“Cách ăn mặc không phải là cái cớ để bào chữa cho hành vi xâm hại tình dục”

Tại buổi triển lãm "Bạn mặc gì vào hôm bị xâm hại?" trưng bày 18 bộ trang phục từ các nạn nhân sống sót sau các vụ cưỡng bức - từ áo váy có phần mát mẻ cho đến những bộ trang phục kín mít từ đầu đến chân

Cần làm gì để bảo vệ trẻ em trước các hành vi bạo hành và xâm hại?

Bảo vệ con khỏi nguy cơ xâm hại

Thuốc kháng sinh “doxy-PEP” giúp ngăn chặn bệnh lây nhiễm qua đường tình dục

Những yếu tố làm tăng nguy cơ trẻ bị xâm hại tình dục

Gen Z ngán ngẩm với rượu bia, ma túy và tình dục

Phải chăng, trang phục của nạn nhân luôn “có lỗi” trong các vụ xâm hại tình dục? Chưa chắc. Bởi, khi người bạn của tôi bị quấy rối, cô ấy mặc một chiếc áo phông và quần ống rộng, một phong cách thường thấy ở các bạn sinh viên khi đến trường.

Trang phục “kín đáo” hay “hở hang”, tội ác vẫn diễn ra…

Tháng 1 năm 2021, một nữ tiếp viên hàng không tại Philippines bị cưỡng hiếp tập thể đến chết gây xôn xao dư luận. Thay vì lên án kịch liệt tội ác man rợ của thủ phạm thì thứ dư luận hướng đến đầu tiên lại là nạn nhân xấu số. Họ cho rằng vì cô gái ăn mặc "thiếu vải" nên đã làm “khơi dậy” ham muốn của thủ phạm.

Tôi vẫn còn nhớ có một triển lãm được tổ chức tại Bỉ năm 2019, mang tên “Bạn mặc gì vào hôm bị xâm hại?” Câu trả lời có thể là đồng phục học sinh, chiếc váy ngắn, bộ đồ bơi, trang phục truyền thống hoặc thậm chí là một bộ quân phục. Nạn nhân - dù có là nam hay nữ, già hay trẻ, ăn mặc hở hang hay kín mít, các vụ xâm hại tình dục vẫn diễn ra.

Vậy nhưng cho đến nay, nhiều người vẫn đổ lỗi cho nạn nhân trong các vụ quấy rối tình dục. Thứ họ quan tâm đầu tiên là “nạn nhân đã làm gì/mặc gì để bị xâm hại” sau đó mới đến hành vi kẻ phạm tội.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Tuyết Minh, giảng viên chuyên ngành Xã hội học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền bày tỏ quan điểm, cách ăn mặc không phải là cái cớ để bào chữa cho hành vi xâm hại tình dục. Xâm hại tình dục là một hành vi bạo lực xuất phát từ mong muốn kiểm soát và thể hiện quyền lực của kẻ xâm hại, chứ không phải do trang phục của nạn nhân. Việc đổ lỗi cho trang phục của nạn nhân là một hình thức đổ lỗi cho nạn nhân (victim blaming), làm lu mờ bản chất của hành vi xâm hại và giảm nhẹ trách nhiệm của kẻ gây ra hành vi đó.

Tiến sĩ Minh cũng nói thêm, cần phải thừa nhận rằng trong một xã hội còn tồn tại những định kiến về giới và tình dục, trang phục đôi khi có thể trở thành một yếu tố rủi ro. Ví dụ, những trang phục gợi cảm có thể khiến nạn nhân dễ bị chú ý hơn, hoặc bị hiểu lầm là có ý "gợi mời". Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc nạn nhân phải chịu trách nhiệm cho hành vi xâm hại.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Tuyết Minh bày tỏ quan điểm “cách ăn mặc không phải là cái cớ để bào chữa cho hành vi xâm hại tình dục”

Tiến sĩ Nguyễn Thị Tuyết Minh bày tỏ quan điểm “cách ăn mặc không phải là cái cớ để bào chữa cho hành vi xâm hại tình dục”

Đúng người, đúng tội

Thứ chúng ta cần lên án là kẻ phạm tội chứ không phải bộ đồ của nạn nhân. 

Vậy lỗi sẽ thuộc về điều gì nếu nạn nhân là một người luôn ăn mặc kín đáo? Trong năm 2018, hơn 33.000 trường hợp cáo buộc hãm hiếp đã được báo cáo tại Ấn Độ, tương đương khoảng 91 trường hợp xảy ra mỗi ngày, theo Cục Hồ sơ tội phạm quốc gia Ấn Độ. Như vậy là khoảng 20 phút lại có một vụ hiếp dâm! Vậy những người phụ nữ Ấn Độ đã mặc gì khi bị xâm hại? Hay hơn 33.000 trường hợp đó đều ăn mặc hở hang? 

Bài viết này tôi không cổ súy cho việc ăn mặc phản cảm. Đương nhiên, nếu một người ăn mặc không phù hợp với hoàn cảnh, trái với thuần phong mỹ tục, hãy lên án sự lố lăng, thiếu văn hoá của người đó. Chứ không phải giễu cợt rằng ăn mặc như vậy "xứng đáng" bị quấy rối tình dục.

Các giải pháp phòng chống xâm hại tình dục

Tiến sĩ Nguyễn Thị Tuyết Minh chỉ ra 5 giải pháp phòng, chống xâm hại tình dục

Thứ nhất, nâng cao nhận thức cộng đồng. Giáo dục về giới tính và xâm hại tình dục cần được bắt đầu từ sớm, trong cả gia đình và nhà trường. Chúng ta cần tạo ra một môi trường mà mọi người đều hiểu rõ về quyền được bảo vệ cơ thể, biết cách nhận diện và lên tiếng chống lại xâm hại.

Thứ hai, tăng cường hệ thống pháp luật. Cần có những điều luật nghiêm khắc hơn để trừng phạt kẻ xâm hại, đồng thời bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân. Hệ thống pháp luật cần đảm bảo công lý và răn đe hiệu quả. 

Thứ ba, xây dựng môi trường an toàn. Cần tạo ra những không gian an toàn, nơi mọi người cảm thấy thoải mái để chia sẻ và tìm kiếm sự giúp đỡ nếu bị xâm hại. Điều này bao gồm cả việc cung cấp các dịch vụ hỗ trợ tâm lý và pháp lý cho nạn nhân.

Thứ tư, thay đổi định kiến xã hội. Cần loại bỏ những định kiến đổ lỗi cho nạn nhân và tạo ra một xã hội tôn trọng quyền bình đẳng và tự do của mỗi cá nhân. Mọi người đều có quyền được bảo vệ khỏi xâm hại, bất kể giới tính, tuổi tác hay cách ăn mặc.

Thứ năm, khuyến khích lên tiếng. Nạn nhân cần được khuyến khích lên tiếng và tố cáo hành vi xâm hại. Chúng ta cần tạo ra một môi trường mà nạn nhân không cảm thấy sợ hãi hay xấu hổ khi tìm kiếm sự giúp đỡ.

 
Đào Dung
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Xã hội