Bảo vệ con khỏi nguy cơ xâm hại

Sự giáo dục của cha mẹ đóng vai trò quan trọng giúp trẻ phòng tránh bị xâm hại tình dục

Cuốn sách cha mẹ nào cũng cần có để dạy trẻ khỏi bị xâm hại tình dục

Các dấu hiệu có thể trẻ đã bị xâm hại tình dục

Những yếu tố làm tăng nguy cơ trẻ bị xâm hại tình dục

Phụ huynh cần làm gì để trẻ không bị xâm hại tình dục?

Dạy trẻ về giới tính và các vùng nhạy cảm

Kỹ năng đầu tiên mà trẻ cần được trang bị là kiến thức về giới tính và 4 vùng nhạy cảm trên cơ thể: Miệng, ngực, vùng giữa hai đùi và mông. Cả bé trai và bé gái đều đối mặt với nguy cơ lạm dụng, xâm hại thân thể.

Vì thế, cha mẹ cần dạy cho trẻ nhận biết rằng các vùng nhạy cảm trên cơ thể chỉ là của riêng các bé. Trẻ có quyền nói "không", và cần kiên định từ chối sự động chạm của người khác nếu trẻ không thích.

Trao đổi với báo Sức khỏe & Đời sống, TS Vũ Thu Hương - Chuyên gia Tâm lý Kỹ năng sống khuyến cáo, các bậc cha mẹ nên cho con mặc đồ lót từ sớm, tốt nhất từ khoảng 3 tuổi, rồi dặn con bất kể ai động vào khu vực đó mà chưa có sự đồng ý của con thì đều là người xấu. Trẻ nhận thức được điều này có thể giữ gìn bản thân tránh khỏi phần lớn các nguy cơ bị xâm hại.

Tương tự, trẻ cần được dạy cách tôn trọng thân thể của người khác. Cha mẹ cần dặn trẻ không được động chạm vào những vùng nhạy cảm của bạn bè và người thân, nhất là người khác giới. Đặc biệt, không nên tò mò về cơ thể người khác để tránh bị lợi dụng, dụ dỗ.

Dạy trẻ những quy tắc giao tiếp đơn giản

Hiện nay, 2 bộ quy tắc phòng chống xâm hại phổ biến được giảng dạy cho trẻ nhỏ gồm quy tắc bàn tay giao tiếp và quy tắc 4 vòng tròn. Những quy tắc này giúp trẻ hiểu được cách ứng xử phù hợp với những người xung quanh, tránh được một số tình huống nguy hiểm khi tiếp xúc với kẻ xấu.

Cha mẹ cần dạy con ứng xử lịch sự và biết giữ khoảng cách - Ảnh: Zing.vn

Cha mẹ cần dạy con ứng xử lịch sự và biết giữ khoảng cách - Ảnh: Zing.vn

Ví dụ, mỗi ngón tay trên bàn tay của trẻ ứng với một quy tắc:

- Ôm hôn (ngón cái): Chỉ dùng với những người thân ruột thịt trong nhà như: Anh chị em ruột, bố mẹ, ông bà.

- Khoác tay, nắm tay với họ hàng, thầy cô, bạn bè (ngón trỏ).

- Bắt tay khi gặp người quen biết (ngón giữa).

- Vẫy tay nếu gặp người lạ (ngón áp út).

- Xua tay (ngón út) để phòng tránh xâm hại trẻ em, hãy dạy trẻ phải biết xua tay không tiếp xúc hoặc nếu cần, phải biết hét to để cầu cứu, báo động và bỏ chạy nếu những người xa lạ tiến lại gần và có những cử chỉ thân mật khiến trẻ bất an, khó chịu.

Dạy con cẩn trọng với người lạ mặt

Dạy trẻ cẩn trọng trước sự làm quen của những người lạ mặt

Dạy trẻ cẩn trọng trước sự làm quen của những người lạ mặt

Cởi mở và hoạt ngôn là tính cách tốt ở trẻ. Tuy nhiên, cha mẹ cần dạy cho trẻ cách tránh xa người lạ mặt, không bắt chuyện hay làm quen với bất kỳ ai mà bé gặp trên đường nếu không có sự đồng ý của cha mẹ.

Đồng thời, cha mẹ nên cảnh báo cho trẻ những nguy hiểm có thể gặp phải khi bé đi chơi một mình với người lạ mặt hoặc đi đến những nơi vắng vẻ, những nơi tối tăm, kín đáo.

Luôn nhắc con không cho người lạ mặt vào nhà

Mùa Hè tới, không phải phụ huynh nào cũng có thời gian giám sát, để mắt tới con. Khi trẻ ở nhà một mình, cha mẹ cần nhắc trẻ tuyệt đối không được cho bất kỳ người lạ mặt nào vào nhà. Không cho trẻ đi chơi một mình, dù chỉ là sang nhà hàng xóm hay đến nhà người quen, mà không có sự theo dõi của bố mẹ.

Dạy trẻ cách ứng phó khi bị tấn công

Ngoài kiến thức, trẻ cũng cần một số kỹ năng khác để bảo vệ bản thân nếu không may bị kẻ xấu tấn công. Cha mẹ có thể đưa ra một số tình huống giả định và hướng dẫn trẻ cách chạy trốn, la hét thật lớn, cầu cứu người xung quanh. Với trẻ lớn hơn, việc học võ thuật giúp trẻ tự bảo vệ mình trước nguy cơ xâm hại cũng như bạo lực học đường hoặc nhiều tính huống xấu khác.

Phụ huynh nên dạy trẻ ghi nhớ số điện thoại của cha mẹ, số điện thoại khẩn cấp của cảnh sát để tìm kiếm sự trợ giúp.

Báo ngay cho cha mẹ khi trẻ cảm thấy bị đe dọa

Khuyến khích con bày tỏ ý kiến, tâm sự và báo ngay những nỗi lo sợ với phụ huynh

Khuyến khích con bày tỏ ý kiến, tâm sự và báo ngay những nỗi lo sợ với phụ huynh

Điều quan trọng hơn cả là cha mẹ cần là chỗ dựa tâm lý vững chắc cho trẻ, để trẻ có thể tin tưởng và chia sẻ bí mật với phụ huynh. Nhiều trường hợp kẻ xấu đe dọa trẻ phải giữ bí mật về hành vi đồi bại của mình, hoặc dụ dỗ trẻ bằng đồ ăn, đồ chơi, tiền… Phụ huynh cần bình tĩnh, trấn an và khuyến khích con nói ra nỗi sợ hãi hay lo lắng khi có bất kỳ kẻ nào đe dọa hoặc làm tổn thương.

Để mắt và để tâm tới con

Phụ huynh phải luôn ý thức rằng nguy cơ xâm hại tình dục có thể xảy ra với trẻ bất cứ lúc nào. Nhiều trường hợp kẻ xấu nằm trong những mối quan hệ rất gần gũi, thân quen với gia đình. Vì thế, cha mẹ luôn phải nắm được các mối quan hệ xung quanh trẻ - kể cả bạn cùng trang lứa và người lớn. Để ý tới những liên lạc bất thường qua điện thoại, qua mạng.

Nếu phụ huynh không thể trông con trong mùa Hè, hãy gửi gắm con tới người trông trẻ, lớp học hoặc trại Hè thực sự đáng tin cậy. Trong một số trường hợp, bản năng của người làm cha mẹ sẽ mách bảo: Trẻ không thoải mái, không thích ở chung với một người nào đó. Cha mẹ cần tuyệt đối không để trẻ ở lại một mình với người này.

Phụ huynh cần để mắt tới con thường xuyên để sớm phát hiện những dấu hiệu nghi ngờ trẻ bị xâm hại:

  • Đau, ngứa, đỏ, chảy máu bất thường ở vùng kín;
  • Trẻ gặp ác mộng, đái dầm nhiều lần;
  • Trẻ thu mình, ngẩn ngơ;
  • Tâm trạng thay đổi bất thường;
  • Chán ăn, khó nuốt;
  • Lo âu hoặc trầm cảm;
  • Trẻ tự dưng tránh mặt ai đó hoặc tránh tới một nơi nào đó;
  • Trẻ có hành vi, ngôn ngữ, kiến thức về tình dục không phù hợp với tuổi.

Xâm hại tình dục không chỉ là hành vi quan hệ tình dục như nhiều người vẫn nghĩ. Xâm hại tình dục trẻ em là tất cả các hành vi dụ dỗ, xúi bẩy, lôi kéo, ép buộc trẻ em thực hiện một số hành vi mang tính chất tính dục không phù hợp với lứa tuổi của các em. Hành vi nhìn chỗ kín (thị dâm), nói chuyện về vấn đề liên quan đến hoạt động tình dục, bộ phận sinh dục (khẩu dâm), nghe, động chạm, ôm… cũng là xâm hại thân thể của trẻ.

Trẻ ở tuổi vị thành niên, tuy có kỹ năng và nhận thức tốt hơn, lại đối mặt với hành vi “grooming” (tạm dịch là “chăn dắt tình dục”) hết sức tinh vi. Khái niệm này dùng để chỉ việc kẻ xấu kết bạn và xây dựng mối quan hệ thân thiết với trẻ em, nhằm chuẩn bị cho giai đoạn chính thức xâm hại tình dục. Cha mẹ cần đề phòng những người có dấu hiệu: Liên tục tìm cách ở một mình với trẻ, phớt lờ quyền riêng tư của trẻ (theo vào nhà vệ sinh, nơi thay đồ), liên tục tặng quà hoặc tiền không có lý do chính đáng…

 
Quỳnh Trang (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Yêu trẻ