Nhiều bệnh viện công tại TP HCM bắt đầu trang bị cơ sở vật chất, dịch vụ chất lượng cao. Ảnh minh họa: Lê Phương.
Không có chuyện cấm bác sỹ bệnh viện công mở phòng khám tư
Chính phủ “gật đầu” cho bệnh viện công thu đủ chi phí, có tích lũy
Bệnh viện công-tư: Nên “bắt tay” để giảm tải
Bác sỹ bỏ bệnh viện công: Nhìn thẳng vào sự thật
Vấn đề tự chủ tài chính của các bệnh viện được nhiều đại biểu đưa ra tại phiên chất vấn Sở Y tế kỳ họp HĐND TP.HCM chiều 8/12. Đại biểu Cao Thanh Bình ở quận 9 băn khoăn khi bệnh viện tự chủ tài chính, việc khám chữa bệnh của người dân sẽ ảnh hưởng và chế độ bảo hiểm y tế thay đổi.
Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh chia sẻ trong số 8 bệnh viện đã tự chủ tài chính có 2 bệnh viện tuyến quận là Thủ Đức, Bình Thạnh và 6 bệnh viện tuyến thành phố, chủ yếu là bệnh viện chuyên khoa. Khi các bệnh viện bắt buộc phải tự chủ từ năm 2017, giá cả dịch vụ y tế sẽ tăng cao. Điều này gây trở ngại rất lớn cho những người bệnh chưa kịp mua bảo hiểm y tế. Do đó các cơ sở sẽ giữ nguyên giá dịch vụ 6 tháng đầu năm.
Đến tháng 7/2017, 32 bệnh viện trung tâm và 23 bệnh viện quận huyện sẽ tự chủ hoàn toàn. Trong giai đoạn đầu, những cơ sở y tế có khả năng khám chữa bệnh thấp sẽ được ngành y thành phố hỗ trợ tiền lương nhân viên, hoàn thiện trang thiết bị, phân bố nhân lực để theo kịp xu thế chung. "TP.HCM sẽ chọn vài bệnh viện để thí điểm mô hình doanh nghiệp nhà nước, tự chủ đầu tư lẫn hoạt động theo chủ trương của Bộ Y tế. Không gọi là hội đồng quản trị như doanh nghiệp mà sẽ gọi là hội đồng quản lý", ông Bỉnh nói.
Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh trả lời chất vấn của đại biểu HĐND ngày 8/12. Ảnh: Thành Nguyễn |
Trước câu hỏi tăng viện phí có ảnh hưởng người dân hay không, lãnh đạo Sở Y tế cho biết bệnh viện tăng giá, cạnh tranh nâng cao chất lượng trong cơ chế tự chủ thì người dân sẽ được đảm bảo quyền lợi chăm sóc sức khỏe tốt hơn. Khi bệnh viện làm không tốt, bệnh nhân quay lưng, không hài lòng thì nguồn thu của bệnh viện, lương cán bộ y tế sẽ bị ảnh hưởng. Với những hộ nghèo, cận nghèo, nhà nước sẽ có chính sách hỗ trợ mua bảo hiểm y tế.
Theo ông Bỉnh, thời gian qua ngành y đã áp dụng nhiều biện pháp cải tiến. Quy trình khám chữa bệnh từ 8 - 12 bước giảm còn 3 - 8 bước, rút ngắn thời gian chờ đợi. 18 bệnh viện trung tâm đã áp dụng đăng ký khám bệnh từ xa qua tổng đài điện thoại, qua Internet. Các bệnh viện bắt đầu thí điểm đồ án điện tử, áp dụng công nghệ thông tin. Bên cạnh xây mới, nâng cấp nhiều bệnh viện, các trường y tăng cường đào tạo y bác sỹ cả về số lượng lẫn chất lượng để đảm bảo nguồn nhân lực.
"Hiện đã phủ bác sỹ ở 319 trạm y tế, sắp tới sẽ lồng ghép mô hình bác sỹ gia đình để kiện toàn hệ thống y tế cơ sở", ông Bỉnh phân tích. Dự kiến mỗi năm thành phố tăng thêm 400 bác sỹ gia đình, đến năm 2020 sẽ có 2.000 bác sỹ, đảm bảo chăm sóc sức khỏe ban đầu, dự phòng bệnh tật một cách thường xuyên, liên tục.
Ghi nhận những nỗ lực ngành y tế, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị cần đẩy nhanh vấn đề tự chủ tài chính, lộ trình phân loại các cơ sở y tế hợp lý để có giải pháp phù hợp, đảm bảo chất lượng khám chữa bệnh cho người dân thành phố và các tỉnh thành lân cận. Quan tâm nhiều hơn đến mạng lưới y tế cơ sở, ứng dụng công nghệ thông tin, đầu tư cơ sở vật chất.
"Đưa bác sỹ về trạm y tế, triển khai bác sỹ gia đình là một chuyện. Vấn đề là người dân phải tin tưởng, hợp tác thì mới phát huy hiệu quả", bà Tâm nói. Theo bà, hiện lòng tin của dân vào y tế cơ sở rất giới hạn nên cần tạo ra những hiệu ứng đồng thuận của hơn 10 triệu dân. Không cần đi nhanh nhưng đến đâu chắc tới đó, thí điểm triển khai những khu vực điển hình để tạo thành công lan dần như những vết dầu loang.
Bình luận của bạn