Bác sỹ bỏ bệnh viện công: Nhìn thẳng vào sự thật

Bé gái chết bất thường do bác sỹ tắc trách?

Ngăn ngừa thoái hóa khớp: Hãy là bác sỹ của chính mình!

Bác sỹ tự phẫu thuật lưỡi để chữa ngáy

Thêm một bác sỹ Mỹ nhập viện do virus Ebola

Ebola: Các bác sỹ quân đội Anh đến Tây Phi

Công ai bắt tép nuôi cò?

Không ai sống hộ cho cuộc sống của người khác, đó là điều rõ như ban ngày. Để được đi học và đào tạo ở các tuyến cao hơn, chắc chắn các bác sỹ ở tuyến dưới phải có một thời gian làm việc và cống hiến cho bệnh viện. Do ngân sách Nhà nước dành cho y tế có hạn, nhiều bệnh viện đã áp dụng các biện pháp làm chậm quá trình vào biên chế hoặc ký hợp đồng không xác định thời hạn của các bác sỹ như: kéo dài thời gian học việc, thử việc, hợp đồng ngắn hạn. Trong khi đó, tại Khoản 4, Điều 8, Chương I của Bộ luật Lao động 2012 có ghi:“Các hành vi nghiêm cấm… 4. Lợi dụng danh nghĩa dạy nghề, tập nghề để trục lợi, bóc lột sức lao động…”. Nếu đến tìm hiểu về vấn đề quy trình tổ chức cán bộ của các bệnh viện tuyến dưới, hẳn sẽ lộ ra nhiều điều thú vị.

 

Các bác sỹ bỏ bệnh viện công ra làm tư nhân ngày càng nhiều

Như vậy, liệu bệnh viện là người “bắt tép nuôi cò”, hay chính các bác sỹ ấy, trong quá khứ đã có một thời gian dài phải còng lưng ra để cố gắng chen chân vào bệnh viện, nơi vốn đã chật hẹp, dù công việc thì nhiều nhưng ngân sách chỉ cho từng đó biên chế??? Nếu như có ai được bỏ tiền đào tạo và sau đó lại ra đi, thì trước hết các bệnh viện hãy tự trách mình vì không có đầy đủ các điều khoản ràng buộc khi ký quyết định cho đi học cũng như trong hợp đồng lao động của mình. Và trong nhiều trường hợp, e rằng sự ra đi dễ dàng là bởi làm bao nhiêu năm vẫn chỉ là theo hợp đồng mà thôi.

 

Khoản 1 Điều 10 chương II của Bộ luật Lao động 2012 có ghi:“Quyền làm việc của người lao động 1. Được làm việc cho bất kỳ người sử dụng lao động nào và ở bất kỳ nơi nào mà pháp luật không cấm…”. Nếu như các bác sỹ đó đã giải quyết các giấy tờ thủ tục với bệnh viện công, thì chẳng có lý do nào trách cứ họ cả, bởi họ vẫn đang thực hiện đúng các quy định của pháp luật. Hơn nữa với chính sách thúc đẩy công bằng y tế công – tư thì rõ ràng họ cũng không hề đi ngược lại với mong muốn của Quốc hội và Nhà nước.

Rũ áo ra đi” hay “nhốt chim trong lồng”?

 

Một người bạn đồng nghiệp của tôi sau vài năm về tuyến dưới đã nói rằng:“Về đây, tất cả các kiến thức cứ dần mai một vì người dân đa phần lên tuyến trên hoặc đến các trung tâm y tế lớn để khám và điều trị, mình muốn làm, muốn phát triển nhưng hệ thống cũ đã quá trì trệ, không ai muốn thay đổi nữa. Đặc biệt là sau khi đi học lên cao ở tuyến trên mà đến khi về nhà không được áp dụng. Vậy là ai ở tuyến dưới cũng muốn đi.”

 

 

Nhìn lại các bệnh viện đang ngày một thay đổi ví dụ như Bệnh viện tỉnh Phú Thọ với khuôn viên sạch sẽ, tác phong làm việc cải thiện đáng kể, thường xuyên mời các bác sỹ chuyên gia đầu ngành về làm việc và hỗ trợ chuyên môn. Đó thực sự là một môi trường làm việc hứa hẹn sẽ tạo được uy tín cho người dân.
Khó khăn về trang thiết bị khiến các bác sỹ không có cơ hội phát huy kiến thức đã học của mình

Ngược lại, có những bệnh viện kể cả công lẫn tư, đổ ra hàng đống tiền để đầu tư cơ sở hạ tầng và máy móc thiết bị hiện đại, nhưng cuối cùng vì không tạo được lòng tin với dân, cho nên lúc nào cũng vắng. Đi học cao lên, giống như được trang bị thêm cánh, nhưng khi về trở lại nơi chốn cũ thì có cánh cũng vô ích, bởi cái lồng cứ ngày càng hẹp lại, bởi mong muốn phát triển mà xung quanh cứ ì ra. Ai sẽ hiểu được điều đó? Có lẽ, ham muốn lớn nhất của một người bác sỹ là chữa khỏi được cho bệnh nhân. Vậy mà ai đó cứ bắt những người đã được đào tạo tốt phải ngồi một chỗ phí hoài khả năng, trong khi chưa tự trách mình vì sao lại thiếu năng lực lãnh đạo đến mức nhân sự phải ra đi? Rõ ràng đãi ngộ “có vẻ” tốt, vậy thì nếu không vì môi trường làm việc kém và ảm đạm thì chẳng có lý do gì họ lại ra đi.

 

 

Bác sỹ không phải thiên tài
Quá đúng! Ý này là đúng nhất trong bài báo. Bác sỹ cũng chỉ là người bình thường, chỉ khác những người khác là họ có khả năng cứu được người sắp chết, ngăn ngừa được dịch bệnh lây lan, xử lý được các tình huống đe dọa tính mạng của con cháu nhà mình. Họ làm những điều đó cũng chỉ như các cỗ máy thôi, không có gì là thiên tài cả.
Một ý rất đúng của Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Đào Trọng Thi, bác sỹ (ở Việt Nam) chẳng hơn gì cử nhân! Bác sỹ hẳn phải hơn cử nhân về quá trình đào tạo, nhưng đúng là chẳng hơn gì về bậc lương, thậm chí xét về thời điểm bắt đầu bậc lương cơ bản thì còn thua xa! Ở nước ngoài thì sao? Tại Mỹ, để vào được đại học y, bạn phải có một tấm bằng tốt nghiệp đại học trong 3-4 năm trước. Tại Pháp, bạn phải trải qua tổng cộng 4 vòng học tập, và sau đó là một vòng nâng cao ở bệnh viện, tổng cộng 10 năm. Tại Việt Nam, mô hình của chúng ta cũng tương đối giống Pháp. Nếu để hành nghề chính thức (theo đúng quy định của pháp luật) thì bác sỹ ở Việt Nam phải trải qua ít nhất là 9 năm (6 năm học, 1 năm học việc và thử việc, 2 năm cao học, hoặc 6 năm học y và 3 năm nội trú) thì mới có chứng chỉ hành nghề. Chưa kể đến có những đồng nghiệp của tôi sau chừng ấy năm rồi nhưng vẫn không lấy được chứng chỉ hành nghề, buộc phải làm việc ở dạng tập sự.
Bác sỹ bỏ bệnh viện công vì thu nhập chưa tương xứng với công sức họ bỏ ra
Như vậy, trong khi thời gian làm việc của nhân viên y tế thường xuyên vượt quá 8 tiếng/ngày thì để có được bậc lương khởi đầu 2,34 giống như các anh chị ở những ngành khác, e rằng một người bác sỹ phải mất 9-10 năm. Một số nơi cá biệt cũng được sớm hơn một chút nhưng để được tăng bậc lên thì cũng là một quá trình rất dài sau đó, và cũng chẳng dám so sánh với các anh chị cử nhân cùng trang lứa, bởi lúc đó bậc lương của họ đã “cao chạy xa bay” rồi.
Một điểm nữa, tại Pháp và Mỹ, khi có bằng MD (bằng bác sỹ) thì đó là một tấm bằng rất giá trị. Tôi xin nhấn mạnh: nó còn giá trị hơn cả PhD (bằng tiến sỹ) hay học hàm cao nhất của giảng dạy là giáo sư. Có rất nhiều bác sỹ trên thế giới với những công trình nghiên cứu có tính ứng dụng cao chỉ ghi đơn giản bên cạnh tên mình là MD. Nếu như các bác sỹ không tham gia giảng dạy thì có lẽ bằng tiến sỹ và học hàm giáo sư cũng không có ý nghĩa đối với công việc của họ. Đối với những bác sỹ khám chữa bệnh trực tiếp, đã không còn khái niệm “Master of Medicine” nữa, mà chức danh Doctor (Dr) đã được coi trọng hơn cả một thạc sỹ ở các chuyên ngành khác. Tóm lại, bác sỹ chắc chắn là hơn cử nhân.
Với tất cả những điều trên, có lẽ các bác sỹ ở Quảng Ngãi cũng không phải thiên tài gì, do vậy quyết định của họ là dễ hiểu. Tôi tin rằng đằng sau lựa chọn của họ chính là môi trường làm việc kém hấp dẫn của bệnh viện công nơi họ làm việc. Khi tìm đến môi trường làm việc hấp dẫn hơn, họ đã không làm gì sai cả về mặt “Đời sống lẫn Pháp luật”, thưa các “ngài đạo đức” ạ.

Bác sỹ Thanh Huyền
CTV1
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Cộng đồng lên tiếng