Phần mềm này được Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) triển khai thí điểm tại bảy tỉnh bao gồm Hà Nội, Yên Bái, Thái Bình, Bình Định, Bình Dương, Đồng Tháp và Đắc Lắk từ tháng 7/2012.
Sau gần hai năm triển khai thí điểm, đến nay cả nước đã có 49 tỉnh, thành thực hiện báo cáo các bệnh truyền nhiễm qua phần mềm này.
Qua đánh giá sơ bộ, việc ứng dụng phần mềm có số liệu được lưu giữ tập trung, dễ quản lý, đảm bảo tính bảo mật và báo cáo một cách nhanh chóng, thuận tiện.
Cục Y tế dự phòng đã ban hành quyết định triển khai việc áp dụng phần mềm này trong cả nước kể từ ngày 1/7/2014, như một kênh báo cáo chính thức.
Phần mềm giám sát bệnh truyền nhiễm được xây dựng nhằm mục đích nhập, xử lý và báo cáo số liệu bệnh truyền nhiễm qua mạng Internet trong tất cả các đơn vị y tế dự phòng từ tuyến xã cho đến Cục Y tế dự phòng.
Phần mềm được thiết kế mở, dễ sử dụng và cho phép nâng cấp khi cần. Người sử dụng có thể truy cập phần mềm trên máy tính có kết nối Internet thông qua tài khoản và mã truy cập và có chức năng nhập liệu ngay cả khi đường truyền Intetnet không ổn định.
Theo phân quyền của các cấp, người dùng có thể tạo báo cáo, xem báo cáo, chỉnh sửa và lưu số liệu của tuyến dưới. Cục Y tế dự phòng là cấp cao nhất, thực hiện chức năng quản trị hệ thống.
Theo Cục Y tế dự phòng, trước đây các đơn vị y tế dự phòng thường báo cáo dịch bệnh tại địa phương bằng văn bản, email, fax hoặc điện thoại. Tuy nhiên, nhiều đơn vị báo cáo bằng điện thoại nên chỉ báo cáo những bệnh có tại địa phương.
Bên cạnh đó, thời gian báo cáo bằng giấy còn khá chậm, đặc biệt là báo cáo ca bệnh nhóm A, không đảm bảo tính kịp thời để phục vụ công tác phòng chống dịch.
Vì vậy, phần mềm giám sát bệnh truyền nhiễm được xây dựng đã phần nào đáp ứng các yêu cầu về tính liên tục và kịp thời trong công tác phòng chống dịch./.
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin
Bình luận của bạn