Empty
Empty

Câu chuyện này đã xảy ra từ gần 10 năm trước, khi cô Hardie được chẩn đoán trầm cảm sau khi sinh cô con gái thứ hai vào năm 2016. Cho tới hiện giờ, mỗi khi nhớ lại về giai đoạn đó, cô Hardie phải kêu lên rằng, “Lúc đó, tôi đã thấy và tin vào những điều hoàn toàn điên rồ”.

Câu chuyện của cô Hardie bắt đầu từ khoảng thời gian 4 tháng sau sinh. Mới đầu cô thấy những giọt nước có màu máu, rồi thấy gián chạy dưới gầm giường, nhện bò trên tường và… ma quỷ ở khắp nơi trong phòng. Cô bị kích động, đập vỡ những thứ để xung quanh mình, chạy vào bếp để tìm dao. Chồng cô, anh James Hardie, đã phải ôm chặt cô lại, ngăn cô dùng dao làm tổn thương chính mình.

Vài tiếng sau, khi cô bình tĩnh hơn, anh Hardie gọi điện tới bệnh viện rồi lái xe đưa vợ và con gái tới đó - nơi cô Hardie phải ở lại 6 tháng, sau khi các bác sĩ chẩn đoán cô bị mắc chứng loạn thần sau sinh hay trầm cảm sau sinh.

Cô Hardie và con gái được chuyển tới chuyên khoa Mẹ và bé - đơn vị điều trị cho các bà mẹ bị trầm cảm sau sinh. Ở đơn vị này, các bác sĩ, y tá cho phép cô Hardie tiếp tục chăm sóc cô con gái nhỏ của mình dưới sự giám sát.

Trong những tuần đầu tiên ở đơn vị, cô Hardie không bao giờ bị bỏ lại một mình với đứa con của mình. Mặc dù không phải tất cả phụ nữ mắc chứng loạn thần sau sinh đều có ý định làm hại bản thân hoặc con mình, nhưng hầu hết, giống như cô Hardie, đều có nguy cơ cao khi vào viện. Một số người được đưa vào viện một cách bắt buộc vì các triệu chứng của họ.

Empty

Trong nhiều tuần, cô Hardie được giám sát 24/24 bởi hai nhân viên: một người cho cô và một người cho đứa bé ngủ trong cũi cạnh giường cô.

Cô Hardie đã dành những tuần đầu tiên ở đơn vị này với mong muốn được trở về nhà. Nhưng khi nhóm chăm sóc đồng ý rằng cô đã sẵn sàng, cô lại sợ hãi. Đó là chuyện sau 2 tháng điều trị tại đơn vị. Khi đó nhóm chăm sóc xác định cô Hardie đã đủ khỏe để bắt đầu được về nhà - một phần của quy trình xuất viện dần dần, tuy nhiên, khi rời đi cùng chồng, cô đã bắt chồng dừng xe trước khi họ rời khỏi bãi đậu xe. Họ thử lại sau đó vài ngày, và sau đó vài ngày nữa. Mỗi lần, cô đều hoảng sợ và quay lại khoa trước thời hạn.

Với sự động viên của nhân viên đơn vị và sự hỗ trợ của gia đình, cô Hardie dần dần dành nhiều giờ ở nhà, sau đó là cả buổi chiều và cuối cùng là nhiều đêm liên tiếp. “Tôi dần mong muốn được ra ngoài hơn là ở trong đơn vị”, cô nói. Gần ba tháng sau khi được nhận vào viện, cô Hardie và em bé đã chính thức được xuất viện.

Tuy nhiên, trái với lời khuyên của các bác sĩ, gia đình cô đã đi đến Mallorca, Tây Ban Nha, ngay sau khi hai mẹ con xuất viện. Thông thường, sau khi bệnh nhân về nhà, các y tá sẽ đến thăm họ - đầu tiên là hàng ngày - để đảm bảo họ ổn định. Họ cũng có thể gọi cho nhân viên đơn vị để được hỗ trợ, bất cứ lúc nào trong ngày hay đêm. Tiến sĩ Coyle cho biết: “Sự phục hồi không dừng lại ở việc rời khỏi đây”.

Nhưng gia đình muốn làm điều gì đó đặc biệt để ăn mừng cuộc đoàn tụ. Họ ở trong căn hộ của một người bạn, những ô cửa sổ lớn đóng khung một vùng biển lấp lánh. Tuy nhiên, cô Hardie sớm bắt đầu cảm thấy không ổn. Cô giam mình trong phòng ngủ, gọi điện đến đơn vị nhiều lần trong ngày. Và vào ngày thứ 3 của chuyến đi, gia đình Hardie phải bay về nhà và hai mẹ con cô Hardie lại cùng quay trở lại viện.

Empty

Vào khoảng thời gian đó, cô Hardie được chẩn đoán mắc chứng rối loạn lưỡng cực - căn bệnh có liên quan chặt chẽ đến chứng loạn thần sau sinh. Sau nhiều tuần nữa và một số phương pháp điều trị mới, cuối cùng cô cũng cảm thấy là chính mình và có thể về nhà.

Hai năm sau khi xuất viện, cô Hardie được mời trở lại đơn vị - không phải với tư cách là bệnh nhân, mà là khách danh dự tại lễ khánh thành khu vườn bắt đầu được xây dựng trong thời gian cô lưu trú tại đây. Cô con gái nhỏ của cô lúc đó đã biết đi, cứ lẫm chẫm trên bãi cỏ mới cắt của khu vườn.

Empty

Trầm cảm sau sinh hay loạn thần sau sinh là một rối loạn tâm thần có thể gây ra ảo giác và suy nghĩ hoang tưởng, thường tập trung vào đứa con của người phụ nữ. Tình trạng hiếm gặp này được cho là do sự kết hợp của yếu tố di truyền, thiếu ngủ và những thay đổi sinh học sau khi sinh con.

Các nghiên cứu cho thấy rằng nếu nhận được phương pháp điều trị thích hợp, hầu hết phụ nữ sẽ phục hồi sau chứng loạn thần sau sinh. Nhưng nhiều người không nhận được sự chăm sóc cần thiết, điều này có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng. Ví như một y tá khoa sản ở Massachusetts (Mỹ) đã siết cổ ba đứa con của mình bằng dây tập thể dục trước khi cố gắng tự tử. Hay một người phụ nữ Colorado (Mỹ) đã giết đứa con trai 2 tháng tuổi của mình vào tháng 6/2023. Cả hai người phụ nữ này được cho là đã bị loạn thần sau sinh.

Những trường hợp này càng củng cố quan niệm rằng phụ nữ mắc chứng loạn thần sau sinh là nguy hiểm và không nên được phép bế con. Nhưng, “việc tách phụ nữ khỏi đứa con mới sinh có thể gây tổn thương cho cả mẹ và con, và viễn cảnh đó khiến một số phụ nữ che giấu các triệu chứng của mình” - Tiến sĩ Barney Coyle, Trưởng Khoa Mẹ và bé, Bệnh viện St. Johns (Scotland) cho biết.

Tiến sĩ Coyle cho biết hầu hết phụ nữ mắc chứng rối loạn tâm thần sau sinh không gây nguy hiểm cho con cái của họ nếu họ được chăm sóc đúng cách.

Đơn vị chăm sóc mẹ và bé đầu tiên được mở tại Anh vào năm 1948, sau khi các nhà tâm lý học quan sát thấy những tác động tiêu cực của việc tách mẹ khỏi con trong giai đoạn điều trị trầm cảm sau sinh. Cũng vì thế, để điều trị cho người mẹ, các chuyên gia đưa cả mẹ và con vào bệnh viện cùng lúc.

Nếu không có nút báo động và cửa ra vào khóa đôi, Đơn vị Mẹ và bé tại Bệnh viện St. John có thể dễ dàng bị nhầm lẫn với một Khoa Nhi thông thường. Những chiếc ghế sofa thoải mái và đồ chơi trẻ em đầy màu sắc bao quanh một phòng chờ - nơi tổ chức các lớp học âm nhạc và thủ công. Cách đó vài bước là một nhà bếp với một thùng đựng sữa bột và bình sữa dành riêng cho mỗi em bé.

Các nhà trị liệu hướng dẫn các lớp massage cho trẻ sơ sinh hay hướng dẫn lại các bà mẹ cách tắm cho trẻ sơ sinh và đưa trẻ đi dạo bằng xe đẩy trước khi họ trở về nhà.

Empty

Cô Hanna đang sống ở Tây Ban Nha với chồng và đứa con trai mới sinh khi cô trở nên lo lắng thái quá cho sự phát triển bình thường của đứa con. Sự lo lắng này khiến cô gần như không ngủ. Và khi cô chuyển từ việc cho con bú sang cho ăn sữa ngoài – theo các bác sĩ là điều này khiến hormone trong cơ thể cô thay đổi và làm nảy sinh các vấn đề về sức khỏe tinh thần, cô bắt đầu nghe thấy những giọng nói, nói rằng đứa con của cô bị dị dạng, thậm chí là một người ngoài hành tinh. Và cô tin rằng đó là lỗi của cô.

Cô Hanna chia sẻ nỗi lo lắng của mình với một bác sĩ tâm thần chuyên về chăm sóc tiền sản, và vị bác sĩ này cho rằng đó là do cô mới làm mẹ nên vậy. Cô được cho về nhà, mang theo một cuốn số ghi chép, để ghi chép lại những lo lắng ám ảnh về từng mililit sữa cô cho con ăn như thế nào. Càng lúc, cô càng cảm thấy hoảng loạn. Và một buổi sáng, cô đi chân trần ra khỏi nhà, trong bộ đồ ngủ, lái xe đến một xa lộ gần đó, dừng xe và bước ra trước đầu xe tải. “Tôi không muốn tự tử, nhưng tôi muốn dừng những nỗi lo lắng đó lại.”- cô kể.

Sau sự việc đó, cô được đưa vào khoa tâm thần tổng quát ở Tây Ban Nha - một phần của cơ sở được bao quanh bởi một bức tường cao có hàng rào thép gai, "Trông như một nhà tù vậy", cô Hanna cho biết. Và rồi, gia đình cô chuyển đến Scotland, để cô có thể được điều trị tại khoa Mẹ và bé. Tại đó, các bác sĩ chẩn đoán cô Hanna bị rối loạn tâm thần sau sinh.

Cuối cùng cô Hanna cũng ngủ được. Cô cùng với một bà mẹ khác trong đơn vị thường cùng nhau nướng bánh táo sau khi cho con ngủ. Các y tá đã quay cảnh cô Hanna làm những công việc cơ bản như thay tã cho con và cùng cô xem lại cảnh quay. Họ muốn cho cô thấy rằng cô có khả năng chăm sóc con trai mình.

Tỷ lệ nhân viên/bệnh nhân ở các đơn vị này rất cao. Hầu hết các đơn vị chỉ có chỗ cho ít hơn 10 cặp mẹ con nên việc vận hành khá tốn kém, nhưng đó là điều bắt buộc để đảm bảo an toàn. Ở Anh, việc điều trị tại các đơn vị Mẹ và bé như thế này là không mất phí, Dịch vụ Y tế Quốc gia chịu trách nhiệm chi trả.

Phụ nữ mắc chứng trầm cảm sau sinh thường mất nhiều thời gian điều trị nội trú hơn so với các khoa Tâm thần tổng quát thông thường. Ở các khoa Tâm thần, thời gian điều trị nội trú thường dưới 2 tuần, nhưng ở các đơn vị Mẹ và bé, thời gian điều trị có thể vài tháng. Các chuyên gia cho biết việc ở lại lâu hơn tại các đơn vị dành cho bà mẹ và trẻ sơ sinh giúp đảm bảo rằng các bà mẹ đã sẵn sàng trước khi xuất viện.

Tiến sĩ Giles Berrisford - người điều hành một đơn vị mẹ và bé ở Birmingham, Anh, cho biết: "Bạn có thể có những khoảnh khắc mà mọi thứ tưởng có vẻ ổn bỗng trở nên hỗn loạn". Ví như vào tháng 12/2023, một bà mẹ đang được điều trị chứng loạn thần sau sinh ở Derby (Anh) đã bóp cổ đứa con 5 tháng tuổi của mình khi đang đi dạo không có người giám sát trong một công viên gần đó. Một bác sĩ tâm thần đã gặp cô ấy vào đầu ngày hôm đó và ghi nhận sự cải thiện các triệu chứng của cô ấy.

Empty
Empty

Khi cô Hardie bắt đầu nghĩ đến việc mang thai và sinh con lần nữa, cô cũng lo lắng về chuyện có thể xuất hiện các triệu chứng sau sinh. Nhưng cô muốn có nhiều hơn 1 đứa con.

Và khi mang thai lần tiếp theo bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm, cô Hardie đã đến gặp bác sỹ Coyle. Ông đã đưa ra một kế hoạch để giữ cho cô ổn định trong suốt thai kỳ, điều chỉnh thuốc để ưu tiên sức khỏe của cô và em bé. Khi cô bước vào tam cá nguyệt thứ ba, ông đã sắp xếp một buổi gặp mặt với cô Hardie, chồng cô và một y tá sẽ đến thăm khám cho cô Hardie tại nhà trong những ngày sau khi sinh. Những "người thăm khám sức khỏe" này dành cho tất cả các bà mẹ mới sinh ở Anh.

Cả nhóm đã cùng xem lại những ghi chép của cô Hardie tại Đơn vị Mẹ và bé trước khi cô xuất viện cùng con gái. Ghi chép này phác thảo các dấu hiệu tái phát sớm của cô ("tức giận & cáu kỉnh/căng thẳng" và "tâm trạng trầm lặng hơn") và các hành động đã giúp cô vượt qua những khoảnh khắc căng thẳng trong quá khứ ("bài tập thở" và "yêu cầu hỗ trợ"). Họ xác nhận rằng cô có những người có thể giúp đỡ bất cứ lúc nào, bao gồm cả cha mẹ cô, và đảm bảo rằng mọi người đều có số điện thoại của khoa trong tầm tay.

“Theo một cách nào đó, tôi đã may mắn rất nhiều,” cô Hardie nói. Điều đó có nghĩa là cô đã nhận được nhiều sự hỗ trợ hơn vào lần thứ hai.

Cô Hardie quá lo lắng về ý tưởng bị ảo giác một lần nữa đến nỗi cô đã quyết định sinh con trong tình trạng gây mê toàn thân. Khi cô tỉnh dậy và ôm con trai trong tay, cô cảm nhận được sợi dây gắn kết giữa hai mẹ con mà cô gọi là "một mối tình sét đánh”.

Tuy nhiên, vài tuần sau khi về nhà, cô lại có các dấu hiệu trầm cảm. Thuốc chống loạn thần đã giúp cô ngăn ngừa ảo giác nhưng không thể ngăn những suy nghĩ tiêu cực và thấy khó tập trung vào đứa con trai mới sinh.

Nhóm của bác sĩ Coyle đã đặt trước một giường cho cô trong đơn vị, để phòng ngừa và cô đã thực sự phải vào đó nằm cùng cậu con trai mới sinh. Chồng cô đưa cô con gái lớn của họ đến thăm cô và em bé mỗi ngày. Sau gần ba tháng, họ được xuất viện.

Đã hơn bốn năm kể từ khi cô Hardie trở về sau lần lưu trú thứ hai. Mùa hè năm nay, gia đình Hardie đã tổ chức tiệc chiêu đãi gia đình và bạn bè tại sân sau nhà để mừng sinh nhật 5 tuổi của con trai họ.

Thế nhưng, mỗi lần tổ chức sinh nhật cho các con, cô Hardie lại cảm thấy buồn, bởi những ký ức tồi tệ của mỗi lần sinh con, bởi những ảo giác, lo lắng, bồn chồn khiến cô sợ hãi khi gần con mình. Nhưng mỗi lần thắp nến sinh nhật lại cũng giúp cô cảm thấy vui mừng, bởi đã thêm một năm cô thoát khỏi chứng trầm cảm sau sinh. Những năm tháng khó khăn đã lùi xa và hiện giờ, chỉ còn một gia đình bốn người hạnh phúc dưới một mái nhà.

Empty
Empty
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Yêu trẻ