Tôi từng nhớ về bài hát của Beatles hát về nỗi cô đơn của người già không ai chăm sóc, bài hát lấy tên một bà lão nhặt gạo rơi sau các đám cưới ở nhà thờ: “Eleanor Rigby”. Bài hát bắt đầu “Ah, look at all the lonely people: Hãy nhìn những kiếp người cô đơn đi”. Và kết thúc với câu hỏi: “Where do they all come from? Where do they all belong?” (Họ đến từ đâu? Họ thuộc nơi nào?) Hình như Beatles với John Lennon, Paul McCartney là những ca sĩ hát hay nhất mọi thời đại về tuổi già, và cũng hay nhất về gia đình mà tôi đã từng nghe đến.
Ở Việt Nam, theo truyền thống Á đông, gia đình là “xã hội” nhỏ nhất đầu tiên hình thành tư cách một con người. Sau ngày chiến tranh kết thúc, đất nước thống nhất, ở miền Nam - nơi tôi sinh ra, lớn lên và trưởng thành, vấn đề gia đình - gọi là lý lịch gia đình - trở nên một vấn đề mấu chốt của mọi sự thành công hay thất bại. Lúc đó, người ta gọi là chủ nghĩa lý lịch. Tôi không biết thuật ngữ này từ đâu ra, nhưng nghe qua đã thấy một sự phân biệt lịch sử xuất thân. Thời đó, tôi vừa từ Thanh Niên Xung Phong, trở về làm báo. Chúng tôi đã mở trên mặt báo một chủ đề rất rõ ràng “chống chủ nghĩa lý lịch”, tức là chống những phân biệt đối xử nguồn gốc xuất thân của một người. Tất nhiên, tiểu sử cá nhân phải là nguồn tham khảo, nhưng khi đã trở thành một thứ gọi là “chủ nghĩa” thì đó là vấn nạn ngăn cản đường đi của giới trẻ và tất nhiên, làm chậm tiến bộ của đất nước. Báo của chúng tôi là báo Tuổi Trẻ nên mở chuyên đề này và nhận được nhiều ủng hộ từ độc giả và lãnh đạo thời kỳ đó. Trước những đối xử bất công về nguồn gốc gia đình, một nhà lãnh đạo thời kỳ đó đã nói một câu để đời: “Không ai chọn cửa sinh ra”.
Chúng ta không chọn gia đình. Gia đình chọn chúng ta.
Năm 2024 tôi không ngờ mình còn có thể mua hai cuốn sách của các hậu duệ Tự lực Văn đoàn, đó là cuốn “Căn nhà An Đông của mẹ tôi” của Nguyễn Tường Thiết, con trai út của Nhất Linh và “Gia đình tôi” của Duy Lam , cháu kêu Nhất Linh bằng cậu. Cả hai cuốn đều nói về gia đình, tất nhiên như cái tựa của chúng. Sự ấu trĩ và cực đoan trong phân biệt nguồn gốc gia đình đã gần như không còn nữa khi sách của hai nhà văn Sài Gòn cũ nói về gia đình mình, thuộc gia tộc lớn Nguyễn Tường , xuất hiện công khai trở lại sau gần nửa thế kỷ.
Hiện nay, gia đình hiểu theo quan hệ ruột thịt đã ảnh hưởng đến cách tuyển chọn người vào các nhiệm vụ quan trọng của guồng máy công quyền ít nhiều làm méo mó tính công minh của hệ thống. Sự lạm dụng “dòng máu” gia đình nhiều đến nỗi các nhà kỹ trị đã nhiều lần lên tiếng công khai: “Chọn người tài, không chọn người nhà”. Khi tôi còn phụ trách tờ báo tiếng Anh Saigon Times, không ít lần chịu áp lực khi được yêu cầu phải tuyển con cháu ai đó. Tôi không từ chối, vì tôi không quan tâm gia đình của các ứng viên, chỉ đề nghị tất cả phải qua phỏng vấn như đã quy định. Thật ra, cũng có người qua vòng phỏng vấn và làm tốt công việc sau này, nhưng nhiều người vẫn bị loại, cho dù hồ sơ cá nhân và gia đình rất “khủng”.
Tính chất của gia đình hiện đại chắc chắn không có biểu hiện “cha truyền con nối” này. Không ai phủ nhận tư tưởng và hành vi của một người chịu ảnh hưởng từ gia đình. Nhưng thực tế, không phải ai cũng sống với gia đình. Gia đình theo nghĩa truyền thống gồm một cha, một mẹ, các con… đã biến thiên rất nhiều theo thời gian và không gian.
Trong thời gian gần đây, mạng xã hội đã trở thành một cách mới để mọi người kết nối với bạn bè thời thơ ấu, nhờ đó, tôi đã tìm được một người bạn học cùng trường tiểu học ngày xưa ở Đà Nẵng, quê tôi. Tôi cũng kết nối rất nhiều bạn già khác, thậm chí họ là những người ngoại quốc, xa lạ. Ở tuổi thất thập, mỗi khi có một kết nối mới, tôi cảm thấy người bạn mới đó như một thành viên của gia đình.
Trong tiểu thuyết Harry Potter nổi tiếng của J.Rowling, cậu bé pháp sư sống trong chiếc tủ dưới gầm cầu thang. Hoàn cảnh không may của cậu bé là kết quả của việc cha mẹ cậu đã bị giết trong một cuộc đấu tranh, khiến cậu bé Potter sau đó bị chuyển đến sống với người dì và người dượng độc ác của mình. Mặc dù gia đình có thể không phải là chủ đề trung tâm của những cuốn tiểu thuyết về cây đũa phép thuật này, nhưng ví dụ của Harry đặt ra một câu hỏi hấp dẫn khác: “Chính xác thì điều gì được coi là gia đình?”
Định nghĩa về gia đình thay đổi theo thời gian và theo nền văn hóa. Gia đình truyền thống được định nghĩa là hai hoặc nhiều người có quan hệ huyết thống, hôn nhân và, đôi khi, nhận con nuôi . Ví dụ: gia đình ông ngoại tôi, đã nhận dì hai tôi là con nuôi, vì theo mẹ tôi kể lại, vì ông bà muộn có con. Dì Hai tôi đã mang tới may mắn và ngọn lửa ấm cho gia đình, khi ông bà ngoại tôi, sau đó đã sinh 8 người con, trai gái, mạnh khỏe, và hầu hết đều sống thọ, theo nghĩa qua tuổi 60. Mẹ tôi thọ 104 tuổi. Dì Sáu thì hiện (2024) vẫn còn sống với tuổi 100.
Trong lịch sử, phiên bản tiêu chuẩn nhất của gia đình truyền thống là gia đình có cả cha mẹ, con trai và con gái. Còn thời hiện đại, những người trong một gia đình không nhất thiết phải có quan hệ máu thịt. Harry Potter chắc chắn sẽ gọi những người bạn học của mình Ron Weasley và Hermione Granger là gia đình, mặc dù họ không phù hợp với định nghĩa truyền thống. Tương tự như vậy, Harry có thể coi Hedwig, con cú tuyết, là một thành viên trong gia đình, và cậu bé không đơn độc khi làm như vậy. Hiện nay nhiều người nuôi thú cưng coi thú cưng của họ như một thành viên trong gia đình.
Warren Buffett, một trong những tỉ phú giàu nhất thế giới, quan niệm con người làm ra của cải tiền bạc, nhưng của cải tiền bạc không tạo ra nhân cách con người. Ông cho rằng để tiền bạc cho con cháu chỉ làm cho con cháu ỷ lại không giúp ích gì cho chúng, còn làm chúng mất ý chí động lực thúc đẩy tiến lên. Ông phát biểu: “Nếu ba đứa con của ông họ Buffett chỉ vì tình cờ may mắn được sinh ra trong gia đình Buffett mà lại có số tiền hàng chục tỷ Mỹ kim di sản để hưởng thụ cuộc đời, thì đó là điều vô cùng bất công, xã hội không còn công lý nữa.” (Warren Buffet: “Hòn tuyết lăn”, hồi ký, Nxb Trẻ, TPHCM, 2013)Tiền có thể mang lại cảm giác an toàn và kiểm soát có thể góp phần vào hạnh phúc gia đình, nhưng nó không đảm bảo điều đó. Một số nghiên cứu cho thấy tiền có thể khiến mọi thành viên trong một gia đình cảm thấy an toàn, vui vẻ hơn, nhưng chỉ đến một mức độ nhất định. Một số nghiên cứu khác cho thấy tác động của nó⁷ là tối thiểu vì hạnh phúc của mỗi cá nhân dựa trên các tiêu chí khác nhau. Nếu nghèo đói khiến chúng ta đau khổ, thì có lý khi cho rằng sự giàu có khiến cuộc sống đáng sống. Nhưng liệu có phải vậy không? Các nhà tâm lý học không chắc chắn lắm.
Tôi không phải là nhà tâm lý học, cũng không phải là nhà nghiên cứu gia đình. Tôi chỉ là nhà báo và tất cả những gì nhận xét dừng lại ở quan sát của một nhà báo. Vâng, chỉ cần “mắt thường” thôi, ai trong chúng ta cũng có thể thấy cái mà một gia đình túng thiếu mơ ước chính là tiền. Nhưng tiền thì không phải mơ ước của một nhà giàu, giàu đủ để có thể cho con cái, cháu chắt tài sản thừa kế.
Mới đây, một ông bạn già của tôi tâm sự rằng, em trai của ông - một người đã trên 60 tuổi - đã khiến ông không còn vui vẻ đi cà phê với nhóm bạn cùng lứa nữa. Tại sao? “Bởi vì chú ấy nhắn tin - một tin rất buồn - rằng cháu nội chú ấy bị bệnh nặng và mọi thứ của cuộc sống này gần như sụp đổ. Kèm theo đó đề nghị tôi hỗ trợ một khoản tiền viện phí. Rõ ràng, trong trường hợp này, vấn đề lớn nhất không phải số tiền, mà chính chú ấy có quan hệ ruột thịt với tôi” - ông bạn già của tôi giọng kể lể, đầy tâm trạng buồn bã. Lẽ ra, ở tuổi U80, ông đã có thể tận hưởng hạnh phúc, nhưng chính mối quan hệ gia đình nhiều thế hệ đã ảnh hưởng tiêu cực tuổi xế bóng của ông! Tôi tin rằng, đó không phải là nỗi buồn của số ít những người già nặng “nợ tình thân gia đình, dòng tộc.”
Chính Yuval Noah Harari - sử gia và triết gia người Israel, đã viết “những người mà chúng ta thường xuyên xung đột nhất chính là các thành viên trong gia đình của chúng ta” . Theo tôi, những nhận xét về gia đình của ông rất đáng được tham khảo.Ông nhấn mạnh rằng gia đình có thể mang lại (hoặc không) hạnh phúc lớn hơn so với tiền bạc và sức khỏe. Ông cũng nói rằng những người có gia đình vững mạnh thường có hạnh phúc hơn những người không có.
Ngày nào trên báo chí hay mạng xã hội chúng ta đều đọc thấy những loại tin không mấy vui vẻ về gia đình: Đốt nhà có, lừa đảo có, giết hại có… Những thảm kịch gia đình không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà còn khắp nơi trên thế giới.
Nhà nhân chủng học Margaret Mead đưa ra một góc nhìn bổ sung, nêu bật cách các cấu trúc gia đình được xây dựng trên phương diện xã hội và khác nhau giữa các nền văn hóa và giai đoạn lịch sử. Trong tác phẩm “Phái nam và phái nữ” (Male and Female -1949), Margaret Mead đã khám phá cách các xã hội khác nhau phân công vai trò dựa trên giới tính, vai trò làm cha mẹ và quan hệ họ hàng, phù hợp với khẳng định của sử gia Yuval Noah Harari rằng gia đình là một cấu trúc thích ứng với nhu cầu kinh tế và xã hội. Cả hai học giả đều cho rằng gia đình không hề tĩnh tại, mà liên tục thay đổi, phát triển để đáp ứng nhu cầu của môi trường mà gia đình tồn tại.
Trong cuốn “Con người chúa tể” (Homo Deus), Harari phân tích về cách những tiến bộ công nghệ, chẳng hạn như trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh sản và kỹ thuật di truyền, đang định hình cơ bản các mối quan hệ của con người, bao gồm cả những mối quan hệ trong gia đình. Ông suy đoán rằng các công nghệ sinh sản trong tương lai có thể làm giảm nhu cầu sinh học của gia đình truyền thống, vì con người có thể sinh sản mà không cần quan hệ vợ chồng hoặc thậm chí là sự tham gia của cả cha và mẹ. Đó có thể là sắc thái của năm 2525, ông dự báo.Ngoài ra, công trình của Sherry Turkle về cách công nghệ làm trung gian cho các mối quan hệ của con người củng cố thêm cho ý tưởng của Harari. Trong cuốn “Cô đơn cùng nhau” (Alone Together 2011), Turkle khảo sát cách công nghệ, đặc biệt là dưới hình thức phương tiện truyền thông xã hội và truyền thông kỹ thuật số, đã định hình lại kỳ vọng của chúng ta về tình thân và kết nối. Bà lập luận rằng trong khi công nghệ có thể tạo điều kiện thuận lợi cho các mối quan hệ, thì nó thường dẫn đến việc giảm tương tác trực tiếp, do đó làm suy yếu mối quan hệ gia đình.
Điều này phù hợp với tầm nhìn của Harari về một tương lai, nơi vai trò gia đình có thể bị thay thế nhiều hơn nữa bởi những đổi mới công nghệ, có khả năng làm xói mòn các kết nối cơ bản định hình cuộc sống gia đình ngày nay.
Harari cho rằng khi xã hội trở nên cá nhân hơn, được thúc đẩy bởi các hệ tư tưởng kinh tế và chính trị tự do, thì gia đình trở nên ít quan trọng hơn đối với bản sắc và mạng lưới xã hội của con người. Theo ông, sự suy yếu của các mối quan hệ gia đình có thể tăng tốc khi mọi người ưu tiên các mục tiêu cá nhân, thành công trong sự nghiệp và sự hoàn thiện cá nhân hơn là duy trì các mối quan hệ gia đình chặt chẽ.
Tuy vậy, trên thực tế, trong thời đại toàn cầu hóa của thế kỷ 21, gia đình vẫn là tế bào căn bản nhất của xã hội. Nghĩ nhỏ hơn, tôi cho rằng một gia đình hiện đại hạnh phúc sẽ có mấy tính chất: 1) khôi hài 2) tranh luận dân chủ 3) biết nhượng bộ và nhận sai.
Tuy vậy, một gia đình hiện đại sẽ biết cách nhượng bộ lẫn nhau khi mỗi thành viên nhận ra lỗi của mình. Trong khi đó, nếu bạn thích câu chuyện về những người nổi tiếng, thì chính Elon Musk - người giàu nhất thế giới hiện nay - là một câu chuyện tiêu biểu về việc biết nhượng bộ trong gia đình. Trong cuốn hồi ký do Walter Issason ghi lại, thời nhỏ Elon đã sống trong một gia đình không mấy hòa thuận do tính khí nóng nảy và thất thường của người cha, nhưng Elon luôn biết nhượng bộ với cha, và với chính mình khi ông vẫn “nuôi” được sự vị tha cho đến khi trưởng thành. Chuyện kể về con chó của gia đình mà ông coi như một thành viên: “Gia đình Musk nuôi những chú chó chăn cừu Đức được huấn luyện để tấn công bất cứ ai chạy ngang qua nhà. Khi lên sáu, Elon đang chạy trên đường, thì con chó yêu thích của ông đã tấn công ông, cắn một miếng lớn vào lưng. Trong phòng cấp cứu, khi họ chuẩn bị khâu vết thương ông đã từ chối việc điều trị cho đến khi được hứa rằng con chó sẽ không bị trừng phạt. “Người ta sẽ không giết con cún, phải không?” Elon hỏi. Đối với Elon thú cưng là thành viên gia đình. Mặc dù, Elon Musk rất coi trọng gia đình, nhưng khi có một gia đình riêng, và vô cùng giàu có, ông không phải là một người cha hạnh phúc. Người con đầu lòng của ông, khi 18 tuổi, đã ra tòa từ cha và từ chối mọi quyền lợi mà người cha - tức tỉ phú Elon Musk - để lại. “Tôi yêu tất cả các con của mình rất nhiều”, Musk tweet lúc 2 giờ sáng Ngày của Cha - ngày 19 tháng 6 năm 2022 - có vẻ bình thường, thậm chí là ngọt ngào. Nhưng ẩn sau từ tất cả là một bi kịch gia đình. Con gái ông, Jenna, vừa tròn mười tám tuổi và đã ra tòa ở Los Angeles, nơi cô sống với mẹ, để chính thức đổi tên từ Xavier Musk thành Vivian Jenna Wilson. Cô tự gọi mình là Jenna. "Tôi không còn sống với cha ruột hoặc muốn có bất cứ quan hệ máu mủ nào với cha ruột của mình theo bất kỳ cách nào, hình thức nào", cô tuyên bố với tòa án… Elon Musk tin rằng con ông đang từ cha vì tư tưởng chính trị.“Đó là cộng sản, và nói chung, nó nghĩ rằng tất cả người giàu có đều là kẻ xấu xa,” Elon nói.”
Tại sao tôi muốn lấy ví dụ về gia đình từ những cuốn sách hồi ký hay tự truyện? Đơn giản vì thực tế khi được khái quát từ văn học, sách vở thì tính tiêu biểu của gia đình càng cao.
Hiện nay mâu thuẫn trong gia đình Việt Nam ngày càng tăng, chủ yếu như vấn đề về bình đẳng giới, bạo lực gia đình, xung đột thế hệ, mâu thuẫn về kinh tế, về con chung - con riêng (con anh, con tôi và con của chúng ta). Để giải quyết mâu thuẫn người Việt thường thực hiện theo truyền thống "đóng cửa bảo nhau", theo hướng hòa giải, ít khi ra đến cơ quan tố tụng như phương Tây, tuy vậy việc kiện tụng, đã trở nên phổ biến hơn.
Tiến sĩ Donna Baer, tác giả cuốn “Gia đình hạnh phúc” đã kể về gia đình mà trọng tâm là những đứa con - những thiên thần mang lại hạnh phúc.
“…Tôi càng chăm sóc con gái mình, tôi càng yêu con bé sâu sắc. Tôi càng nấu những bữa ăn tuyệt vời, tôi càng thích nấu ăn. Tôi càng làm cho căn hộ nhỏ thời thượng của chúng tôi trông đẹp hơn, tôi càng trân trọng - tôi có dám nói từ này không? - việc dọn dẹp nhà cửa! Mặc dù được giáo dục tại Ivy League và có kinh nghiệm làm việc cao, tôi đã trở thành chính thứ mà tôi từng chê bai: một người nội trợ! Và tôi chưa bao giờ hạnh phúc hơn thế.”, tác giả Donna Baer viết.
Một câu chuyện khác về gia đình cố triết gia Phạm Công Thiện, do vợ ông Lê Khắc Thanh Hoài viết, với tựa đề cuốn sách “Chuyện một người đàn bà 5 con” . Cuốn sách được bán ở Việt Nam và tôi đã mua hơn 10 cuốn để tặng bạn bè tôi, những người từng mê sách của Phạm Công Thiện, hoặc may mắn hơn, được nghe ông giảng bài tại Đại học Vạn Hạnh trên đường Trương Minh Giảng quận 3 (nay là đường Lê Văn Sỹ). Trong sách này là một gia đình gần như vắng cha (tức cố triết gia-thi sĩ Phạm Công Thiện). Tất cả gánh nặng gia đình đặt trên vai người phụ nữ ốm yếu là vợ ông. Nhưng gia đình với 5 người con chính là bó đuốc soi đường cho người mẹ và đi đến thành công như một gia đình đỗ đạt và có vị trí cao trong giới khoa học châu Âu.
Không bao giờ có một mô hình cho “gia đình hiện đại hạnh phúc”. Có lẽ hạnh phúc nằm chính trong sự đa dạng và sẵn sàng thích nghi của từng gia đình.
Bình luận của bạn