TS Nguyễn Sĩ Dũng: Y tế Việt Nam nhìn từ chuyện Mỹ

"Nhiều nước trên thế giới dịch vụ y tế, giáo dục cũng như nhiều dịch vụ xã hội khác đều do nhà nước cung cấp. Và kết quả là chúng ta đều thấy, các nước này là những nước phát triển hàng đầu trên thế giới, đời sống xã hội ổn định, hài hòa. Đặc biệt, các nước này rất ít khi bị rơi vào suy thoái, cũng như vào các cuộc khủng hoảng tài chính-tiền tệ". TS Nguyễn Sĩ Dũng - Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc Hội cho biết.


Biết rõ những nguy cơ và thiệt hại từ quyết định "đóng cửa Chính phủ liên bang", nhưng Mỹ sẵn sàng đương đầu và chấp nhận chỉ để đảm bảo rằng, 32 triệu người dân nghèo được hưởng các dịch vụ y tế. Mỹ đã lựa chọn lợi ích sức khỏe của người nghèo, tại sao vậy, thưa ông?
TS Nguyễn Sĩ Dũng: Trước hết, đây không phải là Mỹ chung chung mà là Tổng thống Mỹ và phe của Đảng dân chủ lựa chọn chương trình Obamacare được cho là sẽ bảo đảm dịch vụ y tế giá rẻ cho 32 triệu người có thu nhập thấp.

Cũng là Mỹ cả, nhưng phe của Đảng cộng hòa chiếm đa số ở Hạ viện lại không ủng hộ chương trình nói trên. Phe Đảng cộng hòa không ủng hộ chương trình Obamacare thì không có nghĩa là họ không đấu tranh cho công bằng, bình đẳng, không chăm lo cho con người. Hoàn toàn không phải như vậy! Đơn giản chỉ vì họ theo triết lý khác và có niềm tin khác.

Nhìn chung, những người theo Đảng cộng hòa thường không ủng hộ sự can thiệp của nhà nước. Họ cho rằng xã hội phải lớn, và nhà nước thì phải bé.

Nhà nước đứng ra lo bảo hiểm y tế thì chỉ gây thêm tốn kém và chưa chắc đã hiệu quả hơn. Câu hỏi mà những người theo Đảng cộng hòa thường đưa ra là: "Tại sao lại cần đẻ thêm ra các vị quan chức nữa giữa tôi và bác sĩ của tôi?". Tất nhiên, cách lập luận của Đảng cộng hòa có vẻ có lợi hơn cho những người giàu.

Ngược lại, Đảng dân chủ lại thiên về công bằng xã hội và bảo đảm cơ hội cho tất cả mọi người. Triết lý của Đảng dân chủ có vẻ có lợi hơn cho những người nghèo, nhưng lại rất dễ triệt tiêu động lực phấn đấu vươn lên trong cuộc sống.

Chính vì vậy, khó có thể khái quát hóa một cách chung chung là triết lý của Đảng dân chủ đúng hơn hay của Đảng cộng hòa đúng hơn. Chân lý phải cụ thể, mọi chuyện chỉ đúng hoặc sai trong những hoàn cảnh nhất định mà thôi.

Thưa ông, chính sách y tế công như vậy sẽ có tác dụng gì về lâu dài? Theo ông, chính sách y tế công của Việt Nam đã thực sự phát huy hiệu quả và đạt được mục tiêu hay chưa? Người nghèo đã được hưởng lợi gì từ chính sách này?

Tôi nghĩ mọi chính sách công, kể cả chính sách y tế, đều có những tác động hết sức to lớn và lâu dài: có thể là tác động tích cực, mà cũng có thể là tác động tiêu cực. Vấn đề là không phải bao giờ chúng ta cũng thấy trước hết được các tác động của chính sách.

Chính sách y tế của Việt Nam, có lẽ, ở một góc cạch nào đó, gần với quan điểm của Đảng dân chủ hơn. Chúng ta quan tâm nhiều hơn đến sự bình đẳng xã hội và quyền tiếp cận dịch vụ y tế của người nghèo.

Mục tiêu phổ cập bảo hiểm y tế cho toàn dân thì tất nhiên là chúng ta chưa đạt được. Tuy nhiên, đây là một chương trình dài hạn, và kết quả thực hiện còn phụ thuộc rất nhiều vào sự phát triển kinh tế của đất nước ta.

Trước mắt, Nhà nước tích cực hỗ trợ chương trình bảo hiểm y tế cho người nghèo và chương trình bảo hiểm y tế tự nguyện.

Nhìn từ thế giới việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng được thực hiện thế nào? Theo ông, nếu chính sách y tế công được thực hiện hiệu quả nó sẽ có tác động như thế nào tới sự thúc đẩy phát triển nền kinh tế-xã hội hiện nay? Ông có thể chia sẻ một vài kinh nghiệm từ thế giới?
Tôi chắc chắn không ủng hộ quan điểm của Đảng cộng hòa. Tôi cho rằng đầu tư cho việc chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo đảm quyền tiếp cận các dịch vụ y tế cho mọi người dân là trách nhiệm của nhà nước. Tôi thấy mô hình của Đức, của các nước Bắc Âu như Thụy Điển, Đam Mạch… là rất đáng học tập.

Các nước nói trên, đặc biệt là các nước Bắc Âu được gọi là các quốc gia phục lợi. Tại các quốc gia này, dịch vụ y tế, giáo dục cũng như nhiều dịch vụ xã hội khác đều do nhà nước cung cấp. Và kết quả là chúng ta đều thấy, các nước này là những nước phát triển hàng đầu trên thế giới, đời sống xã hội ổn định, hài hòa. Đặc biệt, các nước này rất ít khi bị rơi vào suy thoái, cũng như vào các cuộc khủng hoảng tài chính-tiền tệ.

Để đảm bảo sức khỏe cho các thế hệ tương lai, việc tiêm chủng ko chỉ là bắt buộc mà nhà nước cùng với các tổ chức phi chính phủ còn tạo điều kiện tối đa cho người dân: tiêm chủng miễn phí, trả tiền cho cha mẹ đưa con đi tiêm chủng... Họ cho rằng làm như thế là giảm nhẹ gánh nặng chi tiêu y tế công trong tương lai vì sức khỏe của dân dần dần được cải thiện tốt hơn, chi phí y tế sẽ giảm dần tương ứng, ông nghĩ sao về cách tư duy này?

Chắc chẳng cần hỏi thì bạn cũng biết tư duy như vậy là rất đúng đắn.

Xin cảm ơn ông!
Doan Truong
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Góc nhìn quản lý