơ
chế hỗ trợ, giúp đỡ đối với đối tương người có công, quân nhân, hộ cận nghèo, hộ nghèo…". Ông Hiển
cũng yêu cầu phải có lộ trình cụ thể để tiến tới thu gọn dần số đối tượng mà nhà nước đóng vai trò
"bà đỡ".
Nhắc lại tính chất an sinh xã hội của BHYT, Phó Chủ tịch Quốc hội
Uông Chu Lưu cho rằng, BHYT chính là lấy số đông chia sẻ bù cho số ít. Nếu dừng ở từng bước chưa
bắt buộc là chưa nhất quán về chủ trương. Và nếu chế tài nếu không mạnh thì không bao giờ làm
được.
Tự đặt mình trong hoàn cảnh của người dân, Phó Chủ tịch Quốc hội
Huỳnh Ngọc Sơn đặt vấn đề "Tôi có tiền đi khám là do quyền của tôi. Nếu không đóng thì cũng không
làm gì được bởi luật không có chế tài". Theo Phó Chủ tịch, BHYT hiện chưa thể bắt buộc và chính vì
thế cần phải tính toán, chứ không có chế tài mà vẫn đưa vào luật thì sẽ không khả thi.
Hôm qua, TVQH cũng đã cho ý kiến về một số vấn đề trong luật Hôn
nhân gia đình (sửa đổi), Luật nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Bình luận của bạn