Các bác sĩ đang thực hiện ca lấy đa tạng từ người cho chết não tại Bệnh viện Việt Nam - Thuỵ Điển Uông Bí
Đề xuất tích hợp đăng ký hiến tạng trên bằng lái xe, căn cước công dân
Cứu sống 5 bệnh nhân từ 6 tạng của một người hiến tạng chết não
Hiến tạng cho người dưng
Những món quà vô giá cho sự hồi sinh
"Một cuộc đời ra đi, nhiều cuộc đời ở lại", câu nói trở thành lẽ sống của nhiều người khi quyết định hiến dâng một phần cơ thể cho y học sau khi qua đời. Từ nghĩa cử cao đẹp ấy, nhiều cuộc đời tưởng như tắt hy vọng sống được tái sinh. Trái tim và những bộ phận mô, tạng... là món quà vô giá của sự sống mà những người hiến tặng mô tạng trước khi qua đời để lại, hằng mong cứu sống người bệnh chờ tạng hiến ở khắp nơi.
Mới đây, vào đầu tháng 4, một công dân tại Quảng Ninh bị chấn thương sọ não rất nặng sau tai nạn giao thông. Ngay sau khi có kết luận chẩn đoán chết não cuối cùng sau 3 lần đánh giá của Hội đồng chẩn đoán chết não, gia đình đã đồng ý hiến tạng của bệnh nhân để hồi sinh sự sống cho những người bệnh nặng.
Ngay khi nhận được thông tin, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) đã khẩn trương xây dựng kế hoạch lấy đa mô tạng, hiệp đồng chặt chẽ với Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, các Trung tâm ghép tạng trên toàn quốc, để rà soát và lên danh sách bệnh nhân sẽ được ghép tạng.
Được biết, có gần 120 y bác sĩ tham gia điều phối, phẫu thuật lấy và ghép tạng cho các bệnh nhân. Trong đó có 60 y bác sỹ đến từ các trung tâm ghép tạng của Việt Nam như Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Trung ương Huế. Sau 4 giờ phẫu thuật liên tục với sự tập trung cao độ và phối hợp nhịp nhàng, các ê-kip phẫu thuật đã thành công lấy các tạng đúng như dự kiến và vận chuyển tới các đơn vị để ghép cho bệnh nhân.
Cụ thể, trái tim và một thận, gan trái được điều phối tới Bệnh viện Trung ương Huế để ghép cho ba người. Gan phải và một thận được đưa vào Bệnh viện Việt Đức ghép cho hai người. Hai giác mạc được chuyển đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, để ghép cho các bệnh nhân. Đến nay, tất cả tạng sau ghép đều có tiến triển tốt, cứu sống 7 người.
Đây cũng là lần đầu tiên việc lấy tạng được thực hiện tại một bệnh viện tuyến tỉnh. PGS. Đồng Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, nói ca hiến ghép này đánh dấu một cột mốc quan trọng trong việc mở rộng mạng lưới hiến, ghép tạng từ tuyến huyện, tỉnh. Nếu mô hình này được triển khai thành công, nguồn tạng sẽ được mở rộng hơn, thêm nhiều bệnh nhân sống sót.
"Cho đi là còn mãi"
Trước thành công của ca ghép đa tạng, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gửi thư khen tập thể y bác sĩ đã điều phối ghép tạng từ người cho chết não cứu sống 7 người và tri ân gia đình người hiến tạng ở Quảng Ninh.
Thủ tướng đánh giá ca lấy ghép tạng thành công thể hiện những tiến bộ vượt bậc về trình độ, kỹ thuật chuyên môn sâu, kinh nghiệm phong phú của ngành y tế Việt Nam. Đặc biệt, đội ngũ y tế đã làm chủ được kỹ thuật ghép các loại tạng, liên tiếp thực hiện thành công nhiều ca ghép đa tạng trong thời gian vừa qua. Các ê-kíp đã tận tụy hết lòng vì bệnh nhân, "chạy đua với thời gian", kết quả là mang đến thành công của ca ghép tạng, thắp lên hy vọng hồi sinh bệnh nhân.
Trong thư khen, Thủ tướng viết: "Đây là minh chứng cho sự nhận thức ngày càng lan tỏa, sâu rộng trong xã hội về hiến tạng cứu người - một nghĩa cử cao đẹp, biểu trưng cho truyền thống tương thân, tương ái tốt đẹp của dân tộc Việt Nam".
Người đứng đầu Chính phủ cũng gửi lời chia buồn sâu sắc và tri ân tấm lòng gia đình người hiến tạng đã nêu cao tinh thần "cho đi là còn mãi", vượt qua nỗi đau, mất mát để gieo mầm sự sống, hạnh phúc cho nhiều gia đình, bệnh nhân khác.
Ghép mô, tạng là phương pháp điều trị cuối cùng đối với các bệnh nhân mắc bệnh mạn tính, hiểm nghèo do mô, tạng bị suy giảm chức năng và không hồi phục như suy thận mạn, gan, tim, tủy, hỏng giác mạc... Theo Vnexpress, tính đến đầu năm nay, sau 32 năm ghép tạng và 14 năm lấy tạng từ người cho chết não, cả nước đã thực hiện hơn 8.000 ca ghép. Hiện, gần 4.000 người trong danh sách chờ ghép, chủ yếu là bệnh nhân chờ ghép thận và gan.
Một tín hiệu tích cực là gần đây người dân đã có những thay đổi nhận thức về việc hiến tạng. Trước đây nhiều người cho rằng người quá cố cần được nguyên vẹn thân thể. Vì vậy, việc mổ xẻ để lấy đi một phần thân thể khi qua đời là việc làm đụng chạm vào góc khuất của tín ngưỡng, tâm linh, cả tâm lý của những người thân trong gia đình. Thế nhưng, con số thống kê từ Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia cho thấy, năm 2014 chỉ có 265 người đăng ký hiến tạng, nhưng đến cuối tháng 6-2023, số người đăng ký hiến tạng đã tăng lên hơn 73.000 người.
Thời gian qua, nhiều cá nhân tìm đến Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia để đăng ký hiến mô, tạng, gồm nhiều lứa tuổi, trình độ và nghề nghiệp khác nhau. Họ có điểm chung là đều cùng một suy nghĩ “sống phải biết cho đi”.
Bình luận của bạn