Triển khai Sổ sức khỏe điện tử qua VNeID trên toàn quốc

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Bộ Y tế ban hành Hướng dẫn thí điểm Sổ sức khỏe điện tử VneID

Toàn dân sẽ có sổ sức khỏe điện tử

Báo cáo tại Hội nghị, Trung tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, đến nay Bộ Y tế đã tạo lập hơn 32 triệu dữ liệu Sổ sức khỏe điện tử cho người dân, trong đó trên 14 triệu công dân đã tích hợp Sổ sức khỏe điện tử trên VNeID. Người dân có thể theo dõi tình trạng sức khỏe của mình, sử dụng giấy chuyển tuyến, giấy hẹn tái khám thông qua ứng dụng VNeID một cách dễ dàng, thuận tiện. Hàng năm ước tính sẽ tiết kiệm khoảng 1.150 tỷ đồng tiền mua sổ y bạ cho 230 triệu lượt người khám bệnh; Người dân hoàn toàn chủ động theo dõi hồ sơ sức khỏe của bản thân và có thể cung cấp hồ sơ bệnh án của mình cho bác sĩ ở bất cứ đâu, bất cứ khi nào…

Trung tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an báo cáo về tiết trình lập dữ liệu Sổ sức khỏe điện tử tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Trung tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an báo cáo về tiết trình lập dữ liệu Sổ sức khỏe điện tử tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Hội nghị cũng đã thảo luận về những kết quả đạt được trong việc triển khai thực hiện thí điểm Sổ sức khỏe điện tử và cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua ứng dụng VNeID; Những hạn chế, vướng mắc và đề xuất giải pháp để triển khai thực hiện mở rộng mô hình này trên phạm vi cả nước.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tư tưởng chỉ đạo là chỉ bàn làm không bàn lùi, vừa làm vừa rút kinh nghiệm mở rộng dần, không cầu toàn không nóng vội, không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm. Cùng với đó quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, làm việc phải đúng trọng tâm trọng điểm, phân công phải rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ kết quả. Các bộ ngành địa phương phải tập trung xây dựng dữ liệu của mình theo tinh thần "đúng, đủ, sạch, sống, theo thời gian thực" và phải kết nối chia sẻ dữ liệu với nhau, trong đó có Sổ sức khỏe điện tử.

Về mục tiêu, Thủ tướng nhấn mạnh, mỗi công dân Việt Nam kể cả những người chưa có thẻ bảo hiểm y tế đều sở hữu một sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VNeID. Đến đầu năm 2025, 100% cơ sở y tế (công lập và tư nhân) và có 40 triệu người dân sử dụng Sổ sức khỏe điện tử.

Để thực hiện mục tiêu trên một cách hiệu quả, Thủ tướng đề nghị thực hiện “5 đẩy mạnh” gắn với "5 bảo đảm”. Trong đó, phải đẩy mạnh chuyển đổi số mạnh mẽ về cả tư duy và hành động; Cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số; Nâng cao năng lực quản lý nhà nước theo hướng hiện đại, công khai, minh bạch, hiệu lực, hiệu quả; Phát triển cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành theo hướng tăng cường kết nối, liên thông, tích hợp, chia sẻ dữ liệu; Triển khai các tiện ích trên nền tảng VNeID để người dân, doanh nghiệp hưởng thụ thật; Đẩy mạnh thông tin truyền thông, tạo đồng thuận xã hội và hướng dẫn kỹ năng.

Cùng với đó phải đạt “5 bảo đảm” gồm: Bảo đảm sự tham gia đồng bộ của tất cả các bộ, ngành, địa phương trong quá trình triển khai; Bảo đảm hạ tầng số, nền tảng số hoạt động ổn định, thông suốt; Bảo đảm nhân lực để triển khai các ứng dụng, tiện ích, nền tảng số; Bảo đảm 100% người dân, doanh nghiệp có nhu cầu được tiếp cận dễ dàng, an toàn, tiện lợi, chi phí thấp và thu hút người dân tham gia góp ý trong quá trình thiết kế, sáng tạo, hướng đến cá nhân hóa các dịch vụ công trực tuyến được cung cấp; Bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin, tính riêng tư của thông tin, dữ liệu.

Các đại biểu tham dự Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Các đại biểu tham dự Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng cũng giao các nhiệm vụ cụ thể cho các bộ ngành địa phương, nhất là đối với Bộ Công an phối hợp với cơ quan liên quan tiếp tục hoàn thiện, tối ưu hóa các tiện ích hiện có trên ứng dụng VNeID, đảm bảo hệ thống hoạt động ổn định, an toàn, thuận tiện, thông suốt, công khai, minh bạch. Các bộ, ngành, địa phương chủ động nghiên cứu, phối hợp với ng Bộ Công an đề xuất triển khai, tích hợp tiếp những loại giấy tờ đang quản lý và cung cấp các tiện ích mới trên ứng dụng VNeID.

Đối với Bộ Y tế, Thủ tướng giao tiếp tục hoàn thiện Sổ sức khoẻ điện tử qua VNeID, để người dân có thể sử dụng thay thế sổ khám chữa bệnh bằng giấy, hoàn thành trong năm 2024. Đẩy mạnh hướng dẫn các cơ sở khám, chữa bệnh và người dân thực hiện sổ sức khoẻ điện tử qua VNeID. Nghiên cứu xây dựng Sổ sức khỏe điện tử cho trẻ em, nhất là thông tin tiêm chủng (ngay từ khi chào đời) gắn với VNeID của cha mẹ, người giám hộ. Hướng dẫn các bệnh viện triển khai bệnh án điện tử, nghiên cứu thiết lập bệnh án điện tử cho tất cả công dân…

Tại Hội nghị, Thủ tướng và các đồng chí lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo một số bộ, ngành đã thực hiện nghi thức bấm nút chính thức triển khai mở rộng thí điểm Sổ sức khỏe điện tử thông qua VNeID trên toàn quốc.

 
Lê Tuyết (Theo Báo Chính phủ)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin