Trẻ thấp hơn 3,7cm, IQ giảm 11 điểm vì môi trường sống không sạch sẽ

Ông Nguyễn Đình Thuyên - Hàm vụ trưởng Vụ các vấn đề xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại Hội thảo.

80% bệnh tật có liên quan đến nước và vệ sinh môi trường

Nhiều bệnh viện đang xả nước ô nhiễm ra môi trường

Ngoài ung thư, ô nhiễm môi trường còn "giết" bạn vì gây ra những bệnh gì?

Môi trường - tác nhân gây bệnh cho trẻ lúc giao mùa

Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Phát triển bền vững môi trường sống vì sức khỏe cộng đồng: Từ nhận thức đến hành động” diễn ra sáng ngày 23/12 tại Hà Nội. Hội thảo do Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Y tế phối hợp tổ chức với sự tham gia của lãnh đạo Ban Tuyên giáo, Bộ Y tế, các chuyên gia, nhà nghiên cứu môi trường, đại diện ban tuyên giáo các tỉnh thuộc khu vực miền núi phía Bắc và đồng bằng sông Hồng....

Ông Nguyễn Đình Thuyên - Hàm vụ trưởng Vụ Các vấn đề xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, giống như các quốc gia khác, Việt Nam đang chịu tác động lớn về môi trường do hậu quả của sự phát triển kinh tế. Nếu Việt Nam công nghiệp hóa, hiện đại hóa bằng mọi giá mà không quan tâm đến môi trường thì chúng ta cũng sẽ trả giá bằng môi trường. Việc truyền thông đúng và đầy đủ sẽ góp tiếng nói làm thay đổi hành vi của mỗi con người trong vấn đề bảo vệ môi trường, phát triển bền vững môi trường sống vì lợi ích và sức khỏe của chính mỗi người dân trong cộng đồng.

25% trẻ em nông thôn thấp còi vì vệ sinh môi trường kém

Theo điều tra của Ngân hàng thế giới (WB), tình trạng vệ sinh môi trường kém khiến Việt Nam thiệt hại kinh tế tới 2 triệu USD mỗi ngày, tương 1,3 % GDP. Đây là những thiệt hại về tài chính do chúng ta phải chi cho việc xử lý môi trường, thiệt hại kinh tế, xã hội hay các chi phí khám chữa bệnh do các tác động từ ô nhiễm môi trường...

TS. Đỗ Mạnh Cường - Cục Quản lý Môi trường y tế, Bộ Y tế cho biết, hậu quả của vệ sinh môi trường kém khiến 1,5 triệu trẻ em thấp còi, đặc biệt nghiêm trọng là ở vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn. Một con số đáng báo động nữa được đưa ra là tỷ lệ trẻ em nông thôn thấp còi hiện chiếm 25%, ở vùng núi, con số này lên tới 28%. Nghiên cứu cho thấy hậu quả nặng nề của vệ sinh môi trường không chỉ ảnh hưởng tới thể chất mà cả trí tuệ của con người. Theo đó, những trẻ 5 tuổi sống ở các cộng đồng sử dụng nhà tiêu không hợp vệ sinh so với những trẻ sống tại cộng đồng sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh thấp hơn 3,7cm, trí thông minh (IQ) giảm đi 5 - 11 điểm.

Hội thảo về Phát triển bền vững môi trường sống vì sức khỏe cộng đồng: Từ nhận thức đến hành động.

Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ ngành đã triển khai nhiều hoạt động truyền thông, vận động người dân xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, lồng ghép vào các chương trình mục tiêu quốc gia, hay nhiều địa phương đã tự bỏ kinh phí xây dựng nhà vệ sinh cho người dân. Nhiều bài học cho thấy, địa phương nào có sự quan tâm của chính quyền về công tác vệ sinh môi trường thì ở đó đời sống người dân được cải thiện, sức khỏe được nâng cao.

Cần sự vào cuộc của cộng đồng để bảo vệ nguồn nước mặt

Ths. Nguyễn Ngọc Lý - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Môi trường và cộng đồng cho biết, Việt Nam có hệ thống sông ngòi và hệ sinh thái nước phong phú, tuy nhiên chúng ta đang gặp phải một cuộc khủng hoảng về ô nhiễm nước. Một thực tế là tại Việt Nam 80% nước thải từ các hoạt động của con người là thải thẳng vào hệ thống sông ngòi và biển mà không qua xử lý.

Theo số liệu của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, mỗi năm ở Việt Nam có 1 triệu ca tiêu chảy, tuy nhiên đây mới là con số thống kê tại các bệnh viện, còn con số thực tế chắc chắn sẽ rất cao. Đó là hậu quả của ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước mặt.

PGS.TS Đào Trọng Tứ - Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu cho biết, gần một nửa trong số 26 bệnh truyền nhiễm có nguyên nhân liên quan đến nguồn nước bị ô nhiễm. Ảnh hưởng của ô nhiễm nước mặt đến sức khỏe chủ yếu thông qua đường ăn uống, và tiếp xúc với nguồn nước bị ô nhiễm, quá trình sinh hoạt và lao động. Tiêu chảy, các bệnh gan, giun sán, đau mắt hột... là những bệnh thường gặp khi sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm. Ngoài ra, các nguồn nước bị ô nhiễm kim loại nặng còn gây ra các bệnh thiếu máu, bệnh về da... Nguồn nước và điều kiện vệ sinh kém là nguyên nhân gây tử vong cho khoảng 9000 người Việt mỗi năm.

Việc quản lý chất lượng nguồn nước tại Việt Nam thường do Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý, nhưng để đạt được Mục tiêu Phát triển bền vững về nước sạch và vệ sinh môi trường mà Việt Nam đã ký cam kết, cần sự vào cuộc của tất cả hệ thống chính trị, các bộ, ngành, địa phương và cả cộng đồng. Phấn đấu đến năm 2030, cải thiện chất lượng nước thông qua giảm ô nhiễm, xóa bỏ tình trạng vứt rác thải bừa bãi và giảm thiểu phát thải các hóa chất và vật liệu độc hại, giảm một nửa tỷ lệ nước thải chưa qua xử lý, tăng cường tái chế và tái sử dụng an toàn...

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Xã hội